Một không gian văn hóa Bắc Bộ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Mô hình chú Tễu cao 6m sẽ được dựng lên ở phố đi bộ Nguyễn Huệ trong 3 ngày diễn ra Festival nghệ thuật múa rối Việt Nam lần thứ nhất (16-18.8). Đây cũng là lần đầu tiên, khán giả TPHCM được thưởng thức văn hóa dân gian Bắc Bộ với sự tham gia của 6 nhà hát trên toàn quốc.

Khán giả TPHCM sẽ tiếp cận với đủ loại hình múa rối tại Festival.

Thưởng thức đủ loại hình múa rối

“Không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ là không gian rất đẹp, mở với mọi người. Tôi có nhiều kinh nghiệm dựng nhiều vở múa rối quốc tế và các vở diễn nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả nên bàn với các anh em làm sao tổ chức được Festival nghệ thuật múa rối hằng năm ở không gian này, đặc biệt cho khán giả thiếu nhi” - ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng Đạo diễn chương trình - cho biết.

Có rất nhiều loại hình rối xuất hiện trong 3 đêm Festival. Phố đi bộ sẽ được thiết kế thành một sân khấu chính biểu diễn rối nước kết hợp rối cạn, cùng 5 cụm sân khấu nhỏ với nhiều thể loại múa rối khác nhau như rối dây, rối que, rối hiện đại… liên tục biểu diễn đan xen. Bên cạnh đó, hoạt động diễu hành trên phố đi bộ trước mỗi giờ diễn cùng với các nhân vật rối, xiếc, trống kèn thiếu nhi, nhóm nhạc… nhằm tạo dựng nên một không gian nghệ thuật truyền thống - hiện đại.

Đêm khai mạc mở màn bằng “Hồn quê” của Nhà hát múa rối Việt Nam là tác phẩm kết hợp giữa rối nước truyền thống và rối cạn, mang hơi thở đương đại. Tiếp đó là các vở diễn đặc trưng của mỗi nhà hát, như ngoài “Hồn quê”, Nhà hát múa rối Việt Nam còn mang đến tác phẩm “Giai điệu quê hương”, “Phượt cùng bà lão đánh cá”. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam biểu diễn rối nước truyền thống với 16 trò cổ dân gian, rối cạn và xiếc tạp kỹ. Nhà hát múa rối Hải Phòng có “Giai điệu ký ức”, Nhà hát nghệ thuật đương đại Đồng Nai có “Đại dương xanh”, Nhà hát nghệ thuật Cánh Diều có rối nước truyền thống và sân khấu tài năng...

Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Tôi hy vọng đây sẽ là thương hiệu nghệ thuật và sang năm sẽ có cách thức tổ chức để duy trì lâu dài. Bên lề các festival sẽ hình thành các kiốt để phục vụ các em thiếu nhi muốn đến tìm hiểu về múa rối, cung cấp kiến thức về môn nghệ thuật dân tộc này. Múa rối rất phù hợp khi đem vào diễn ở các trường học, các trung tâm và là cách quảng bá cho văn hóa truyền thống hữu hiệu nhất. Tôi tin nếu làm thành công thì khách du lịch cũng sẽ quan tâm và phố đi bộ sẽ là điểm đến thu hút du khách”.

Theo Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Cánh Diều, mỗi nhà hát đều mang đến tinh hoa múa rối như là một “đặc sản”. Trong festival lần này, đại diện của TPHCM là Nhà hát nghệ thuật Phương Nam sẽ giới thiệu những loại hình như rối que, rối tay… Và có sự khác biệt đáng chờ đợi là các nhà hát lần đầu mang đến nghệ thuật sắp đặt rối nước kết hợp với tuồng để có hình thức biểu diễn phong phú.

Ươm mầm ước mơ

“Nhà hát Phương Nam từng lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, hiện sáp nhập cả nhà hát xiếc và múa rối thành một. Đây là dịp để công chúng biết đến nhà hát. Rất mừng là qua festival múa rối này, các anh em nghệ sĩ được tiếp cận với đồng nghiệp và khán giả một cách gần gũi và ở một địa điểm với không gian rất đẹp của thành phố” - ông Nguyễn Đức Thế - Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam - chia sẻ.

Trong festival múa rối lần này, Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho hơn 1.500 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các mái ấm, nhà mở, khu nuôi dạy trẻ em cơ nhỡ trên địa bàn thành phố… đến thưởng thức các tiết mục múa rối. Đồng thời, chương trình cũng dành tặng những phần quà là học bổng đại học cho một số em có hoàn cảnh đặc biệt, kêu gọi các Mạnh Thường Quân cùng đóng góp giúp đỡ các em thực hiện ước mơ.

MINH THI

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa/mot-khong-gian-van-hoa-bac-bo-tren-pho-di-bo-nguyen-hue-624289.ldo