Một kênh vốn rẻ cho xuất khẩu có thể nối dài

Ngân hàng Nhà nước sớm chủ động định hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn năm tới...

Năm 2016 cho đến thời điểm này, tỷ giá USD/VND rất ổn định nên lợi ích lãi suất thấp vay USD đã thực sự tạo cho các doanh nghiệp xuất khẩu một dòng vốn rẻ.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về cho vay ngoại tệ.

Đây là những sửa đổi, bổ sung chủ yếu mang tính chuyển tiếp cơ chế cho vay ngoại tệ sang năm tới, vì theo quy định hiện hành sẽ kết thúc sau 31/12/2016.

Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với nhóm đối tượng doanh nghiệp, kéo dài trong cả năm 2017.

Cụ thể, dự thảo, cũng như quy định hiện hành, cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Điều kiện đi kèm, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Với cơ chế trên, các doanh nghiệp xuất khẩu có thu ngoại tệ trong tương lai có thể được vay USD với lãi suất thấp hơn nhiều, chuyển đổi thành VND để đầu tư sản xuất trong nước. Khi xuất khẩu, ngoại tệ thu về, doanh nghiệp dùng trả lại cho ngân hàng. Đây vẫn được giới chuyên môn xem là một phép tạm ứng tương lai, mà không tác động lớn tới cung cầu ngoại tệ nói chung.

Như trong năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc nhóm trên được vay USD ngắn hạn lãi suất chỉ ở khoảng 3-5%/năm, thấp hơn nhiều so với vay bằng VND lãi suất từ 5-8%/năm.

Rủi ro chi phí trong vay ngoại tệ là biến động tỷ giá. Tuy nhiên, năm 2016 cho đến thời điểm này, tỷ giá USD/VND rất ổn định nên lợi ích lãi suất thấp nói trên đã thực sự tạo cho các doanh nghiệp một dòng vốn rẻ.

Những năm trước, theo đuổi định hướng chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang mua - bán, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần ngừng rồi mở lại cơ chế cho vay nói trên. Việc mở lại cũng nhằm lợi ích tạo một kênh vốn chi phí thấp hơn hỗ trợ cho xuất khẩu.

Như đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương ngừng cho vay ngoại tệ. Nhưng, ngày 27/5/2016, Thống đốc Lê Minh Hưng ra chỉ thị chung, cùng thông tư cụ thể, mở lại kênh vốn này để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, và triển khai từ tháng 6/2016 đến nay.

Sau khi được mở lại, tín dụng ngoại tệ đã có diễn biến tăng đáng kể. Theo số liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tính đến 30/9/2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng 5,44% so với cuối năm 2015, tăng 3,69 điểm phần trăm so với tháng liền trước trước.

Với dự thảo vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục cho vay ngoại tệ đến 31/12/2017.

Việc sớm công bố định hướng cơ chế này một mặt giúp doanh nghiệp xuất khẩu nắm chủ trương để chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch kinh doanh năm tới; mặt khác, có thể còn nhằm mục đích loại trừ những xáo trộn tâm lý hoặc cung - cầu bất lợi liên quan trên thị trường thời điểm cuối năm, khi hạn cũ kết thúc cơ chế này vào 31/12/2016 đến gần.

Minh Đức

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tai-chinh/mot-kenh-von-re-cho-xuat-khau-co-the-noi-dai-2016111211153077.htm