Một Hải Vân hoàn chỉnh hôm nay

Đèo Hải Vân - con đèo khúc khuỷu đi qua núi Bạch Mã hùng vĩ, là một nhánh của dãy Trường Sơn đổ ra biển Đông, nối Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Dưới trùng điệp núi cao sừng sững ấy là 'đại công trình' hầm Hải Vân hoàn chỉnh đã đi vào hoạt động từ trước Tết Nguyên đán vừa qua. Tuyến hầm đường bộ dài nhất Đông-Nam Á, xuyên qua lòng Bạch Mã đã gắn kết hai địa phương, hai vùng khí hậu đặc thù nam - bắc. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng Hải Vân 2 đã nhanh chóng khẳng định vai trò to lớn trong việc mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.

Đèo Hải Vân - con đèo khúc khuỷu đi qua núi Bạch Mã hùng vĩ, là một nhánh của dãy Trường Sơn đổ ra biển Đông, nối Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Dưới trùng điệp núi cao sừng sững ấy là “đại công trình” hầm Hải Vân hoàn chỉnh đã đi vào hoạt động từ trước Tết Nguyên đán vừa qua. Tuyến hầm đường bộ dài nhất Đông-Nam Á, xuyên qua lòng Bạch Mã đã gắn kết hai địa phương, hai vùng khí hậu đặc thù nam - bắc. Chỉ một thời gian ngắn, nhưng Hải Vân 2 đã nhanh chóng khẳng định vai trò to lớn trong việc mở rộng thông thương, thúc đẩy phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội.

Cách trở không còn

Cung đường đèo Hải Vân dài 20 km quanh co men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang mây trời, ẩn hiện giữa núi rừng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Một thời gian dài, “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” này đã gây ra biết bao tai nạn giao thông đáng tiếc. Tôi còn nhớ, trong dịp tri ân Ngày Thương binh, liệt sĩ năm 2020, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Tấn Đông, dẫn chúng tôi thăm các gia đình chính sách tại khu vực thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Trong số họ, rất nhiều gia đình thuộc diện di dời khi giải phóng mặt bằng phục vụ việc thi công hạng mục dự án hầm Hải Vân 2.

Căn nhà ông Nguyễn Văn Cận, một cán bộ lão thành cách mạng nằm cách không xa chân núi Hải Vân. Gần 90 tuổi đời sống bên chân đèo, ở tuổi xế chiều ông lại được chứng kiến sự đổi thay không ngờ. Dành cả tuổi thanh xuân vào cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khi chiến trường lắng mùi khói súng, ông Cận trở về quê hương tiếp tục lao động sản xuất.

Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và ông vừa được nhận Huy hiệu 55 tuổi Đảng, nhưng đối với vị lão thành cách mạng này, phấn khởi nhất là năm 2005, lần đầu tiên ông được đi xuyên núi khi hầm đường bộ Hải Vân vận hành sau nhiều năm thi công xây dựng. “Điều kỳ diệu này chỉ người dân Lăng Cô có người thân bên Đà Nẵng mới cảm nhận được giá trị, bởi trước đây phải trèo đèo vượt dốc thăm nhau trần ai khổ cực”, ông Cận nói.

“Lúc Nhà nước ta chuẩn bị đào hầm xuyên núi Hải Vân, tôi nghĩ không biết đến khi mô (nào) xong, cứ mong được sống đến thời điểm đó để chứng kiến công trình. Người dân Lăng Cô sẽ được hưởng lợi công trình này đầu tiên”, ông Nguyễn Văn Cận tâm đắc.

