Một góc nhìn về thi cử phong kiến: Đại thần gây đại án

Mùa đông năm 1775, tức năm Cảnh Thịnh thứ 36, đời Lê Trung Hưng, tuy có vua Lê nhưng thực quyền ở tay chúa Trịnh Sâm.

Triều đình cả năm đau đầu vì không hiểu từ đâu nhảy ra Nguyễn Nhạc, trước chiếm thành Quy Nhơn, sau cướp xứ Quảng Nam, quan quân trấn thủ thua chạy tan tác, nếu không có Hoàng Ngũ Phúc đem quân đánh dẹp thì chẳng biết sự thể còn đi đến đâu. Hoàng Ngũ Phúc mất một viên tướng nha hiệu mới phá được trận của đám thuộc hạ Nguyễn Nhạc.

Vậy mà mùa đông này, khi loạn Nguyễn Nhạc tạm yên, triều đình lại đau đầu thêm lần nữa, không phải vì giặc cỏ mà vì đại thần được vua chúa tin tưởng nhất lại vướng vào án kì thi: đại thần Lê Quý Đôn.

Kì thi hội lần này, Lê Quý Kiệt (con trai Lê Quý Đôn) bị phát hiện đang tráo đổi bài thi với Đinh Thì Trung - vốn là bạn học với Lê Quý Kiệt trong Quốc Tử Giám. Nghe đâu (“nghe đâu” vì chỉ thấy trong dật sử và truyện ngoài dân gian) Đinh Thì Trung nổi tiếng hay chữ, tuy tuổi trẻ mà chẳng chịu kém những danh sĩ như Lê Quý Đôn, còn Quý Kiệt thì không bằng. Sau vụ đổi bài thi, cả hai bị bắt, Quý Kiệt bị giáng làm dân thường, Thì Trung bị đi đày, cùng một tội mà hóa ra luật phạt cũng phải xem... gia thế.

Đương thời có câu thơ giễu rằng: “Quý Kiệt hoàn dân, tăng Diên Hà chi dân số. Thì Trung phát phối, chấn Đông Hải chi văn phong” (Quý Kiệt về làm dân cũng chỉ để tăng dân số ở Diên Hà, còn Thì Trung bị đi đày thì văn phong Đông Hải chấn động). Đinh Thì Trung không chịu, bèn công bố bức thư riêng của Quý Kiệt gửi mình, tố rằng do Lê Quý Đôn chủ sự. Chúa Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, không xét tội, chỉ phạt thêm tội cho Quý Kiệt, đem bắt giam.

Trường thi thời phong kiến. Ảnh: L.G.

Trường thi thời phong kiến. Ảnh: L.G.

Tương truyền rằng, Đinh Thì Trung chết ngoài biển. Còn Quý Kiệt thì sao? Kiệt bỏ Lê Trịnh theo Nguyễn, đem sách của bố dâng lên Gia Long, được bổ nhiệm làm quan. Còn ông bố Lê Quý Đôn, vừa để lại những bộ sách quý, vừa để lại một nghi án trường thi và không tránh khỏi tiếng xấu vì tư tình mà làm hại đến người tài.

Tháng Tám âm lịch, năm 1841, đời vua Thiệu Trị, dư luận sĩ phu xôn xao vì chuyện ở trường thi Thừa Thiên. Nội trường vốn đã đánh trượt Trương Đăng Trinh (có đại thần Trương Đăng Quế là hàng chú bác) nhưng đến khi đề bảng tên ở ngoại trường, quan sơ khảo Cao Bá Quát lại ghi cho đỗ. Giám sát Hồ Trọng Huấn lập tức cáo giác lên trên, đòi làm nghiêm trường pháp.

Quan chủ khảo Bùi Quỹ, phó chủ khảo Trương Tiến Sĩ, quan chấm sơ khảo Cao Bá Quát, Phan Nhạ cùng phần khảo Nguyễn Văn Siêu, giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp đều bị gọi lên Đô Sát viện để hỏi. Lúc này mới vỡ, hóa ra không chỉ có chuyện của Trương Đăng Trinh. Bộ Lễ và viện Đô Sát điều tra ra Quát và Nhạ còn dùng muội đèn chữa 24 quyển bài thi, trong đó có 5 bài thi đã lấy đỗ.

