Một kỷ niệm trận mạc của Trung tướng Khuất Duy Tiến

Hiện ở Bảo tàng Lịch sử quân đội trưng bày xe tăng PT-76, số hiệu 555. Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3; nguyên Cục trưởng Cục Quân lực; nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, Chiến dịch Đường 9-Nam Lào đầu năm 1971 ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

 Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Trung tướng Khuất Duy Tiến.

Nay ở tuổi 90, ông còn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong hàng trăm trận đánh suốt thời chống Pháp và chống Mỹ, trận đánh có sự tham gia của chiếc xe tăng trên hôm nay vẫn in đậm trong ký ức của ông...

Vào đầu năm 1971, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân lớn mang tên Lam Sơn 719 đánh vào khu vực đường 9-Nam Lào nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược của quân đội ta, hòng phục vụ cho ý đồ Việt Nam hóa chiến tranh. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công tiêu diệt quân địch ngay tại chiến trường này. Tư lệnh chiến dịch Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tổng tham mưu phó; Chính ủy Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng là đại diện Thường vụ Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng bên cạnh Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Ngày 30/1/1971, một sư đoàn Mỹ mở màn cuộc hành quân bằng trận càn dọc đường 9, chiếm lại Khe Sanh, làm bàn đạp cho quân ngụy Sài Gòn mở cuộc tiến công sang Nam Lào. Qua một ngày chiến đấu, Trung đoàn 64 của tôi đã diệt gọn Tiểu đoàn 6 dù ngụy. Lúc đó đường dây hữu tuyến bị đứt mất vài tiếng đồng hồ, thế rồi nhờ sự giúp đỡ của anh Thành Công, chủ nhiệm kho Q3 thuộc Bộ Tư lệnh 559, tôi đã liên lạc được với chỉ huy chiến dịch. Anh Phạm Hồng Sơn, Tham mưu trưởng (sau này là Trung tướng, Phó giám đốc Học viện Quân sự cấp cao), biểu dương đơn vị tôi đã đánh thắng trận đầu và thông báo sẽ cấp thêm cho chúng tôi 2 cơ số đạn, 1 đại đội xe tăng và 4 khẩu pháo Đ74. Anh giao tiếp nhiệm vụ cho Trung đoàn 64, trực tiếp đánh chiếm điểm cao 543 của Lữ đoàn dù ngụy số 2 do Đại tá Nguyễn Văn Thọ chỉ huy. Cuối buổi điện đàm anh còn căn dặn: Cố tạo thế hợp đồng binh chủng để diệt điểm nhanh gọn.

Sau 3 ngày vây lấn quanh điểm cao 543, Tiểu đoàn 8 chủ công từ hướng tây bắc vẫn chưa tiến được, mà còn bị tổn thất lực lượng khá nhiều. Sáng ngày 24/2, tôi họp cán bộ chỉ huy các đơn vị cơ sở, dự họp còn có các anh được Bộ Tư lệnh tăng cường xuống đơn vị: Nguyễn Ân, Tham mưu phó Sư đoàn 304; anh Đô, Trung đoàn trưởng Trung đoàn xe tăng 203; anh Toàn, Trung đoàn phó pháo binh Trung đoàn 675. Trong hội nghị tôi đề xuất đổi lại hướng tấn công chính, từ đông-đông nam đánh lên. Anh Ân lưu ý, hướng tiến công chủ yếu đã được Bộ Tư lệnh chọn, nếu thay đổi cần có ý kiến cấp trên; các chỉ huy xe tăng và pháo binh thì đều nhất trí với tôi về hướng tấn công mới, song e ngại địa hình hiểm trở xe tăng khó hành tiến.

Đến trưa ngày hôm sau, bộ phận trinh sát kiểm tra về báo cáo: hướng đông nam xe tăng đi được. Tôi liền cho 4 xe tăng xuất kích bám theo Tiểu đoàn 9, đến vị trí xuất phát tiến công thì bộ binh dừng lại, tăng vượt lên trước đột phá. Trưa 25/2, Tiểu đoàn 8 đang quần nhau với địch trên đường lên điểm cao 543, thì xuất hiện xe tăng và bộ binh ta từ hướng đông nam. Địch gọi máy bay đến dội bom. Khẩu 12,7 ly trên tháp pháo xe tăng 563 ngay loạt đạn đầu bắn trúng một chiếc F4, làm nó bùng cháy như bó đuốc, lao đầu xuống khu rừng cách đó không xa. Chiến sĩ ta trong các giao thông hào hò reo vang dậy. Đúng 12 giờ 30 phút, tôi ra lệnh cho hướng chủ yếu đông nam nổ súng tiến công. Hai xe tăng cùng bộ binh ào ào lướt tới. Lại thêm một máy bay nữa trúng loạt đạn từ xe tăng bốc cháy. Đứng trên tháp xe tăng 555, Tiểu đoàn trưởng Phạm Công Doanh phất cờ hiệu ngang dọc, thúc dục bộ binh tiến theo.

