Một Iran 'đã làm giàu'

Chiến tranh với Iran sẽ gây ra những hậu quả gì cho nước Mỹ

Xin giới thiệu một số thông tin tồng hợp về Iran qua bài viết với tiêu đề vả phụ đề trên của chuyên gia quân sự Nga Oleg Ivanov. Bài đăngtrên “Lenta.ru” ngày 9/1/2020. Các ảnh trong bài đều là của tác giả.

Ảnh: Raheb Homavandi / Reuters

Ảnh: Raheb Homavandi / Reuters

Vào đêm Thứ ba rạng sáng Thứ Tư, ngày 8/1/2020, Iran đã tấn công căn cứ không quân Mỹ tại Iraq. Tehran gọi cuộc tấn công tên lửa này là đòn đáp trả vụ ám sát Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm “Al-Quds” của Iran, Tướng Kassem Suleimani.

Nếu tin vào những tuyên bố của Quân đoàn (Lực lượng) Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thì sẽ còn nhiều cuộc tấn công như vậy nữa trong tương lai. Iran cũng đã đe dọa là sẽ tấn công Dubai và Haifa của Israel. Các bên tham gia cuộc xung đột đã có những động thái cho thấy những gì đang xảy ra mới là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn.

Một cuộc đối đầu (chiến tranh) như vậy có thể gây ra những hậu quả gì cho người Mỹ? Iran có những loại vũ khí gì và tên lửa của Iran bay xa đến đâu? Câu trả lời – sẽ có trong bài báo sau của "Lenta.ru".

Bạn và thù

Các lực lượng vũ trang (CLLVT) của Cộng hòa Hồi giáo Iran bao gồm Quân đội chính quy (thường trực) và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tinh nhuệ (IRGC). Theo báo cáo của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ mới được công bố vào tháng 11/2019, thì tính đến tháng 8/ 2019), IRGC có 190.000 quân. Quân số của Quân đội chính quy - 420.000 người. Trong thời chiến, Iran có thể huy động thêm 1 triệu quân.

Iran xác định kẻ thù chính của mình là Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi,- (vì) những quốc gia thách thức những tham vọng hiện có của Cộng hòa Hồi giáo (Iran) muốn xác lập vị thế của một cường quốc khu vực tại Trung Cận Đông.

Iran có các mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Syria và Iraq. Nước này(Iran) cũng hợp tác trong lĩnh vực quân sự ở các quy mô và mức độ khác nhau với Afghanistan, Belarus, Trung Quốc, Oman, Nga, Nam Phi, Venezuela, Azerbaijan, Bolivia, Ấn Độ, Ý, Kazakhstan, Lebanon, Pakistan, Qatar, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ và Turkmenistan.

Sau Cách mạng Hồi giáo, tháng 2/1979, khi quyền lực ở nước Iran thế tục đã thuộc về người Shiite địa phương do Đại giáo chủ Seyid Ruholla Mostafavi Mousavi Khomeini lãnh đạo, quốc gia này bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, và khi đó Iran đã hợp tác trong việc cung cấp thiết bị quân sự với Liên Xô (Nga), Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Belarus và Ucraine.

Ngân sách quân sự của quốc gia 80 triệu dân này trong năm 2019 được ước tính vào khoảng 20,7 tỷ đô la (đứng ở vị trí thứ 15-20 trong bảng xếp hạng ngân sách quân sự thế giới), chiếm 3,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Khoảng một phần ba (34%) khoản ngân sách 20.7 tỷ đôla này được sử dụng để trả lương hưu cho quân nhân, ít hơn một chút (29%) dành cấp cho IRGC. Khoảng 17 % ngân sách quốc phòng được cấp cho lực lượng thực thi pháp luật của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran để thực hiện chức năng đảm bảo sự ổn định bên trong đất nước.

Còn Quân đội chính quy- lực lượng chịu trách nhiệm chủ yếu trong bảo vệ đường biên giới quốc gia, được nhận khoản ngân sách quân sự không lớn (chỉ khoảng 12% tổng ngân sách quân sự).

Vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo

Vào thời điểm hjện tại, Iran chưa sở hữu vũ khí hạt nhân và việc Iran tuyên bố đẩy nhanh quá trình làm giàu urani là một công cụ để mặc cả giảm thiểu hậu quả trừng phạt mà Mỹ áp dụng nhằm phá hoại sự ổn định kinh tế và xã hội của Cộng hòa Hồi giáo Iran .

Theo Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA- hay còn được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran-ND) ký tháng 7/2015 giữa Iran với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức,- Iran cam kết duy trì mức độ làm giàu urani chỉ ở mức 3,67% trong 15 năm tới, với chỉ để lại trên lãnh thổ Iran không quá 300kg lượng urani làm giàu đến ngưỡng trên.

Sau khi Washington đơn phương rút khỏi Thỏa thuận này vào tháng 5/ 2018, Tehran ngay lúc đó tuyên bố sẽ rút bới các cam kết của mình (theo JCPOA-ND ) giai đoạn một và một tháng sau đí – giai đoạn hai. Tháng 7/2019, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận là Iran đã làm giàu urani vượt ngưỡng quy định trong JCPOA.

