Một huyền thoại mẹ

Người mẹ ấy một mình mang nặng đẻ đau, nuôi dạy khôn lớn trong môi trường đầy rẫy thói hư tật xấu nơi vùng địch chiếm cả 7 người con với sự dè bỉu cười chê của xóm giềng, họ hàng: 'không chồng mà chửa' - mưu kế tự bày cho chồng đi thoát ly mà vẫn bảo vệ được gia đình con cái.

Khi các con đủ lớn, sắp xếp cho từng người thoát ly vào chiến khu, bà còn cơ trí tất bật xuôi ngược Thủ Dầu Một - Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định để làm giao liên cho phòng quân báo Quân Giải phóng. Sức mạnh nào đã thổi vào người phụ nữ mảnh mai xinh đẹp ấy giúp bà làm nên những kỳ tích?

Nguyễn Thị Xuân chào đời vào một buổi sáng trời bỗng mát mẻ như để kết thúc những ngày hè năm 1922 nắng như đổ lửa nơi thị xã Phú Cường, Châu Thành, Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) trong một gia đình viên chức nghèo có truyền thống cách mạng - ông cố nội là Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân.

Ba Xuân là viên chức Sở Bưu điện Sài Gòn, má làm bánh. Ông bà có 6 người con, nguồn sống của gia đình dựa chủ yếu vào đồng lương công chức của ba. Khi Xuân mới 13 tuổi, ba bị bệnh mất, đời sống gia đình đặt trọn lên đôi vai gầy của người mẹ tảo tần ngược xuôi với nghề làm bánh. Anh Hai học hành thông minh, ưa thích tìm tòi sáng tạo.

Đang học Lasan Tabe (nay là trường Trần Đại Nghĩa) anh tìm mua được cái máy chiếu bóng nhỏ, Thứ bảy thường đem về căng vải chiếu cho cả nhà xem. Khi ba mất, anh bỏ học rủ người bạn Pháp kiều hùn vốn mua máy đem đi chiếu lấy tiền vừa kiếm sống vừa phụ mẹ nuôi các em. Anh Hai rất thương tư Xuân nên đem đi theo phụ việc và bán vé.

Ở tuổi dậy thì, tư Xuân đẹp nổi tiếng khắp vùng. Mỗi lần xách giỏ đi chợ là có đám trai phố thị mắt la mày lét lò dò theo sau, ở chỗ chiếu phim lại khối anh chàng lân la kiếm cách làm quen. Tất cả đều nhận được thái độ lạnh nhạt thờ ơ của cô gái. Vậy mà...

Má Nguyễn Thị Xuân (áo dài trắng, giữa) cùng các con gái và con dâu.

Lưu Phước Anh, chàng thư ký sở cao su của Pháp ở Quản Lợi - một cầu thủ có hạng của đội bóng sở - đã xin chủ cho đoàn chiếu phim của anh Hai được chiếu phim Ô Tello.

Lần chiếu phim thành công này đánh dấu tình bạn của anh Hai với Phước Anh và giúp đoàn chiếu phim được trở lại nhiều lần hành nghề ở đây. Từ đó, Phước Anh thường xuyên lui tới trong nhà và bắt đầu thầm yêu trộm nhớ nàng Xuân nết na xinh đẹp.

Thoạt đầu cũng chỉ mới là tình yêu đơn phương, song sự gần gũi và đặc biệt là sự cư xử thông minh, chân thật của anh đã làm cô dần để ý. Lại thêm những tiếng nhỏ to tâm sự mưa dầm thấm sâu của quyền huynh thế phụ... Rồi cái gì phải đến đã đến. Họ cưới nhau và nàng chấp nhận theo chồng về Quản Lợi giữa ngút ngàn những cánh rừng cao su.

Ở đây anh vừa làm ở sở vừa tham gia hoạt động bí mật, hai con Phước Hải, Kim Hà lần lượt ra đời. Khi chị đang mang bầu Kim Chi thì Nhật - Pháp đánh nhau anh quyết định đưa cả nhà về Thủ Dầu Một rồi đi thoát ly. Không có anh, với nghề làm bánh gia truyền, một mình chị đã sinh nở nuôi nấng dạy dỗ chăm sóc cả đàn con khôn lớn nên người giữa vùng tạm chiếm đầy rẫy những cạm bẫy của thói hư tật xấu.

Nói cho ngay cái sự “một mình” ấy đã có ngay từ lúc ở Quản Lợi anh chưa đi thoát ly bởi bộn bề công việc của người hoạt động bí mật. Các con lần lượt lớn lên luôn ngoan ngoãn biết vâng lời má, đứa lớn chỉ bảo cho đứa nhỏ, phụ má những việc vừa sức.

