Một khúc quân hành

Chiều ngày 30-4-1975, chúng tôi nghe tin miền Nam được giải phóng khi đang đóng quân huấn luyện dã ngoại ở xóm Bình Khang, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Chỉ huy đơn vị cho bộ đội dừng tập cùng nhân dân trong xóm reo hò, ăn mừng đại thắng. Trước đó mấy hôm Trung đoàn 246 chúng tôi đã làm lễ xuất quân vào miền Nam chiến đấu tại một khu đồi bạch đàn gần vị trí đóng quân. Đại đội chúng tôi được trao một lá cờ mặt trận giải phóng miền Nam nửa xanh nửa đỏ. Vậy là chúng tôi chưa kịp lên đường miền Nam đã giải phóng, đất nước đã thống nhất.

Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

Sau những ngày chiến thắng từng bừng ấy, Trung đoàn 246 chúng tôi chia làm hai. Một nửa về Hà Nội tham gia xây dựng Lăng Bác, một nửa hành quân bộ vượt qua dãy núi Tam Đảo sang Vĩnh Phú làm nhiệm vụ hộ đê, chống lụt. Sau đó là những ngày hòa bình nhưng đầy sự gian lao, vất vả. Chúng tôi chặt cây làm trại tù ở Văn Chấn, Yên Bái rồi về Hà Giang đào đất, phá đá mở đường. Tôi không bao giờ quên những cơn mưa rừng, trận lũ lớn trên ngòi Lao, Văn Chấn. Chặt nứa, đan tranh lợp nhà mòn hết cả móng tay thấu đến tận thịt. Rồi những cơn đói cồn cào khi vác choòng, xà-beng leo lên vách núi giữa rừng Hà Giang đục đá mở đường. Người lính làm kinh tế, mong làm giàu cho đất nước nhưng trải qua bao nhiêu đói khát, gian lao giữa chốn đại ngàn. Trong thời gian ấy tôi có một lần được cử đi đào tạo tại Trường sĩ quan Thông tin. Mấy tháng liền đào đất, đóng cay, dẫy cỏ, trồng rau tăng gia ở Hiệp Hòa, Hà Bắc rồi tôi quay trở lại lên với Hà Giang cùng đồng đội xẻ núi mở đường.

Cuối năm 1978, đơn vị tôi lật cánh sang hướng Cao Bằng. Những người lính Trung đoàn 246 chúng tôi rời cái xẻng, cái cuốc đào đất làm kinh tế nhận lại khẩu súng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 2-1979 nổ ra tôi có mặt ở khu vực cửa khẩu Bình Mãng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng. Trải qua những trận đánh ác liệt, những ngày đêm thất lạc trong vòng vây khép chặt của quân Trung Quốc xâm lược, đói khát và kiệt sức. Có lúc tôi thấy vô cùng bi quan khi nhìn quanh mình chỉ còn vài chiến sĩ quần áo tả tơi, tay cầm những khẩu súng hết đạn, chiếc ba lô lép kẹp trên vai không còn một chút lương thực. Nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua được vòng vây của quân thù về với đơn vị. Sau chiến tranh biên giới tôi được về xuôi đi học. Hoàn thành khóa học tôi được điều lên Lạng Sơn làm cán bộ đại đội rồi về Hà Nội làm báo, viết văn. Bốn mươi năm- một khúc quân hành tôi đã đi qua. Không bao giờ tôi quên những người từng chia sẻ gian lao trong cuộc đời quân ngũ, trong cuộc chiến đấu ở Cao Bằng, trong những ngày tháng nằm hầm trực chiến ở Lạng Sơn, không quên những người đồng đội đã ngã xuống trong chiến tranh khốc liệt và những người đã mất trong hòa bình vì tuổi cao, bệnh nặng... Bạn bè, đồng đội tôi có nhiều người trở về quê trở thành anh nông dân, mỗi lần gặp lại nhau cười vui hể hả. Có người lên cấp chức cao hơn tôi rất nhiều nhưng khi gặp lại cái bắt tay cũng lỏng. Có người lên đến chức thứ trưởng, bộ trưởng, song cũng có người hiện đang ngồi trong tù...

Thế đấy, cuộc sống vẫn trôi đi, dòng đời như dòng sông không bao giờ ngừng chảy. Trong dòng chảy đó tôi cảm thấy lòng mình thanh thản bình yên khi đã đi trọn một khúc quân hành kể từ mùa Xuân năm 1975 ấy...

Hà Nội, 30/4/2020

Trọng Bảo

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-khuc-quan-hanh-76379