Một góc nhìn về hương sắc Hà Nội trong tranh Lê Văn Xương

'Nhìn tranh, tôi cảm nhận Hà Nội của ông rất hiền hòa, gần gũi, đem tôi nhập hòa vào cuộc sống mà tôi không được trải nghiệm. Đó cũng là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân…', nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi chia sẻ cảm nhận của mình về tranh của Lê Văn Xương.

Gia đình tôi quê ở Hà Nội. Hai chữ Hà Nội luôn gợi lên trong tôi những niềm cảm xúc không diễn tả được. Đó là những tình cảm không tên, mông lung, xa vời vợi, vì tôi không sống ở Hà Nội bao giờ.

Thuở ấu thơ, mẹ tôi hay nhắc đến Hà Nội với nhiều cung bậc thăng trầm khác nhau, những câu chuyện kể ghi hằn trong tâm trí, vẽ lên những bức tranh trong tưởng tượng, mà mãi sau này tôi mới bắt gặp những hình ảnh ấy qua tranh Văn Xương.

Tranh sơn dầu ""Phố cổ Hà Nội" của Lê Văn Xương. (Nguồn: Lê Y Lan Collection)

Tranh sơn dầu ""Phố cổ Hà Nội" của Lê Văn Xương. (Nguồn: Lê Y Lan Collection)

Trong công việc nghiên cứu về hội họa Việt Nam, tôi có đôi lần đối diện với tranh Văn Xương, nhưng rất hiếm hoi. Vừa qua, được dịp Y Lan mời vào việc tổ chức triển lãm tranh cho Ba mình thuộc bộ sưu tập của cô, tôi vui mừng được ngắm tranh Văn Xương một cách vô tư và hào hứng.

Họa sỹ Lê Văn Xương thời trẻ. (Nguồn: Lê Y Lan Collection)

Theo gia đình ước tính, không kể tranh lưu niệm, Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và làm khoảng 100 bức tượng trong cả cuộc đời mình. 101 tác phẩm của họa sĩ Văn Xương (Lê Văn Xương, 1917 - 1988) được công bố lần đầu tại triển lãm Điều kỳ diệu, diễn ra từ 21-23/9 tại Park Hyatt Saigon (Số 2 Công trường Lam Sơn, Q.1, TP.HCM).

Nhìn tranh, tôi cảm nhận Hà Nội của ông rất hiền hòa, gần gũi, đem tôi nhập hòa vào cuộc sống mà tôi không được trải nghiệm. Đó là Hà Nội của Thạch Lam, của Nguyễn Tuân… Tôi như bắt gặp những nỗi niềm thân quen, từ chuyện cổ tích của Mẹ kể trong đêm trăng thuở ấu thơ bỗngdâng tràn ra. Phải chăng trong mạch máu tôi đã chứa đựng sẵn hương sắc Hà Nội, chỉ cần thoảng qua một niềm cảm xúc là mọi giây tơ đồng tâm cảm bỗng cùng nhau rung lên giai điệu xướng ca?

Văn Xương thành công nhất trong tranh bột màu. Từng mảng màu đơn giản nhưng có hiệu quả tốt, với kỹ thuật vững vàng. Tuy nhiên, trong danh sách sinh viên Trường Mỹ Thuật Đông Dương, tôi không thấy tên ông!

Khó có ai nghĩ rằng ông không học Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Tôi thường nghĩ đến điều này, cho rằng đó là một phi lý. Đời người có bao ước vọng, những bức tranh kia chứa đựng bao niềm đam mê về hội họa, đâu phải chỉ là một thoáng mây bay ? Vậy mà thời ấy, con đường duy nhất đạt đến hạnh phúc hội họa là Trường Mỹ Thuật Đông Dương thì ông không trải qua! Có hay không ông chọn cho mình một hướng đi riêng biệt, như mặc định với thượng đế và định mệnh rằng nghệ thuật ông chọn là họa sĩ, dù có qua Trường Mỹ Thuật Đông Dương hay không!

Văn Xương nhận thức ra điều ấy quả là một cơ duyên.

Để lý giải việc ông không học Trường Mỹ Thuật Đông Dương, tôi tìm đến con người và tính cách của Văn Xương. Ngoài niềm đam mê hội họa, tâm tình Văn Xương là một lãng mạn tràn đầy… Ông chơi được nhiều nhạc cụ như violin, piano, accordéon, mandolin và guitar Hawaii… Hơn nữa, ông còn là một hiện tượng về thể thao, có giải thưởng và thành tích tốt trong nhiều môn như bơi lội, việt dã, quần vợt, bóng bàn, đấm bốc, đua xe đạp... Phải chăng, với tính tình lãng tử, phóng khoáng, năng động…, Văn Xương không chịu được những gò bó khắt khe của ngôi trường Mỹ thuật danh giá nhất Đông Dương thuở ấy?

Trong tranh ông, từng góc phố, nẻo đường và những mái nhà như còn vương đọng nhịp thở của ngày xưa. Nhiều khi, bóng sáng huy hoàng tràn khỏi khung, lan đầy ánh mắt… Từ lâu lắm rồi, có đúng hay không, với nỗi niềm riêng tư thầm kín tôi nhận ra rằng những con đường Hà Nội trong tranh của Văn Xương chính là những mạch máu chảy về tim?

"Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói

Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ

Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa

Anh nắn nót một Trường Thi lãng mạn…"

(H.A.T.)

Văn Xương xuất thân trong một gia đình khá giả chuyên làm đồ gỗ ởNam Định.Mười hai tuổi ông lên Hà Nội học, năng khiếu mỹ thuật bộc lộ, ông học hội họa từ rất sớm, do gia đình rước thầy về nhà dạy. Tuy không thi vào trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nhưng ông vẫn giao du mật thiết với các họa sĩ như Vũ Văn Thu, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Thọ, Mạnh Quỳnh, Hoàng Lập Ngôn..., cùng nhau trao đổi kiến thức hội họa cũng như tổ chức các buổi thưởng ngoạn vẽ tranh.

Tác phẩm bột màu Ngõ Nhà chung, năm 1953 của tác giả Lê Văn Xương. (Nguồn: Lê Y Lan Collection)

Năm 1937, Văn Xương kết bạn với Nhan Chí, từ Nam ra Bắc học Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương (khóa VII – 1937/1942). Tâm đầu ý hợp, Văn Xương nhận bạn làm thầy, ngoài ra, còn mời vài người thầy của Trường Mỹ thuật về nhà giảng dạy thêm.

Trong thâm tâm, tôi tin rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, bằng một cơ duyên, định mệnh sẽ đưa đẩy chúng tôi tìm đến những tài liệu minh chứng ai là những người thầy của trường Mỹ Thuật đã hướng dẫn thêm cho Lê Văn Xương, thông qua ngôn ngữ tạo hình, tìm cho mình một hình thức sáng tác hoàn toàn riêng biệt.

Trước năm 1954, tại Việt Nam nói chung, tính luôn người Pháp, số họa sĩ làm được triển lãm cá nhân là rất ít. Vậy mà Văn Xương, không học Trường Mỹ thuật Đông Dương, lại tổ chức được những buổi triển lãm cá nhân thành công rực rỡ. Có mấy ai làm được như ông?!

Năm 1941 đánh dấu cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của Văn Xương tại thành phố Sài Gòn. Ngay triển lãm này, ông đã bán được các tác phẩm.

Năm 1949, ông mở phòng tranh riêng tại phố Hàng Bông, Hà Nội, thu hút sự quan tâm của nhiều giới. Tại phòng tranh của mình, ông thường xuyên giới thiệu các sáng tác mới, gặp gỡ bạn bè trong giới mỹ thuật và giới sưu tầm.

Năm 1951, ông lại có triển lãm cá nhân tại thành phố Đà Lạt.

Họa sỹ Lê Văn Xương (trái) tại một triển lãm cá nhân tại Đà Lạt năm 1951. (Nguồn: Lê Y Lan Collection)

Đáng chú ý nhất, năm 1953, lúc 16 giờ ngày 28/4, Văn Xương mở triển lãm "Hà Nội 36 phố phường" tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là một triển lãm cá nhân hiếm hoi thời bấy giờ, thu hút được giới chính khách, quan chức, thương nhân và giới yêu thích nghệ thuật. Đã có nhiều tin bài trên báo chí ca ngợi tài năng và những tác phẩm tuyệt đẹp của ông. Trong triển lãm này, Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí mua bốn bức, ông Thị trưởng Hà Nội Đỗ Quang Giai mua một bức, ông Giám đốc Sở Xã hội Đào Sĩ Chu mua hai bức. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 10/5/1953.

Ảnh hưởng Inguimberty trong tranh Văn Xương thấp thoáng nhưng vẫn hiện hữu. Đôi khi ảnh hưởng này bừng lên mạnh mẽ (Chiều yên ả, Ngày quang đãng...). Thỉnh thoảng chúng ta thấy phảng phất nét dịu dàng của Lương Xuân Nhị (Tỏa nhị kiều...)

Tác phẩm bột màu Chùa Quán sứ, năm 1953 của tác giả Lê Văn Xương. (Nguồn: Lê Y Lan Collection)

Hôm nay, những tháng ngày Sài Gòn của tháng Chín, một vài cơn bão nhỏ đi qua, ít trận mưa, chợt đến chợt đi, đôi khi thời tiết bỗng se lạnh, phải chăng đâu đây phảng phất không khí mùa thu Hà Nội mà tôi chưa từng biết? Hay nếu có biết chăng thì cũng chỉ được nhìn thấy qua tranh Văn Xương ?

Tranh ông có nhiều nắng, ươm vàng cả toan, ươm vàng bóng ai đổ xuống bên thềm, ươm vàng cả màu đất nâu hay thửa ruộng lấp lóa. Trời kia như nhón gót cao hơn lên, vun vút nắng thủy tinh…

Hỡi người họa sĩ đã để lại những bức tranh ngời sáng, tâm tình ông chợt bước ra từ tranh ôm choàng lấy tôi... Có hay không những hình ảnh chưa bao giờ gặp, nay bàng hoàng tưởng chừng như đã thấy trong tác phẩm Văn Xương?

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-goc-nhin-ve-huong-sac-ha-noi-trong-tranh-le-van-xuong-127541.html