Một kiểu tư duy áp đặt!

'Mở lon Việt Nam', slogan quảng cáo sản phẩm mới của Coca-Cola rất bình thường, không có gì đặc sắc. Thế nhưng nó lại trở nên không bình thường, thậm chí là nổi tiếng nhờ bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Tuổi Trẻ Online ngày 30-6 nêu “ý kiến của bà Cục trưởng: từ “lon” đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia, có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa; nếu bị thêm dấu, thêm mũ trong các quảng cáo ngoài trời sẽ rất phản cảm”(1). Trước đó, ngày 29-6, cũng trên Tuổi Trẻ Online: “Công văn vừa qua của Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ việc sử dụng cụm từ này (cụm từ “mở lon Việt Nam” - NV) trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam”(2).

Những người là dân ngữ văn tiếng Việt chắc phải ngả mũ “bái phục” bà Cục trưởng vì sự tưởng tượng quá đỗi phong phú. Trước đó có lẽ không ai hình dung được rằng một chữ “lon” bình thường bỗng làm tiêu tốn bao nhiêu là giấy mực, thời gian của xã hội. Cơ quan quản lý văn hóa có hẳn công văn hỏa tốc yêu cầu chấn chỉnh và trả lời của nhà sản xuất.

Nhà sản xuất ban đầu còn nói cứng vì “cây ngay không sợ chết đứng”, đâu có “tật” mà phải “giật mình”! Nhưng rồi quá hãi trước những hệ lụy tương lai, họ đã phải vội vàng tìm cách thay đổi slogan. Với cách suy diễn như vậy thì nhà sản xuất chỉ có nước là bỏ hẳn chữ “lon” ra khỏi slogan, còn cố giữ chữ “lon” thì kiểu gì cũng có thể bắt bẻ được. Hay là dùng chữ “can” của tiếng Anh cũng có nghĩa là “lon thiếc, hộp thiếc”? Nhưng phải chăng cũng sẽ không ổn, vì giả sử người ta thêm dấu, thêm mũ vào thành “cán”, “cắn” hay “cặn” thì sao?!

Trộm nghĩ chẳng lẽ tất cả chữ “lon” đều phải thay đổi? Từ lon là một dụng cụ đo lường dân gian (lon gạo, lon đậu…) cho đến lon là một loại vỏ kim loại đựng thực phẩm, đồ uống (lon bia, lon nước ngọt…).

Và không thể không liên tưởng những chữ như “Lớn”, “Lờn” thì không nên được dùng làm tên riêng, bởi chúng có nguy cơ bị suy diễn nếu theo thói quen viết tên riêng không dấu trong các văn bản tiếng Anh, tỷ như với địa danh Chợ Lớn (viết theo tiếng Anh không dấu là “Cho Lon”) và các doanh nghiệp có tên gọi gắn liền với địa danh này! Quả thật nếu cứ theo đà suy diễn rồi sợ ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của dân tộc như các quan chức quản lý ngành, thì không khỏi e ngại cho những cái tên riêng như Đại hay Đủ, và còn biết bao nhiêu trường hợp khác nữa.

Nghe đâu cục của bà Hương đang chuẩn bị ra văn bản về chuyện này. Không khéo, bà Hương sẽ suy diễn tiếp về các từ hay các cụm từ trong tiếng Việt khi nói lái thì thành ra… kém văn hóa. Về khoản này thì ôi thôi, không biết có bao nhiêu là cú nói lái kém văn hóa, thậm chí tục tĩu. Và nếu vậy, chỉ riêng về tên riêng, tên địa danh, hỏi cục văn hóa phải tính sao với những địa danh “nhạy cảm” như Bắc Kạn, Đèo Ngang, Giá Rai…

Ông Khổng Tử đời xưa bên Trung Hoa có nói: “Trí thì không nghi người; dũng thì không sợ người; nhân thì không hại người”. Nhân - trí - dũng luôn đi với nhau, hợp thành tam giác đều bền vững, tạo nên nhân cách mỗi con người. Phàm những kẻ kém trí thì hay nghi ngờ đủ thứ, nhìn đâu cũng thấy nhạy cảm, thấy thù địch; ít dũng thì sợ toàn tập, không dám làm gì; thiếu nhân thì luôn tìm cách hãm hại kẻ khác, nhất là những ai hơn mình.

Phải nói là quá rảnh để ngồi suy diễn chuyện cái lon. Sao không dành thời gian săm soi, tưởng tượng đó vào những việc khác ích nước lợi dân hơn. Văn hóa cơ sở còn bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu chuyện cần giải quyết. Việc nhỏ chỉ liên quan tới một chữ bình thường trong tiếng Việt lại trở nên nguy hại trong mắt nhà quản lý để rồi tính toán những quy định điều chỉnh sẽ là tiền lệ nguy hiểm chứ chẳng phải chơi.

Làm quản lý không thể tự nghĩ sao cũng được. Càng không thể áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình cho mọi người, dù với bất cứ động cơ gì.

(1)(https://tuoitre.vn/xon-xao-vi-mot-tu-lon-ma-tu-lon-co-toi-tinh-gi-20190629214310355.htm)
(2) (https://tuoitre.vn/mo-lon-viet-nam-trai-thuan-phong-my-tuc-the-nao-ma-bi-cam-20190629095511564.htm)

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290964/mot-kieu-tu-duy-ap-dat.html