Một 'Hà Nội mới' vẫn hoài niệm ký ức bom đạn

Cách đây 47 năm, 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân Thủ đô Hà Nội và trên cả nước đã làm nên chiến thắng 'Điện Biên Phủ trên không', đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Đế quốc Mỹ vào Hà Nội, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Hồ B52 ở làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. (Nguồn: Tuoitrethudo)

Hồ B52 ở làng Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. (Nguồn: Tuoitrethudo)

Đó là một bước tiền đề cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi Đế quốc Mỹ thắng lợi hoàn toàn. 47 năm sau khi chiến tranh, những chứng tích, dấu ấn của cuộc chiến ấy vẫn được lưu giữ một cách sống động trong lòng Thủ đô tràn đầy hoài niệm thương nhớ, tự hào.

Làng hoa lưu giữ xác máy bay

“Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi /Xin thơm khắp Miền Nam, Miền Bắc” là hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết về sự kiện máy bay B52 rơi ở hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Đống Đa, Hà Nội). Chiến dịch rải thảm bom bằng máy bay B52 của không lực Hoa Kỳ vào cuối tháng 12/1972 đã khiến một nơi thanh bình như làng hoa Ngọc Hà cũng trở thành mục tiêu bắn phá.

Năm ấy, một phần xác máy bay B52 bị bộ đội phòng không không quân Việt Nam bắn hạ đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp thuộc làng hoa Ngọc Hà. Nơi đây được biết đến là nơi lưu giữ chứng tích lịch sử của trận đánh Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, cũng là điểm duy nhất mà máy bay B52 rơi trong nội thành Hà Nội. Người dân còn gọi đây là hồ B52.

Hồ B52 luôn là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Sau 47 năm kể từ khi chiếc máy bay B52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, người dân nơi đây vẫn in đậm ký ức về trận chiến 12 ngày đêm hào hùng, anh dũng của quân và dân Hà Nội.

Hồ Hữu Tiệp là niềm tự hào của người dân Ngọc Hà. Buổi sáng , có thể thấy lớp lớp trẻ em, học sinh đi qua con đường cạnh chiếc hồ nhỏ để đến trường, các cô bác trung niên, các cụ già đi bộ, tập dưỡng sinh. Một ngày như vậy là một lần ký ức đạn bom bi thương nhưng huy hoàng của ngôi làng được gợi nhắc.

Như chia sẻ của một người dân làng: “Máy bay bị bắn trúng rực lửa lên như bó đuốc và khi máy bay rơi xuống lòng hồ thì nước hồ trào ra nóng bỏng làm cá chết hàng loạt. Lúc đó, một số bà con ở lại làng để sản xuất thấy máy bay rơi liền đều ra khỏi hầm để xem, khi đó mọi thứ rất im ắng chứ không như trước đó máy bay quần thảo ầm rĩ trên bầu trời, nên bà con mừng lắm, đều chạy ra hoan hô máy bay rơi rồi. Chưa bao giờ người dân Ngọc Hà lại vui như vậy, cả đêm thức trắng”.

Cùng với Đài tưởng niệm nạn nhân của bom Mỹ ở Khâm Thiên, xác pháo đài bay B52 ở Ngọc Hà (Hà Nội) không chỉ góp phần làm cho thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà còn giúp thế hệ sau thấm thía rằng chiến thắng hào hùng đã phải trả bằng máu và nước mắt của những người đi trước, để càng cố gắng hơn trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp.

Nơi lưu giữ hoài niệm chiến thắng B52

Cuộc chiến nào qua đi cũng để lại những đau thương, mất mát. Thế hệ đời nay và mai sau vẫn ghi nhớ tới hình ảnh những người anh hùng đã bỏ thân vì đất nước như người lính Hà Nội, người anh hùng Vũ Xuân Thiều đã hi sinh cùng chiếc máy bay của mình để thiêu cháy máy bay B52 của địch. Anh ra đi khi mới 27 tuổi, chính là tấm gương tiêu biểu cho thanh niên Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ký ức đau thương bởi bom đạn chiến tranh. (Nguồn: Internet)

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và sự kiên trì bền bỉ, cùng trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam nói chung và quân dân Thủ đô nói riêng đã làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, toàn miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Riêng Thủ đô Hà Nội bắn rơi 30 máy bay các loại, trong đó có 23 máy bay B52. Và ngày nay, tại Bảo tàng Chiến thắng B52 vẫn còn lưu giữ xác máy bay B52 cũng như nhiều hiện vật mà cuộc chiến của Mỹ gây ra.

Bảo tàng Chiến thắng B52 được khánh thành ngày 22/12/1997, với hai khu trưng bày, gồm khu trưng bày trong nhà khái quát về truyền thống của lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ. Đặc biệt, Bảo tàng chứa nhiều nhiều hiện vật, tài liệu, các tác phẩm nghệ thuật, sa bàn tổng hợp diễn biến chiến đấu trong 12 ngày đêm kháng chiến chống Mỹ lịch sử.

