Một góc nhìn khác

Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo giá trị GDP danh nghĩa, lớn thứ hai thế giới tính theo ngang giá sức mua (PPP); thu nhập bình quân đầu người 60.000USD/năm, hạng 6 thế giới.

Hoa Kỳ phát triển mạnh là nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn chất xám - lao động kỹ thuật cao.

Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu, Hoa Kỳ là một trong các quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh và hoạt động hiệu quả nhất với thành phần kinh tế tư nhân là chủ yếu; khối chính phủ điều hành chỉ chiếm 12,4% tổng sản phẩm nội địa. “Hoa Kỳ là một xã hội tiên phong, luôn có nhu cầu thúc bách phải khởi nghiệp và tạo ra của cải vật chất. Năng động trong việc đổi mới, Hoa Kỳ luôn thôi thúc bởi tinh thần khởi nghiệp, để biến những phát minh hoặc sáng chế mới thành hàng hóa phục vụ con người. Nhờ đó Hoa Kỳ luôn tạo ra của cải vật chất mới, xã hội luôn chuyển động và thay đổi”, ông Lý Quang Diệu nhận xét.

Thực dụng như Mỹ, tài sản được xem là một tiêu chí để đánh giá con người, họ tự hào công bố thu nhập của mình để nhận được sự kính trọng của xã hội. Nhà tư bản nào tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm thì được tôn vinh, trọng vọng. Người dân Hoa Kỳ xem trọng tính hiệu quả do tính thực dụng, cái hữu hiệu được ưa chuộng hơn cái đẹp.

Biểu hiện rõ nhất của đặc trưng này là quần áo Jeans. Sản phẩm này được xem như đồ bảo hộ lao động vào thập niên 1850, phát kiến bởi thương nhân Levi Strauss, một di dân Đức sống ở San Francisco. Hiện nay loại quần áo này được mặc ở mọi lục địa, phổ biến mọi giai tầng xã hội chứ không còn cho công nhân nữa.

Người Hoa Kỳ quan tâm đến tính tiện dụng chứ không chú trọng kiểu ăn mặc chỉnh tề, nghi thức. Ngày nay kiểu mũ và quần áo, giày… cao bồi người ta vẫn bắt gặp ở mọi nơi, như một đặc trưng văn hóa Hoa Kỳ.

Tất nhiên, Hoa Kỳ cũng có những mặt tiêu cực, không làm hài lòng tất cả mọi người. Bức thư của 60 tri thức lớn của Hoa Kỳ công bố vào tháng 2-2002 có viết: “Đôi khi tỏ ra hung hãn và kém hiểu biết đối với các xã hội khác; đôi khi theo đuổi những chính sách không đúng hướng và phi nghĩa. Có những giá trị văn hóa ít hấp dẫn hoặc tai hại, như chủ nghĩa tiêu thụ được coi là tiêu chuẩn, sự tự do quá trớn, sự suy yếu của gia đình và đời sống văn hóa gia đình… Điều này thể hiện sự trống rỗng trong tâm hồn”.

Đêm ở quảng trường Time Square.

Xã hội sôi động nhưng vẫn biểu hiện phong thái nhàn hạ.

Du khách tham quan thị trường chứng khoán New York.

Một góc phố Wall - thị trường tài chính lớn nhất thế giới.

Lưu niệm tòa cao ốc Trump - một biểu tượng giàu có của Hoa Kỳ.

Tưởng niệm và ghi nhớ những người đã hy sinh cho Hoa Kỳ.

Biểu diễn hip hop trên đường phố.

Phản kháng, bày tỏ thái độ không đồng tình chính sách.

LÊ DUYÊN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/phong-su-sang-tac/mot-goc-nhin-khac-60301.html