Một hiệp ước đầy tính thách thức

Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hiệp quốc (LHQ) theo kế hoạch sẽ được thông qua tại thành phố Marrakesh của Morocco. Chile đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước này và không cử đại diện tham dự sự kiện thông qua hiệp ước.

Người nhập cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu

Người nhập cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu

Chile là quốc gia mới nhất theo sau một số nước đồng loạt tuyên bố rút khỏi hoặc không thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư, như Hungary, Áo, Cộng hòa Czech, Brazil, Ba Lan, Bulgaria và Australia... Trước thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao của LHQ về hiệp ước này, chỉ có hơn 150 nước đăng ký tham gia sự kiện nói trên, mặc dù đã được tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ, trừ Mỹ, nhất trí hồi tháng 7 vừa qua.

Hiệp ước toàn cầu về di cư đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư, bao gồm các nội dung như làm cách nào để bảo vệ người di cư, giúp người di cư hòa nhập tại môi trường sống mới hay đưa người di cư trở lại quê nhà. Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Hàng ngàn người di cư cũng đang chầu chực để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ.

Ngày 7-12, trong một tuyên bố dài 3 trang, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích, coi hiệp ước là “một nỗ lực của LHQ nhằm tăng kiểm soát toàn cầu và giảm quyền tự quyết của các nước đối với hệ thống nhập cư của chính mình”.

Trong khi đó, tại châu Âu, mặc dù lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng “dư chấn chính trị” do làn sóng này gây ra đang gây chia rẽ trên chính trường nhiều nước. Ngày 9-12, chính phủ của Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã rơi vào vị thế thiểu số sau khi một loạt các Bộ trưởng dân tộc chủ nghĩa thuộc đảng Liên minh Flemish mới (N-VA) từ chức vì bất đồng sâu sắc đối với hiệp ước trên.

Tại Đức, cùng ngày 9-12, tân Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) Annegret Kramp-Karrenbauer đã lên kế hoạch nhằm thay đổi các chính sách di cư của đảng trước các cuộc bầu cử ở châu Âu năm 2019 - một động thái được xem là dấu hiệu có thể “phá vỡ” cách tiếp cận tự do về chính sách di cư của Thủ tướng Đức. Chính sách di cư đang là một trong những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc nhất trong nội bộ đảng CDU.

Rất nhiều cử tri Đức đã chuyển hướng sang ủng hộ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối bài ngoại vì lo ngại trước sự hội nhập của người di cư. Tại Hà Lan, một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng 41% người được hỏi phản đối việc ký kết hiệp ước so với 34% ủng hộ.

Làn sóng những người phản đối gia tăng khiến châu Âu ngày càng lạnh nhạt trong tiếp nhận người di cư.

Theo Reuters, ít nhất 6 quốc gia EU đã bày tỏ ý định rút khỏi Hiệp ước toàn cầu về di cư, một dấu hiệu cho thấy khối này đang ngày càng siết chặt việc chấp nhận người tị nạn và người di cư. Trong đó, Áo thông báo sẽ không đưa ra cam kết, còn Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini ra tuyên bố phản đối. Mặc dù thỏa thuận này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song có thể được xem như “kim chỉ nam” đối với các quốc gia đang phải giải quyết vấn đề di cư. Tuy nhiên, như thừa nhận của đặc phái viên LHQ phụ trách vấn đề di cư quốc tế, bà Louise Arbour, sẽ có nhiều thách thức trong quá trình thực thi hiệp ước này.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/mot-hiep-uoc-day-tinh-thach-thuc-564651.html