Khu trưng bày ngoài trời gồm có các loại vũ khí, khí tài của quân, dân Thủ đô Hà Nội trong chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; xác các máy bay B52 bị quân và dân Thủ đô bắn rơi trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Chính cái tên Bảo tàng chiến thắng B52 đã nói lên một phần kỳ tích của quân và dân Thủ đô trong cuộc chiến chống không kích của quân đội Mỹ.

Ngày nay, khi chiến tranh đã qua đi, quá khứ khép lại, bên cạnh những chứng tích của 47 năm trước, vẫn có bao người lính từ cuộc chiến, từ những tầng lớp nhân dân, các em học trò nhỏ và cả những du khách nước ngoài đến thăm và ôn lại chiến tích xưa tại Bảo tàng Chiến thắng B52. Chính tên của bảo tàng đã thể hiện niềm tự hào của người dân Thủ đô với sự kiện lịch sử đau thương nhưng đầy vẻ vang ấy.

Sau chiến thắng B52, rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Miền Nam và Mùa Xuân đại thắng năm 1975, Việt Nam thống nhất đất nước đã khiến bạn bè trên toàn thế giới phải hướng nhìn dân tộc ta với sự cảm phục.

Diện mạo Hà Nội đã trải qua nhiều đổi mới, nhưng trong lòng Thủ đô vẫn lưu giữ những kỷ niệm, những ký ức hào hùng như một lời gợi nhắc về một quá khứ bom đạn đã làm nên Hà Nội của ngày nay.

Đài Phát sóng Mễ Trì

Nhưng người trẻ thời hiện đại có lẽ cũng ít biết, trong chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, Đài Phát sóng Mễ Trì là một mục tiêu đầu tiên bị bắn phá dữ dội. Nghe kể lại, trước đó, Trung ương đã cho biết Mỹ sẽ ném bom khu vực Hà Nội, chúng sẽ đánh Đài phát sóng với âm mưu nhằm phá làn sóng của ta, nên gần 60 cán bộ công nhân viên của Đài lúc bấy giờ đã chuẩn bị tinh thần sơ tán để đảm bảo an toàn về người, thiết bị, đặc biệt là những kho đèn điện tử rất quý lúc bấy giờ, được nhập từ nước ngoài.

Dân và quân xã Mễ Trì lúc đó cũng biết rằng, khi Mỹ đánh bom Hà Nội, Đài phát thanh Mễ Trì là mục tiêu bắn phá đầu tiên. Và nhiệm vụ của họ là phải bảo vệ an toàn đài phát sóng.

Hình ảnh Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì thời chiến tranh. (Nguồn: Internet)

Khoảng 20h ngày 18/12/1972, theo kế hoạch Mỹ rải thảm B52 vào khu vực Đài phát thanh Mễ Trì. Tuy nhiên hướng ném bom bị lệch, phần lớn loạt bom rơi xuống làng Mễ Trì khiến người dân trong làng thương vong rất nhiều, trong khi đó cán bộ công nhân viên của Đài sơ tán trong đó lại được an toàn.

4h30 phút rạng sáng 19/12/1972, Mỹ lại cho máy bay đến tập kích ném bom. Trước tình thế cấp bách này, lực lượng công an gác bảo vệ Đài được lệnh rút đi, giành chỗ cho tự vệ chiến đấu. Loạt bom thứ 2, Mỹ ném trúng khu vực nhà cấp bốn làm khu vực này bị sập, nhưng may là không có thiệt hại về người.

Lực lượng tự vệ nhanh chóng chạy xuống các hầm cá nhân gần đó trú ẩn để tránh bom. Trong trận chiến hôm đó, 6 dân quân nơi này đã ngã xuống để đảm bảo cho dòng tin tức được truyền tải liên tục đi cả nước. Khi tiếng súng, tiếng bom tạm ngừng, công nhân viên của Đài Phát thanh Mễ Trì lại tiếp tục công việc bất chấp những mất mát, đau thương hay những thiếu thốn về điều kiện làm việc.

Trận địa pháo khốc liệt bao quanh ngày ấy giờ đây đã được gắn biển di tích cách mạng. Đây cũng là nơi để vào dịp 27/7 hàng năm, những nén hương lại được thắp lên để tưởng nhớ về những người đã hy sinh ở nơi này. Năm nào cũng vậy, nhiều hoạt động tri ân đã được người dân xã Mễ Trì tổ chức để ôn lại truyền thống và cùng nhắc nhau phải sống làm sao cho xứng đáng với những người đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.

Từ trong lòng Hà Nội xưa, một Hà Nội mới ra đời, vẫn tràn đầy kỷ niệm, thương nhớ và tự hào của mọi người dân Việt Nam, đã trải qua những năm tháng đau thương, gian khổ, oai hùng của Dân tộc. Hy vọng những di tích sẽ được bảo tồn, gìn giữ và phát huy để thế hệ mai sau luôn ghi nhớ về những mất mát hy sinh của cha anh cho bình yên hôm nay của đất nước.

Diệu Bảo

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/mot-ha-noi-moi-van-hoai-niem-ky-uc-bom-dan-473911.html