Một góc nhìn khác về cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn

'The Tây Sơn Uprising' (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) là cuốn sách của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton đã đưa ra một góc nhìn mới mẻ về cuộc nổi dậy của ba anh em Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Cuộc nổi dậy của ba anh em nhà Tây Sơn (hình minh họa) - Ảnh: internet

Cuộc nổi dậy của ba anh em nhà Tây Sơn (hình minh họa) - Ảnh: internet

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức.

Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, bóc lột, chống lại nhà Nguyễn thối nát và mang lại công bằng xã hội cho mọi tầng lớp nhân dân. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này và cũng từ đó, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào chưa được làm sáng tỏ.

Điện thờ Tam kiệt trong quần thể khu di tích Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định

Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề này là cuốn sách The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton (đã được dịch sang tiếng Việt).

George Dutton hiện đang là giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ, ông từng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều sách viết về xã hội Việt Nam từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20.

Cuốn sách The Tây Sơn Uprising được trường Đại học Hawaii xuất bản năm 2006 là một công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802, cuộc nội chiến ác liệt và dằng dai kéo dài hơn 30 năm, với những di chứng còn tồn tại đến thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách The Tây Sơn Uprising bản tiếng Việt

Dutton đã dành một số chương trong cuốn sách để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn với các thành phần xã hội phức tạp lúc bấy giờ, gồm có giới nông dân, người châu Âu tại Đại Việt, các sắc tộc thiểu số như người Hoa, người Chăm, người Khmer, đồng bào Thượng trên cao nguyên và cả những thành phần cư dân mà tác giả gọi là “những kẻ sống bên lề xã hội”.

Bảo tàng và tượng đài Quang Trung tại Bình Định

Về quan điểm cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn có phải là một phong trào nông dân hay không? Dutton viết: “Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn” .

Một nhóm người Đàng Trong tại Đà Nẵng thời Tây Sơn,tranh của họa sĩ người Anh William Alexander

Không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của tác giả, song sự gợi mở của ông tạo nên sức sống mới cho sinh hoạt học thuật về thời kỳ này đã từ lâu đi theo những lối mòn. Dutton nhận định rằng, lúc bắt đầu cuộc nổi dậy, nhà Tây Sơn cũng chỉ tái phân phối những tài sản có giá trị thấp, hoặc lúa gạo cho người nông dân thay vì thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất của họ thông qua những chứng từ hợp pháp. Người nông dân trong cuộc nội chiến 1771-1802 trở thành công cụ lớn nhất cho mục tiêu tối hậu của anh em Tây Sơn, để rồi “họ trở thành kẻ đồng lõa với sự áp bức chính họ”.

Sách của George Dutton cũng đưa ra một góc nhìn rất rõ về mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và người Hoa, một lực lượng tham gia vào cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn. Song mối quan hệ đó sớm lụi tàn, nhường chỗ cho những ân oán kéo dài, nhất là vào thập niên 1780, khi nhà Tây Sơn tàn sát hàng ngàn người Hoa tại vùng Gia Định. Song Dutton cũng cho rằng không phải lúc nào mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và người Hoa cũng mang màu sắc tiêu cực.

Về quan hệ giữa nhà Tây Sơn và hải tặc Trung Hoa là chủ đề được Dutton đề cập khá kỹ, ông đưa ra những dữ kiện minh chứng cho mối quan hệ giữa phong trào này và các nhóm hải tặc Trung Hoa bị chính quyền nhà Thanh tróc nã, phải trôi dạt xuống các vùng biển phía nam. Nhà Tây Sơn đã tuyển mộ thành phần này và sử dụng họ dưới hai hình thức chính: một là để kiểm soát đường biển, ngăn chặn các tàu thuyền di chuyển nhằm mục đích tiếp xúc, tiếp tế cho chúa Nguyễn Ánh.

Một góc thành Quy Nhơn

Nhận định về cá nhân anh em nhà Tây Sơn, Dutton “Thay vì miêu tả anh em nhà Tây Sơn như những nhà cách mạng, chính xác hơn là chúng ta nên xem họ như những diễn viên phụ (cho dù là ghê gớm) trên một sân khấu chính trị đông đúc và rộng lớn mà diễn viên và đồ dùng đã được dọn sẵn. Mở rộng cách ẩn dụ này hơn nữa, có thể nói các lãnh tụ Tây Sơn là những diễn viên không có kịch bản, tùy nghi ứng biến vai diễn của họ cũng như hướng giải quyết của vở kịch. Họ được dẫn dắt không phải bởi một tầm nhìn dài hạn mà bởi động cơ cá nhân ngắn hạn, đáp ứng với những tình huống hay thay đổi”.

Riêng về nhân vật vua Quang Trung, Dutton thừa nhận Nguyễn Huệ là vị anh hùng dân tộc khi ông có công đánh đuổi nhà Thanh ra khỏi Đại Việt. Chiến công này đã củng cố tầm vóc của vua Quang Trung trong con mắt của các nho sĩ Bắc hà cũng như trong quảng đại quần chúng. Theo tác giả, chỗ đứng của Quang Trung trên vũ đài quốc gia được xác định bởi chiến công của ông về mặt quân sự hơn là tầm nhìn chính trị của ông.

Những gì George Dutton trình bày trong tác phẩm của ông là một góc nhìn độc đáo và khá mới mẻ về cuộc nổi dậy của anh em nhà Tây Sơn dẫn đến cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm. Sách cũng giải mã một số sự kiện lịch sử mà cho đến ngày nay vẫn được xem là một bí ẩn

The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) do tác giả Lê Nguyễn dịch sang tiếng Việt, DTBooks và NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp xuất bản và phát hành trên toàn quốc từ tháng 4.2019.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/mot-goc-nhin-khac-ve-cuoc-noi-day-cua-nha-tay-son-110546.html