Ở một số công sự bọn địch lần đầu thấy xuất hiện xe tăng “Việt Cộng” thì hốt hoảng bỏ súng tháo chạy. Quân ta cứ nhằm đỉnh đồi xông lên. Bỗng một quả bom nổ cách xe tăng 555 đi đầu chừng hai chục mét, xe khựng lại, Phạm Công Doanh bị hất đi, một mảnh bom găm vào ngực anh, máu phun ra đầy áo. Mấy chiến sĩ chạy đến ôm người tiểu đoàn trưởng quả cảm, anh chỉ tay lên đỉnh đồi thúc dục mọi người tiếp tục tiến. Lái xe Đặng Văn Đoàn nén nỗi đau mất người chỉ huy, lập tức thay ống nước hỏng bằng một vòi cao su, xe 555 lại nổ máy lao lên, trong khi chiếc tăng thứ hai cũng đang từ sườn đông tiến vào, tạo thành thế gọng kìm khiến địch càng hoảng loạn. Xe 555 khi đến tuyến hàng rào phòng thủ trên đỉnh đồi, thì nã pháo trúng ổ đề kháng ĐKZ của địch đặt trong một lô cốt không nắp. Ngay lúc đó từ hướng trái, địch phụt ra quả đạn chống tăng M72, chiếc xe tăng 555 kịp dừng lại, quả đạn vạch một đường xanh lè lướt qua đầu xe.

Ban chỉ huy Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, hạ quyết tâm tiêu diệt Lữ đoàn dù 3 ngụy Sài Gòn trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến, thứ nhất từ trái sang (tháng 2/1971). Ảnh tư liệu của gia đình.

Chúng bắn tiếp quả thứ hai. Chiếc xe cũng kịp chuyển hướng để tránh, quả đạn lại sượt qua mép xích xe. Khi địch định bắn tiếp quả thứ ba thì bộ binh đi yểm trợ phía sau đã nã một phát B40 thiêu cháy luôn ổ chống tăng đó. Quân ta cứ thế lao thẳng vào trung tâm. Một khẩu đại liên địch bất ngờ hiện ra trước mũi xe, bắn như vãi đạn. Xe 555 rồ máy chồm đến, nghiến nát luôn cả ổ đại liên. Trước sức tấn công như vũ bão của quân ta, nhiều lính dù ngụy trong các hầm ngầm trên đồi 543 lũ lượt kéo ra giơ hai tay xin hàng. Hướng Đại đội 6 báo cáo: Bắt được năm, sáu chục tù binh, có cả thiếu tá, trung tá. Tôi ra lệnh: Chốt giữ các mục tiêu quan trọng, giải tù binh về sở chỉ huy trung đoàn. Kiểm tra tù binh thì thấy thiếu Đại tá, lữ trưởng Nguyễn Văn Thọ. Đến xế chiều anh em lùng sục vẫn không tìm thấy tên Thọ, nhưng đài kỹ thuật của ta báo là hắn vẫn còn trong căn cứ.

Chập tối, đài kỹ thuật bắt được sóng, nghe tiếng Thọ đang cầu cứu trên oanh tạc trực tiếp vào căn cứ và cho bộ binh tái chiếm vãn hồi tình thế. Tôi ra lệnh cho chính trị viên phó Tiểu đoàn 8 Nguyễn Văn Đông, chỉ huy bộ phận lùng sục: Thọ còn trong căn cứ, các cậu phải tìm cho ra! Khi tổ lùng sục vào một hầm sâu, soi đèn pin chợt thấy một xác nằm ép mặt vào trong, các anh sờ vào người còn nóng, liền bắn một phát AK cách đầu hắn khoảng gang tay. Tên này giật nảy mình choàng dậy, run rẩy tháo súng nộp. Trung đội phó Nguyễn Thọ Quyết quát lớn: Mày tên gì? Hắn run rẩy: Dạ, Nguyễn Văn Thọ, đại tá, lữ trưởng.

Giải tên đại tá, lữ trưởng về sở chỉ huy, cơm nước xong xuôi, tôi bảo hắn: Bây giờ anh phải nói thật để được hưởng lượng khoan hồng. Hắn nói, xin ông cho tấm bản đồ. Tôi đưa tấm bản đồ cũ của ta, tỉ lệ 1/100.000, hắn lắc đầu bảo xem không rành. Tôi lại đưa tấm bản đồ vừa thu được, thì hắn nói rõ từng khu vực phòng thủ, ý định các bước thực hiện, các trận địa pháo, ổ đề kháng, nơi xuất phát của xe tăng, thiết giáp, cùng lực lượng Mỹ đứng sau. Tôi thấy điều hắn nói khá khớp với những gì mà trinh sát ta đã nắm được. Rồi hắn còn kể lể: Thưa ông, tui là giáo viên trung học, nhà nghèo, bị bắt quân dịch. Tui cũng hổng thích thú chi việc cầm súng...

Trung đoàn xe tăng 203 phối thuộc với Sư đoàn 320, đều nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3, sau này còn tham gia nhiều chiến dịch khác, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Và chiếc xe tăng mang số hiệu 555 của Đại đội 9, Tiểu đoàn 198 phối thuộc cùng bộ binh đã lập kỳ tích trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, sau này được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân đội. Nhà nước đã công nhận đây là “bảo vật quốc gia”. Chiếc xe tăng đó thực sự trở thành một biểu tượng cho tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời và khả năng hợp đồng binh chủng mạnh mẽ, linh hoạt của quân đội ta trong tác chiến hiện đại.

Phạm Quang Đẩu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/mot-ky-niem-tran-mac-cua-trung-tuong-khuat-duy-tien-tintuc463114