Một Hiệu trưởng ở huyện Chiêm Hóa bị 'tố' nhiều sai phạm

Phụ huynh học sinh và một số giáo viên cho rằng, vị lãnh đạo này đã sử dụng tài chính của trường không minh bạch, có dấu hiệu 'bỏ túi' cá nhân.

Bị “tố” hàng loạt sai phạm

Tòa soạn Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam) nhận được đơn thư phản ánh của phụ huynh và giáo viên trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Hùng Mỹ, thuộc xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, vị Hiệu trưởng đã không minh bạch trong thu chi và sử dụng tài chính.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Hùng Mỹ bị phụ huynh và giáo viên trong trường phản ánh nhiều sai phạm.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Hùng Mỹ bị phụ huynh và giáo viên trong trường phản ánh nhiều sai phạm.

Cụ thể, ông Nguyễn Hữu Đại, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Hùng Mỹ bị phụ huynh và giáo viên trong trường phản ánh là đã hợp đồng 2 cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh năm học 2017 -2018 và 2018-2019. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một người đến nấu là bà Nguyễn Thị Na (thôn Nặm Kép) và trả lương cho một mình bà này.

Về nội dung này, một số học sinh và giáo viên (xin được dấu tên) cũng xác nhận với phóng viên chỉ có một người lên trường nấu thường xuyên, còn việc nhà trường trả tiền đầy đủ cho cả 2 người này hay không thì chỉ lãnh đạo nhà trường và kế toán mới rõ.

Đơn thư cũng nêu, hàng năm nhà trường thu của mỗi phụ huynh học sinh số tiền 300 nghìn đồng để sửa chữa cơ sở vật chất và đóng bàn ghế. Song thu chi cuối năm học không được công khai cho phụ huynh được biết, nhiều cơ sở vật chất, thiết bị đã cũ nhưng chưa được mua sắm mới.

Ông Đại cho biết sau khi dạy xong ông đã đưa cho học sinh viết sổ đầu bài thay cho ông để rèn chữ (ảnh trái), nhưng nét chữ lại giống hệt chữ của cô giáo N.T.T (ảnh phải - Giáo viên dạy Tiếng Anh của trường). Theo quy định hiện hành cũng thể hiện rõ cột giáo viên bắt buộc phải ghi.

Ông Đại cũng bị cho là đã bán vườn Keo do học sinh trồng và chăm sóc, nhưng số tiền này học sinh không được hưởng mà được dùng để tổ chức cho giáo viên đi du lịch. Thêm vào đó, trên đất của nhà trường cũng được đơn vị Vinaphone thuê đất dựng cột phát sóng, nhà trường có nhận được tiền hợp đồng thuê đất nhưng học sinh không được hưởng.

Đặc biệt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Hùng Mỹ còn bị “tố” nhiều năm nay không lên lớp dạy học mà nhờ một cô giáo bộ môn dạy, nhận xét rồi mới đưa cho ông Đại ký. Sau đó hàng tháng ông Đại vẫn nhận phụ cấp đứng lớp, sai quy định hiện hành, tình trạng này được cho là đã diễn ra trong nhiều năm nhưng không bị xử lý. Về nội dung này, phóng viên đã liên hệ với một số giáo viên tại trường và được xác nhận là có, người dạy và viết nhận xét tại sổ đầu bài thay ông Đại là của một cô giáo tên N.T. T (giáo viên dạy Tiếng Anh).

Ngoài ra, phụ huynh học sinh cũng cho biết trong năm học 2017-2018 và 2018-2019 ông Đại đã phối hợp với bà Phạm Thị Bích Huệ - người trước đó phụ trách tiếp phẩm của trường (nay là Phó Hiệu trưởng) đã “ăn bớt” khẩu phần của 5 học sinh cấp 1 được gửi ăn ở ký túc cấp 2, bằng cách cho những học sinh này ăn ké vào suất ăn của những học sinh cấp 2, còn số tiền suất ăn của học sinh cấp 1 thì giữ lại.

Chứng từ có đúng quy định (?)

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện Chiêm Hóa. Sau đó, huyện này đã có công văn trao đổi với phòng chuyên môn. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chiêm Hóa đã có báo cáo số: 103/BC-PGDĐT với nội dung “báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của báo chí”, tất cả đều thể hiện những nội dung mà phụ huynh và giáo viên phản ánh là không đúng thực tế.

Được biết, những nội dung này trước đó cũng đã được Ủy ban kiểm tra huyện ủy Chiêm Hóa vào cuộc xác minh và đều cho kết luận là không đúng sự thật. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu phóng viên lại ghi nhận thấy một số nội dung mà phụ huynh và giáo viên tại trường nêu là có cơ sở.

Để thông tin khách quan đến bạn đọc, phóng viên đã liên hệ và có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Đại - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú THCS Hùng Mỹ.

Về nội dung thứ nhất, ông Đại một mực khẳng định năm học 2017 -2018 và 2018-2019 nhà trường có hợp đồng 2 người nấu ăn cho học sinh và đã thanh toán đầy đủ theo hợp đồng cho 2 cấp dưỡng này.

Chứng từ giao nhận thực phẩm mà nhà trường cung cấp cho phóng viên được viết tay (ảnh phải), sai so với quy định phải có biên bản giao nhận thực phẩm, được nhiều người ký chứng kiến (ảnh trái).

Về việc thu tiền của phụ huynh, ở nội dung này ông Đại cho biết đây là tiền vận động tài trợ, viện trợ, đóng góp tu sửa cơ sở vật chất nhưng thu đều của tất cả phụ huynh học sinh. Hàng năm nhà trường vẫn thông báo thu chi cho hội phụ huynh học sinh công khai biết, còn đơn thư ý kiến có thể là của những phụ huynh không đi họp nên không biết.

“Về số tiền mà nhà trường bán vườn keo có được và cho doanh nghiệp thuê đất để làm cột phát sóng tôi có dùng để tổ chức cho giáo viên đi du lịch, mua một số giống cây để trồng trong trường. Cái này tôi không biết mình làm đúng hay sai nữa”, ông Đại cho hay.

Giải thích về việc ông Đại không lên lớp mà nhờ giáo viên khác dạy, nhận xét rồi đưa ông Đại ký tên, sau đó nhận phụ cấp hàng tháng ông Đại cho biết, không có chuyện đó.

Tuy nhiên, khi được hỏi chữ viết nhận xét ở sổ đầu bài có phải của Hiệu trưởng. Ông Đại thừa nhận đúng là không phải, mà là chữ của học sinh, ông muốn rèn học sinh viết chữ nên dạy xong ông đưa sổ cho học sinh viết giúp.

Liên quan đến nội dung tố cáo lãnh đạo trường bòn rút khẩu phần ăn của 5 học sinh cấp 1 được gửi ăn ở ký túc cấp 2. Tại buổi làm việc, ông Đại gọi người tiếp nhận thực phẩm trước đó là bà Phạm Thị Bích Huệ đến phòng làm việc và cung cấp cho phóng viên một quyển vở ghi số liệu nguệch ngoạc chứ không phải biên bản giao nhận thực phẩm ăn bán trú, bảng kê mua hàng theo quy định hiện hành.

Để minh bạch thông tin nêu trên, tỉnh Tuyên Quang cần thành lập đoàn thanh tra để xác minh, làm rõ những nội dung được đề cập.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục cập nhật.

P. Họ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/mot-hieu-truong-o-huyen-chiem-hoa-bi-to-nhieu-sai-pham-d135372.html