Anh hai Hải học giỏi tốt nghiệp trường sư phạm Sài Gòn được bổ đi dạy học ở Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước) trường gần nhà nên vừa phụ má nuôi em vừa trực tiếp dạy các em học.

Hình ảnh thường thấy ở Hải: một tay cầm sách học tay kia quấy bột cho má, Kim Chi khéo tay phụ má bắt bông kem hoa và chữ... Sống trong vùng địch, má khéo léo bảo ban con cái luôn giữ vững nếp nhà, hướng con trai sắp đến tuổi đi lính là cho thoát ly - ba cho giao liên về đón hoặc má tìm cách liên hệ đưa đi; con gái thỉnh thoảng được ra cứ thăm ba, má luôn động viên nếu muốn thì ở lại chiến khu.

Cả nhà ngoài anh hai, Kim Chi là người được học nhiều nhất. Khi đang học đại học dược năm đầu, cô xin vào chiến khu thăm ba. Cũng cần nhắc lại ngành dược lúc đó ra trường là hốt bạc.

Trước khi đi, cô ngỏ ý muốn ở lại cùng ba, năm Lượng nói: “...bà ròm - lúc đó Kim Chi ốm tong teo - đi là đúng, ở lại học xong ra trường thì tẩy não sao cho sạch...”, má đồng ý chỉ nhắc “...đi là cực lắm đó, liệu có chịu nổi không? Mà đã đi là không được quay về, vậy là Kim Chi thoát ly ra cứ. Ở nhà chỉ còn lại Kim Lan và Phước Thành còn nhỏ.

Bản lý lịch mà chính quyền cũ còn lưu lại nơi bà Xuân ghi đậm chi tiết chồng: mất tích... Và đây mới là sự hy sinh tột cùng của người mẹ ấy. Một tối nọ, sau khi các con đã ngủ yên, bà Xuân đang ngồi chong đèn làm bánh đặng mai đi bỏ sớm thì có tiếng đập cửa ầm ầm, một toán lính ập vào quát hỏi cật vấn: Sao mở cửa chậm? Làm bánh cho ai?...

Bà Xuân điềm tĩnh trả lời :...nửa đêm biết đâu là kẻ gian người ngay... làm bánh đi bán nuôi con... Rồi: Nhà có bao nhiêu người? Chồng bà đâu? - mất tích do chiến tranh... - vậy tại sao lại có mấy đứa nhỏ?

Bà Xuân ứa nước mắt “thừa nhận”: ...thân gái một mình giữa lúc loạn lạc phải... dựa dẫm lần hồi nuôi con. Chẳng làm gì được, chúng bực tức bỏ đi thì chỉ khoảng một giờ sau lại toán khác ập vào với y chang những câu hỏi cật vấn cũ, lần này thì bà Xuân đã trấn tĩnh nên đỡ sợ hơn. Sự vụ cứ lặp đi lặp lại nhưng đến trào Mỹ vô thì căng thẳng hơn gấp bội và bà Xuân cũng chỉ một mực ...đi bước nữa... lần hồi nuôi con...

Má Xuân bế Sáu Sang và dắt Năm Lượng.

Chính quyền đã vậy, với lối phố bà vẫn đau đớn nhịn nhục hứng chịu bao lời dị nghị đàm tiếu, tựu trung cũng chỉ là chồng mất tích mà con cứ đẻ sòn sòn... Kim Chi - Đại tá QĐND Việt Nam - nhớ lại, khi cùng các em ở trong má ở ngoài nhà làm bánh thì ông Tư Lác là chú họ của má từ Sài Gòn về thăm, ông hầm hầm chỉ cái bầu má đang mang bé Thành chửi một thôi một hồi về đạo đức người phụ nữ..., con nhà gia giáo lại làm chuyện... rồi đùng đùng bỏ về.

Và có lần Chi dắt Phước Thành lẫm chẫm đi chơi gặp bà ba Phụng, bà ngắm nghía thằng nhỏ rồi vuốt má nó cười tinh quái... tụi mày cũng chỉ có một mặt thôi...

Sự hi sinh như là một bi kịch ấy tưởng cũng đã đủ phong thánh cho một người mẹ, song không chỉ có vậy. Những lần ra vào cứ thăm chồng, bà Xuân được bồi dưỡng tham gia làm giao liên nhận và chuyển tài liệu quân báo. Bà được chú Tư Sắc chỉ cách nhận tài liệu từ cô Sáu Ba - Anh hùng Lực lượng vũ trang, hiện còn sống - trong vai một người đi đặt bánh với quy định mặc áo dài xanh xách giỏ xanh trong đựng túi cà chua.