Cứ theo luật định, Quát và Nhạ phải chịu án tử, toàn bộ quan chủ khảo và giám khảo đều bị luận tội, hoặc biết mà không cáo giác, hoặc giám sát không nghiêm, theo luật phải bãi chức hoặc giáng chức.

Nguyễn Văn Siêu xem lại bài thi bị đánh trượt của Trương Đăng Trinh, cho rằng có thể chấm đỗ được nên nhắn quan ngoại trường cho vào bảng tên những người đỗ kì hai; trong kì thi lại gọi Cao Bá Quát về nhà uống rượu, tuy không phải tội nhưng cũng là làm loạn phép tắc kì thi, Bộ Lễ xét tội phải phạt trượng và tội đồ (bỏ tù).

Án trình lên vua. Vua biết Cao Bá Quát chữa văn không phải do người khác gửi gắm, xem lại thì thấy nhiều chỗ là Quát tự phê vào là lấy đỗ hay bỏ đi, tự vua cho rằng nhiều chỗ chữa lại cũng chưa chắc đã bằng bài gốc, tội này tuy có ngông cuồng nhưng vẫn có thể tha chết được, đổi làm “giảo giam hậu” (giam chờ ngày treo cổ - nhưng thực ra sau này được thả).

Nguyễn Văn Siêu cũng được tha không phải ngồi tù, chỉ cách chức, cho ở lại bộ để làm việc lấy công chuộc tội. Quan chủ khảo Bùi Quỹ và Trương Tiến Sĩ không giám sát nghiêm khắc, đều bị cách hết chức vụ nhưng vẫn giữ lại làm việc. Quan giám khảo Phan Văn Nhã, Trương Hảo Hợp bị giáng cấp.

Vua lại xét thấy 5 người được chấm đỗ tuy bài thi có vết chỉnh sửa bằng muội đèn nhưng văn chương khá, không nỡ xóa tên nhưng bắt cho thi lại. Bài thi trình lên, vua thấy khá, lại lấy đỗ cử nhân. Trương Đăng Trinh có kém hơn nhưng chưa đến mức trượt. Chỉ có Phan Văn Trị thì bài phú bị trùng vần nên đánh hỏng. Thự Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn không bằng lòng, đến trước mặt vua xin đánh hỏng để nghiêm phép nước nhưng vua vẫn cho đặc cách lấy đỗ để không bỏ lỡ người tài.

Lễ xướng danh trường thi.

Đời xưa tổ chức trường thi có luật lệ nghiêm ngặt mà triều đình vẫn liên tục phải bổ sung các biện pháp phòng chống gian lận.

Đời Minh Mạng ban đầu chỉ chia khu vực để ngồi làm bài, đến năm 1828 thì mỗi thí sinh đều có thẻ tên, không chia khu vực theo từng địa phương nữa. Sau này có tình trạng cố tình ngồi lẫn lộn không đúng chỗ để gian lận nên triều đình nhà Nguyễn lại ban hành thêm các quy định khác.

Đến đời Tự Đức, thí sinh có thẻ tên, khu vực thi cũng được chăng dây ngăn cách và buộc thêm biển tên trên dây thừng, nếu phát hiện thí sinh nào cắt thẻ tên thì lập tức bắt ra ngoài trường thi, đợi tra xét kĩ thì phạt đánh 100 trượng mới thả; ai cáo giác thì được thưởng 3 lạng bạc.

Đến đời Kiến Phúc (từ 1884) thì cho các thí sinh ngồi trong lều riêng, cách nhau hơn chục trượng, ai sang lều khác trao đổi thì lập tức bị xóa tên.

Ấy vậy mà những đại án trường thi lại bắt nguồn từ các đại thần, hoặc can thiệp vào chuyện thi cử, hoặc can thiệp vào chuyện chấm bài. Ta cũng thấy rõ cách xử lí khác nhau giữa chúa Trịnh Sâm và vua Thiệu Trị.

Nguyễn Văn Siêu xét kĩ ra thì không can thiệp vào kết quả thi, chỉ vì làm trái phép tắc mà bị cách chức; Lê Quý Đôn có can thiệp hay không lại chẳng hề được xét chỉ vì chúa nể mặt đại thần. Các sĩ tử bị sửa bài vốn phải đánh trượt để nghiêm phép nước thì vua Thiệu Trị nể tài mà cho thi lại, sau thấy có thực tài mà vẫn lấy đỗ; còn Đinh Thì Trung vốn là kẻ tài năng hơn người mà vẫn không được giảm tội, để đến nỗi sau này chết trên biển.