Cách đó không xa là chỗ ở của mẹ Ngô Thị Lợ. Mẹ Lợ cũng ngót nghét 90 tuổi, là chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt tù đày, năm nay mẹ cũng đã gần tròn 60 năm tuổi Đảng. Gia đình mẹ có nhà nằm trong diện giải phóng mặt bằng công trình hầm Hải Vân 2. Sau khi tiên phong thực hiện bàn giao mặt bằng và di dời đến nơi ở mới, giờ đây gia đình mẹ Lợ đã có cuộc sống yên ấm trong căn nhà mới khang trang tại nơi tái định cư cách nơi ở cũ không xa. Mẹ Lợ xúc động, bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn Tập đoàn Đèo Cả, chính quyền địa phương thị trấn Lăng Cô đã đến tận nhà thăm hỏi.

Ông Nguyễn Tấn Đông cho biết, các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng, khi chính quyền địa phương đặt vấn đề di dời chỗ ở, họ đã đồng ý đến nơi ở mới không một chút đắn đo, với mục đích quê nhà có thêm một công trình để đời mang tầm vóc thế kỷ, hiện đại phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng mà cho các tỉnh khu vực miền Trung cũng như cả nước.

Công trình tầm vóc thế kỷ

Ngày 11-1-2021, tại khu vực cửa hầm phía nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chính quyền hai địa phương Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng khánh thành, đưa vào khai thác hầm Hải Vân 2.

Hầm Hải Vân 2 dài 6,2 km là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông-Nam Á do Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư sau khi thực hiện một loạt công trình hầm qua đèo Cổ Mã, Đèo Cả, đèo Cù Mông. Đây là một công trình kỷ lục, khẳng định năng lực của Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực hiện một dự án mang tầm cỡ quốc tế.

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng: “Khi đề xuất dự án này, Đèo Cả ý thức được tầm quan trọng to lớn và những khó khăn thách thức gay gắt phải đối mặt. Đó là những khó khăn về kỹ thuật - công nghệ, về cơ chế chính sách và nguồn vốn. Chúng tôi xác định đây là sứ mệnh lịch sử, trọng trách mang tính thách thức chưa từng thấy đối với Tập đoàn. Tư tưởng xuyên suốt và chi phối toàn bộ quá trình thực hiện dự án của Chủ tịch Tập đoàn là tham gia dự án không chỉ vì lợi nhuận, doanh thu, mà còn vì sự đóng góp cho sự phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước, khẳng định năng lực, tầm vóc của doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua tranh quốc tế”.

Cùng chuỗi các hầm do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện, hầm Hải Vân sau khi đi vào vận hành đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội. Đây là công trình minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh người Việt ngang tầm thế giới trong cuộc đua tranh phát triển ngày càng quyết liệt.

15 năm vận hành, khai thác (từ tháng 6-2005 đến nay), đã có hơn 20 triệu lượt xe qua hầm. Mỗi lần có sự cố như ô-tô chết máy hoặc va chạm trong hầm là một lần đội quân quản lý vận hành lại phải đóng hầm giải quyết sự cố. Quản lý vận hành đã ứng trực giải quyết tai nạn rất tốt, có những cuộc giải cứu chỉ tính bằng phút. Khi hầm Hải Vân 2 đi vào khai thác, đây được xem như cuộc “giải cứu” từ trong lòng núi.

PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Mới chỉ một thời gian ngắn đưa vào vận hành nhưng hầm Hải Vân 2 đã khẳng định sự ưu việt của việc lưu thông hai ống hầm. Nó đã khắc phục tối đa các hạn chế về tổ chức giao thông và quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 như: Quẩn khí, tốn kém trong vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (3 trạm lọc bụi tĩnh điện), hệ thống hút khí bẩn, cấp khí tươi và nguy cơ mất an toàn giao thông do lưu thông hai làn xe ngược chiều trong một ống hầm”.

Bộ GTVT cũng đã đánh giá việc triển khai giai đoạn 2 của dự án sẽ góp phần bảo đảm năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện từ 10-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô bốn làn xe trên toàn tuyến quốc lộ 1.

NGỌC TRANG - MẠNH CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thong-tin-doanh-nghiep/mot-hai-van-hoan-chinh-hom-nay-642652/