Nhận xong, bà cuộn nhỏ tài liệu bọc trong nilon nhấn sâu vào chai dầu cù là rồi trét dầu lên trên bỏ vô bóp thời trang ung dung kẹp nách lên đường, mọi soát xét ngày càng gắt gao của địch đều vô dụng. Lộ trình đi giao tài liệu là từ Thủ Dầu Một đến khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Bà cười hồn nhiên: “Dạo đó tui mạnh lắm, ngõ ngách nào cũng rành, cũng đến được...”.

Cứ có tài liệu là đi giao, bà nhớ nhất là lần đưa tài liệu đầu tiên: “Ăn bận sửa soạn như một tiểu thơ, lên xe đò từ nhà ra Sài Gòn rồi đi xe lam vô chợ Lớn nhắc bác tài tới khúc rẽ vô xóm Giá thì cho xuống. Vì chưa đi điểm này nên phải nhờ bác tài chỉ dẫn cẩn thận. Bước vô đất lạ vắng vẻ vừa sợ vừa dò dẫm hỏi thăm thì may mà vô trúng phóc. Tui nói đúng mật hiệu tìm em cô Sáu Ba liền được dẫn đến một địa điểm khác để trao tài liệu”.

Công tác giao liên của bà Xuân không chỉ có một tuyến ấy mà bà còn là người trực tiếp chuyển tài liệu qua lại cho cơ quan quân báo của con trai cả Lưu Phước Hải - Đại tá QĐND Việt Nam - Hải dạy học ở Lộc Ninh, tham gia hoạt động bí mật cho quân báo. Với công việc của mình, anh có quan hệ rộng, ra vào sân bay Lộc Ninh như đi chợ, bọn sỹ quan Mỹ cũng như Việt rất thân với anh.

Má Xuân đã ngoài 90 tuổi.

Nhờ đó, anh đã vẽ chi tiết sơ đồ, căn cứ biệt kích, chi khu và sân bay Lộc Ninh chuyển cho má rồi má chuyển ra cứ cho phòng quân báo bằng ổ bánh kem cưới.

Trong ổ bánh ấy, bằng sự thông minh khéo léo, má đã bí mật giấu sơ đồ cùng cuộn phim chụp các mục tiêu trên, kết quả là trận pháo kích chuẩn xác của Quân Giải phóng vào sân bay, tấn công và tiêu diệt chi khu Lộc Ninh năm 1967 có sự tham gia của đơn vị pháo - tên lửa mặt đất của ba và quân giải phóng.

Cứ vậy, mọi tin tức tình báo và mọi chỉ thị từ ngoài vào cho anh Hải đều đi qua con đường của má. Đến khi hoạt động của Hải có nguy cơ bị lộ, bọn địch đã bí mật úp mở như con cá nằm trên thớt bắt khi nào chẳng xong mà ta dò được, tổ chức cũng qua má dùng giao liên đưa Hải ra chiến khu. Và thế là địch tập trung truy lùng người mẹ.

Đến lúc này buộc bà phải dắt con đi trốn lần lượt ra Lái Thiêu rồi vô Sài Gòn mấy tháng liền cho đến 1972 giải phóng Lộc Ninh, ba giao Phước Lượng - Trung tướng QĐND Việt Nam (con trai thứ 5), Phước Sang - Đại úy quân báo (con trai thứ 6) đi Củ Chi đón má và Kim Lan, Phước Thành ra vùng giải phóng.

Mùa thu này tôi trở lại thăm má. Đã ở tuổi ngoài 90 mà má vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và đặc biệt minh mẫn. Vẫn là nét cười rạng rỡ nhưng hiền hậu trên gương mặt mà thời gian, cuộc sống cam go cả vật chất lẫn tinh thần trước đây không thể xóa đi nét đẹp lộng lẫy của thời thanh xuân.

Cô con gái thứ hai Kim Hà - Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang - nói rằng nhà chị có 16 đảng viên gồm ba và các con cháu dâu rể, tất cả đều tôn vinh má là bí thư của chi bộ gia đình tuy má không phải là đảng viên.

Thật không gì đúng hơn điều khẳng định này khi ta biết về cuộc đời má. Lại nữa, sự tồn tại của gia đình ấy, sự thành đạt trong cuộc đời của mỗi người con cháu kể cả sự nghiệp của người cha anh hùng đã được ghi thành sách sẽ ra sao nếu không có má?

Lê Khắc Hân

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/6githang__-mot-huyen-thoai-me-482949/