Một hộ dân hơn 20 năm đòi lại đất cho mượn đất để xây chốt dân phòng

Năm 1996, do còn một khoảng đất trống, gia đình bà Đinh Thị Anh đã đồng ý cho chính quyền địa phương huyện Nhà Bè (nay thuộc phường Tân Phú, Quận 7, TP HCM) mượn để xây dựng chốt dân phòng… Nhưng hơn 20 năm trôi qua, người dân vẫn nhẫn nại đòi lại quyền lợi.

Theo đơn thư phản ánh của bà Đinh Thị Anh (SN 1934, ngụ số 37, đường số 1, Khu phố 2, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM), trước năm 1996 gia đình bà sinh sống trên thửa đất từ mấy đời ông cha để lại từ ông cố nội chồng bà là ông Trần Văn Đạo, bà cố nội Nguyễn Thị Dậu, truyền lại cho cha chồng là ông Trần Văn Thuộc rồi chuyển tới anh trai chồng là Trần Văn Hóa… tại huyện Nhà Bè cũ (nay thuộc phường Tân Phú, quận 7, TP HCM), trong đó có căn nhà số 37 Đường số 1, K.P 2, là nhà bà Anh sinh sống hiện tại.

Đơn xác nhận của người làm chứng.

Đơn xác nhận của người làm chứng.

Đến năm 1996, sau khi ông Trần Văn Cần đi kháng chiến trở về. Vì nhà quá chật chội, ông Trần Văn Hóa (anh trai) đã giao lại một phần đất của cha ông để lại cho ông Trần Văn Cần sử dụng với diện tích 4x15m2 để xây dựng nhà cửa và ông Cần đã cất dựng căn nhà tạm diện tích khoảng 25m2 và chừa lại phần đất trống để các con cái đậu xe (2 chiếc xe lam).

Cuối năm 1996, một cán bộ ban ấp thời đó - tên Tiên, thấy phần đất còn trống nên hỏi mượn của gia đình bà Anh để làm chốt dân phòng ban ấp. Thời điểm này, gia đình chưa có nhu cầu sử dụng phần đất trên nên đã đồng ý cho ban ấp mượn xây dựng chốt dân phòng (trên thực tế gia đình bà Anh đã cho mượn cả phần đất trống lẫn căn lều tạm trên thửa đất nối liền với nhà mình, diện tích ban đầu là 4x15m2 nhưng đến nay sau khi mở đường chỉ còn lại 4x11m2 mà thôi). Đến năm 1997, ông Tiên (người mượn đất của gia đình bà Anh) bị bệnh và qua đời.

Sau thời gian đó Quận 7 được thành lập từ một phần của huyện Nhà Bè và khu đất của tôi thuộc phường Tân Phú, Quận 7, TP.HCM và cũng trong thời gian này thì anh Phong là cảnh sát khu vực khu phố của tôi thấy đất còn trống nên đã gặp tôi mượn đất để tiếp tục làm văn phòng bảo vệ khu phố.

Tuy nhiên, thay vì xây văn phòng bảo vệ khu phố như đã cam kết, cán bộ tên Phong lại ngang nhiên xây dựng một căn nhà trên phần của gia đình bà Anh để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Nhận thấy việc làm của anh Phong là không hợp lý, gia đình bà Anh đã làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng, mãi đến năm 2001 (tức 4 năm sau) căn nhà của cán bộ tên Phong mới được chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ.

Giấy xin nhượng quyền SDĐ

Những tưởng sự việc đã quá rõ ràng, sau khi chính quyền địa phương yêu cầu cán bộ Phong tháo dỡ căn nhà khỏi phần đất trên thì sẽ giao lại cho gia đình bà Anh quản lý, sử dụng.

Trớ trêu thay, lúc gia đình bà Anh tiến hành xây căn nhà, hàng rào tạm trên phần đất mà bao năm nay cho chính quyền địa phương mượn, thì UBND phường Tân Phú (Q.7) lại cho người đến cưỡng chế và yêu cầu tháo dỡ công trình khỏi phần đất trên. Đồng thời cho rằng mảnh đất trên thuộc quyền quản lý của Phường.

“Đây là phần đất của gia đình tôi sinh sống mấy đời, nhưng không hiểu vì sao khi chúng tôi xây nhà cho các con thì chính quyền lại cử hàng chục cán bộ, công an xuống thực hiện cưỡng chế. Để giữ quyền lợi cho mình, tôi đã ra ngăn cản việc cưỡng chế nhưng không ngờ lại vị nhiều cán bộ hành hung, gây cả thương tích lên cơ thể” bà Anh bức xúc.

Trước sự việc trên, gia đình bà Anh đã liên tục làm đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng từ địa phương tới UBND TP HCM, hàng chục lá đơn được gia đình gửi đi nhưng từ năm 1997 đến nay (trải qua hơn 20 năm) gia đình bà Anh vẫn chưa hề nhận được bất cứ văn bản phản hồi nào từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, đất của gia đình thì vẫn đang bị chính quyền phường Tân Phú sử dụng.

Theo bà Anh, ban đầu gia đình tôi thấy việc cho chính quyền mượn đất để xây dựng chốt dân phòng là một điều tốt, vừa giúp đảm bảo an ninh tại khu phố cũng là vừa thể hiện sự hợp tác của người dân với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ an ninh trật tự. Thế nhưng, không ngờ lòng tốt của gia đình lại bị một số cán bộ và sau này là cả chính quyền Phường Tân Phú lợi dụng và chiếm luôn cả phần đất hương khói gia đình để lại.

Thời điểm các cán bộ ban ấp đến mượn đất của gia đình để xây dựng trụ sở Công đều có sự chứng kiến của người dân khu phố. Nhưng khi gia đình phản ánh sự việc thì lại không một đơn vị, cơ quan nào tiếp nhận và xử lý.

“Chuyện các cán bộ ban ấp thời đó mượn đất của tôi làm chốt văn phòng cả khu phố ai cũng biết, chỉ riêng chính quyền lại không muốn biết? Tôi giờ đã già (85 tuổi) không còn đủ sức lực để đi đòi lại quyền lợi. Chỉ mong các cơ quan ban nghành thương tình nghĩ đến chồng tôi - ông Trần Văn Cần đã từng đi kháng chiến bảo vệ Tổ Quốc đến khi về chỉ có một mảnh đất được ông bà giao lại để sinh sống mà xem xét, có biện pháp giải quyết chính đáng cho gia đình”, bà Anh tâm sự.

Để làm rõ sự việc, PV đã nhiều lần liên hệ đến UBND phường Tân Phú và UBND quận 7, TP HCM, tuy nhiên đến nay các đơn vị trên vẫn chưa có phản hồi.

Nhật Nam - Minh Quân

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mot-ho-dan-hon-20-nam-doi-lai-dat-cho-muon-dat-de-xay-chot-dan-phong-158642.html