Loại vũ khí đáng sợ nhất của Iran là các tên lửa đạn đạo,- đây chính là loại phương tiện (vũ khí) kiềm chế Mỹ, Israel và Ả Rập Saudi chủ yếu của Cộng hòa Hồi Giáo này. Tầm bắn tối đa của các tên lửa đạn đạo Iran ước tính khoảng 2.000 km, về mặt lý thuyết là đủ để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của nhà nước Do Thái.

Ngoài các tên lửa đạn đạo có quỹ đạo bay dễ tính toán, Tehran cũng đang tích cực thiết kế- chế tạo tên lửa có cánh và các máy bay không người lái có khả năng cơ động ở độ cao thấp khiến các phương tiện của hệ thống phòng thủ chống tên lửa khó phát hiện.

Các khu vực nằm trong tầm bắn của các tên lửa Iran.

Nhược điểm của các tên lửa Iran là sử dụng các công nghệ lạc hậu, nên cự ly bắn càng lớn thì sai số xác suất vòng tròn (nôm na- sai số) cũng càng lớn (ngày 11/1/2019, có lẽ những nhận định này cần phải xem lại –ND).

Mặc dù vậy, chiến thuật tiến hành một đòn tấn công ồ ạt như đã từng được thực hiện tại Ả Rập Saudi tháng 9/2019 không chỉ làm tăng đáng kể xác suất tiêu diệt mục tiêu, mà còn hạn chế khả năng chống trả của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Tuy nhiên, do Iran không có các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mang đầu tác chiến hạt nhân và các phương tiện hiện đại đưa tải trọng (tác chiến) hữu ích vào không gian vũ trụ nên khả năng một cuộc xung đột cục bộ leo thang thành một cuộc xung đột quy mô toàn cầu là gần như bằng không.

Lượng biến thành chất

Các hoạt động tác chiến quy mô trên lãnh thổ Iran cũng ít có khả năng xảy ra, bởi vì Iran đã thiết lập được các khu vực hạn chế, cấm tiếp cận và cơ động dọc biên giới.

Cụ thể, bờ biển phía nam của Cộng hòa Hồi giáo Iran từ Vịnh Ba Tư, Eo biển Hormuz và Vịnh Ô-man đang được bảo vệ bởi lực lượng các tàu ngầm điện- diezel Xô Viết (Nga) và Bắc Triều Tiên, rất nhiều tàu chiến cỡ nhỏ mang tên lửa chống hạm và ngư lôi và các các bãi mìn.

Mặc dù Hải quân Mỹ mạnh hơn “hạm đội muỗi” Iran hàng chục lần, nhưng đối đầu trực tiếp với Hải quân Iran cách bờ biển nước này ở cự ly < 300 km sẽ khiến Washington phải chịu nhiều tổn thất tài chính và uy tín hơn so với tổn thất của Tehran.

Trong số những loại vũ khí khác mà Iran có thể sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Mỹ, trước hết, đáng chú ý nhất là tổ hợp tên lửa phòng không S-300 mua của Nga và các mẫu tương tự Iran tự chế tạo từ S-300, các phiên bản khác nhau của tên lửa cơ động Fateh-110 với cự ly bắn khoảng 300 km.

Không quân Iran không phải là lực lượng không quân hiện đại. Trong trang bị của Không quân nước này chỉ có vài chục máy bay chiến đấu Phương Tây và Liên Xô sản xuất đã lỗi thời (trong số đó có F-14 Tomcat, F-4 Phantom II, F-5, MiG-29 và Su -24MK).

Nhưng bù lại, Iran đã sản xuất được rất nhiều máy bay không người lái tấn công,- những máy bay này trong trường hợp xảy ra xung đột có thể gây những rắc rối nghiêm trọng cho kẻ thù bằng các cuộc tấn công “bầy đàn”.

Các địa điểm bố trí máy bay (sân bay) chủ yếu của Không quân Iran

Iran có năng lực vượt trội trong lĩnh vực tác chiến điện tử, - chủ yếu là nhờ quan hệ hợp tác với Nga. Iran cũng có mạng lưới công sự ngầm kiên cố lớn nhất tại Trung Đông có thể bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng không chỉ để phóng các tên lửa đạn đạo, mà còn cả mạng sống của giới lãnh đạo nước này.

Cũng không thể không tính đến một yếu tố khác- khả năng Mỹ và các đồng minh triển khai một chiến dịch tấn công trên bộ tại Iran trên thực tế đã bị loại trừ vì điều kiện địa hình phức tạp và diện tích lãnh thổ nước này quá lớn- cuộc chiến kéo dài gần như không hồi kết tại nước Afghanistan láng giềng là một ví dụ sinh động chứng minh cho nhận định trên.

Không chỉ thế, khác với Afghanistan, Iran còn có trong khoảng 1.900 xe tăng, trong đó có T-72S, 2.600 xe chiến đấu bộ binh (BMP) và 2.000 tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS).

Thay lời kết (lược dịch)

Hiện tại Mỹ và Israel vẫn xác định áp dụng các biện pháp kinh tế là hướng ưu tiên để giải quyết vấn đề “mối đe dọa Iran” đối với mình. Không thể không thừa nhận là cách tiếp cận như vậy cũng có cơ hội thành công.

Tuy nhiên, chính sách đậm chất tối hậu thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng trong quan hệ với Trung Quốc và Liên minh châu Âu, cũng như những rắc rối phức tạp trong mối quan hệ của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cũng đang tạo ra những cơ hội nhất định cho Iran.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (dịch)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/mot-iran-da-lam-giau-3395003/