Cứ cho rằng Đinh Thì Trung tội nặng, 5 sĩ tử đời Nguyễn tội nhẹ (vì không tự mình đi xin quan sơ khảo sửa bài) nhưng Lê Quý Kiệt đáng ra tội phải nặng hơn thì lại xử nhẹ hơn.

Kết quả là, họ Lê, họ Trịnh đến lúc mất nước, Lê Quý Kiệt dù có chịu ơn huệ cũng chẳng hề thấy “tuẫn quốc” hay từ quan, trái lại còn ung dung đem sách của cha dâng cho vua mới để xin được chức tước! Phan Huy Ích cùng thi năm ấy, được Lê Trịnh phong quan ban lộc xong thì chạy vào theo Tây Sơn! Đúng là việc thi cử và dùng người không nghiêm, hậu quả khó lường.

Còn Cao Bá Quát, bản tính kiệt ngạo, từ lâu đã không được lòng các quan lại trong triều, sau về làm quan địa phương, cuối cùng đi theo cuộc nổi dậy của Lê Duy Cự chống lại triều đình. Số phận thật kì lạ. Nếu năm xưa Thiệu Trị xử nghiêm đúng theo phép nước, Cao Bá Quát đã phải chịu tội chết, thì Tự Đức đã bớt đi một mối họa nhưng nước ta cũng mất đi một nhà thơ, nhà thư pháp lớn. Chuyện đúng hay sai của lịch sử quả thật khó nói!

Nhìn khoa cử thời xưa, lại ngẫm chuyện thời nay. Hóa ra đời nào cũng có những lúc giống nhau cả. Thời nay thí sinh đi thi không dễ gì gian lận được trong phòng thi vì việc tổ chức coi thi rất chặt chẽ. Thí sinh phải đến trước một ngày để nhận phòng thi, đối chiếu giấy tờ, mỗi lần vào phòng thi lại được giám thị (gồm một người của địa phương và một cán bộ đại học) kiểm tra thông tin thêm lần nữa. Bài thi được niêm phong và có lực lượng an ninh bảo đảm tuyệt đối.

Vậy mà tại sao bỗng nhiên lại phát hiện ra hàng loạt sai phạm và các nghi án nâng điểm? Vẫn là câu chuyện cũ, “đại án” bắt nguồn từ “đại thần”. Nếu không có các cán bộ, quan chức tác động vào khâu bảo quản bài và chấm thi thì làm gì có chuyện nâng điểm hàng loạt, thậm chí từ trượt biến thành thủ khoa như vừa rồi?

Bảng yết danh những người thi đỗ.

Quản lí kì thi, trước hết phải nghiêm minh với cán bộ, phát hiện sai phạm thì phải điều tra đến tận nơi, xử phạt đúng từng người. Câu chuyện những năm Cảnh Hưng và đời Thiệu Trị vẫn còn đó.

Ngày xưa một Cao Bá Quát sửa 24 quyển thi suýt bị chém đầu, ngày nay con số bài thi bị sửa của một tỉnh đâu chỉ có 24? Ngày xưa thí sinh vi phạm có kẻ bị đày biệt xứ, có kẻ bị giam tù, có kẻ bị đánh 100 trượng, ấy vậy mà vẫn không hết được chuyện gian lận. Liệu mức phạt ngày nay có đủ sức răn đe?

Ở mỗi thời, bản chất việc thi cử là khác nhau, luật pháp cũng khác nhau nhưng tất cả đều đồng ý rằng việc khoa cử hay thi đại học đều là việc lớn của quốc gia, đều cần đặc biệt coi trọng vì nó liên quan chặt chẽ đến chính sách tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Thiết nghĩ, lịch sử là tấm gương để đời nay soi chiếu và rút ra những bài học xương máu cho mình.

Theo Lê Huy Hoàng/Công an nhân dân

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/mot-goc-nhin-ve-thi-cu-phong-kien-dai-than-gay-dai-an/20190826120453475