'Một kèm một' trong hỗ trợ y tế vùng khó khăn

Với hình thức 'một kèm một', hơn một năm nay, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh giao bốn đơn vị tuyến tỉnh gồm các bệnh viện: Ða khoa tỉnh Quảng Ninh, đa khoa Bãi Cháy, đa khoa khu vực Cẩm Phả và Sản Nhi Quảng Ninh trực tiếp hỗ trợ trung tâm y tế các huyện miền núi: Ðầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và huyện đảo Cô Tô. Cách làm này đã đem lại những kết quả tích cực, làm thay đổi toàn diện y tế vùng khó khăn.

Ðưa phẫu thuật nội soi ra đảo

Trong một lần đi khám sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô, bà Nguyễn Thị Thại phát hiện mình bị u nang buồng trứng, có chỉ định phải phẫu thuật cắt bỏ khối u. Bà Thại còn được thông báo ca phẫu thuật thực hiện ngay tại đảo bằng phương pháp nội soi. Kíp mổ do hai bác sĩ Phạm Tiến Dũng và Phan Thị Thái cùng các kỹ thuật viên Trung tâm Y tế huyện Cô Tô tiến hành có sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Hai bác sĩ Dũng, Thái là những người vừa được đào tạo phẫu thuật nội soi sáu tháng tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Ðây là ca phẫu thuật nội soi đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện đảo Cô Tô. Sau gần một giờ, ca phẫu thuật thành công, các bác sĩ cắt bỏ hoàn toàn khối u nang buồng trứng cho người bệnh.

Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cô Tô cho biết, trước đây, những trường hợp mắc bệnh như bà Thại buộc phải chuyển vào đất liền để phẫu thuật. Còn những trường hợp chửa ngoài tử cung, viêm ruột thừa… phải xử lý cấp cứu ngay tại đảo bằng phương pháp mổ mở, gây nhiều đau đớn, người bệnh dễ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật và nhất là thời gian hậu phẫu kéo dài từ bảy đến 10 ngày, thậm chí lâu hơn. Vì vậy, việc tiếp nhận chuyển giao và triển khai thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi trở thành bước ngoặt, đánh dấu bước trưởng thành của những người thầy thuốc nơi đảo xa. Từ nay, những người bệnh bị bệnh nặng được xử trí ngay tại đảo, không phải chuyển vào đất liền. Khi biển động, quãng đường 32 hải lý từ đảo vào đất liền là cả một vấn đề vì chuyện cấm biển xảy ra như cơm bữa. Như vậy, việc đưa kỹ thuật cao ra đảo giúp người dân được trị bệnh ngay tại địa phương, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, hồi phục nhanh, ra viện sớm…

Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô sẽ tiếp tục cử các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn theo hình thức "cầm tay chỉ việc". Các kỹ thuật được ưu tiên là: Mở rộng kỹ thuật phẫu thuật nội soi sang tiêu hóa, ổ bụng; cấp cứu chấn thương, sản - phụ khoa và nhi khoa…

Cần được nhân rộng

Bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, "một kèm một" là cách làm độc đáo gần như chưa có địa phương nào thực hiện. Ðây là mô hình một đơn vị y tế tuyến tỉnh có kinh nghiệm trong vận hành bệnh viện, chuyên môn kỹ thuật đến quản lý tổ chức hỗ trợ toàn diện cho một đơn vị khó khăn, nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ kỹ thuật của tuyến trên trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh ngay tại nơi sinh sống. Sự hỗ trợ này là thường xuyên, liên tục, không chỉ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ mà cả trong công tác tổ chức, sắp xếp và quản lý bệnh viện. Hiện, ngoài Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, còn có ba bệnh viện khác gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy, Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả chịu trách nhiệm hỗ trợ trung tâm y tế các huyện Ðầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ... Ðể chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả, các bệnh viện tiếp nhận bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng về bệnh viện chịu trách nhiệm hỗ trợ đào tạo với hình thức "cầm tay, chỉ việc" từ ba đến chín tháng. Những kỹ thuật được ưu tiên chuyển giao là: phẫu thuật nội soi, gây mê, hồi sức cấp cứu, ngoại ổ bụng, chấn thương… Sau hơn một năm triển khai hỗ trợ toàn diện, các chỉ số về hoạt động của các trung tâm y tế nhận hỗ trợ đã tăng đáng kể; có những chỉ số tăng gấp nhiều lần so với trước. Nhờ đó, ngoài việc người dân địa phương được hưởng trực tiếp những kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới thì uy tín, niềm tin của người dân đối với trung tâm y tế tuyến huyện cũng nâng cao.

Thống kê cho thấy, nhờ sự hỗ trợ toàn diện của Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong chín tháng qua, tổng số lượt khám bệnh của Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã đạt gần 7.000 ca, gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2016. Tương tự, các lượt thực hiện xét nghiệm, chụp x-quang, siêu âm, phẫu thuật cấp cứu… cũng tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Trung tâm đã điều trị khỏi nhiều ca bệnh nặng, phức tạp như: Viêm phổi sơ sinh, lồng ruột trẻ em; cấp cứu kịp thời người bị đuối nước, bỏng điện, nhồi máu cơ tim cấp, tiền sản giật nặng. Ðến nay, Trung tâm Y tế huyện Cô Tô cũng đã ứng dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện và triển khai thành công bệnh án điện tử, giúp quản lý hiệu quả hồ sơ bệnh án, kiểm soát tốt công tác dược, chi phí tài chính; giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh…

Ngoài hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, giúp triển khai các biện pháp nâng cao công tác quản lý, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã bố trí 23 lượt cán bộ luân phiên tăng cường ra Trung tâm Y tế huyện Cô Tô trực tiếp tham gia khám, cấp cứu và điều trị được hơn 3.000 lượt người bệnh; tham gia xử lý cấp cứu nhiều trường hợp bệnh nặng như: Sốt cao co giật, chấn thương, mổ cấp cứu người bệnh viêm ruột thừa, chửa ngoài tử cung, mổ đẻ...; tổ chức sinh hoạt khoa học về sàng lọc trước sinh, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý da liễu…

Tại Trung tâm Y tế huyện Ðầm Hà, sau khi được Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ toàn diện, các chỉ số đều tăng rõ rệt. Trước kia, trung bình số người bệnh điều trị nội trú ít khi "lấp đầy" 60 giường bệnh, thì nay thường xuyên đông bệnh nhân, có ngày có tới hơn 100 người bệnh điều trị nội trú. Trung bình mỗi ngày trung tâm khám 150 đến 200 người bệnh, gấp bốn lần so với trước đây. Năng lực xử lý cấp cứu của nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Ðầm Hà có sự tiến bộ rõ rệt, nhiều bệnh khó, kỹ thuật mới được cập nhật, ứng dụng ngay tại địa phương trong khi trước kia phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh, rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/34579302-mot-kem-mot-trong-ho-tro-y-te-vung-kho-khan.html