Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại!

Máu là loại thuốc đặc biệt và máu an toàn chỉ có thể được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, với tình cảm và trách nhiệm cao cả của những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên. Chỉ một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn lao từ một người hiến tặng máu, những người cần máu sẽ có thêm một cơ hội được cứu sống.

HÀNH ĐỘNG CAO CẢ

Trong khi cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp thì nguồn máu dự trữ để điều trị cho người bệnh trên cả nước cũng ngày càng khan hiếm. Máu vốn là món quà vô giá giúp con người duy trì sự sống, nên cho dù khoa học nói chung, y học nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu, song vẫn chưa tìm ra được một loại thuốc hay một loại dịch thể nào có thể thay thế được máu trong cơ thể. Máu và chế phẩm của máu là loại sản phẩm sinh học quý nhất, đóng vai trò duy trì sức khỏe cho con người. Máu cần cho nhiều chuyên khoa, cả cho điều trị hằng ngày cũng như cho cấp cứu ngoại khoa, sản khoa, nội khoa, v.v.. và cũng rất cần để sẵn sàng dự trữ cho thảm họa, an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia.

Ở bất kỳ đâu, mỗi ngày, mỗi giờ cũng có những người bệnh đang điều trị các bệnh hiểm nghèo cần truyền máu, những ca cấp cứu hay những người bệnh có nguy cơ mất máu cao gặp phải những hoàn cảnh khó khăn vì lượng máu dự trữ không có đủ để kịp thời cung cấp. Bởi khi bệnh nhân thiếu máu quá nặng, toàn bộ nguồn máu được bồi hoàn là từ người hiến máu, cho nên, chỉ cần sự chia sẻ, hiến tặng những giọt máu hồng - một phần máu của mình là mỗi người đã có thể giúp được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè vì thiếu máu.

Hiến máu là hành động tự nguyện của mỗi người khi cho đi những giọt máu hồng trong cơ thể mình để giúp bao người đang cần đến máu. Khi trao đi một phần nhỏ lượng máu của mình là ta đã thắp lên một ngọn lửa, đem lại hy vọng sống, đem lại niềm tin cho các bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, các em bé mắc bệnh tan máu bẩm sinh, các ca ghép tạng cần rất nhiều máu… đang cần máu gấp và cho cả những người thân của họ. Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, tình yêu thương con người và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng; đồng thời, đó cũng là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, mang đậm tính nhân văn, nét đẹp văn hóa, thể hiện sâu sắc đạo lý "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta. Chỉ một hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn lao từ một người hiến tặng máu, những người cần máu sẽ có thêm một cơ hội được cứu sống.

Hiến máu cứu người không phải là một hành động xa lạ đối với mỗi người, bởi đã có rất nhiều các chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức thường niên nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến máu. Thực tế, hiến máu ngoài việc cứu sống tính mạng con người còn mang lại sức khỏe cho chính người hiến máu, bởi người tham gia hiến máu được thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí để đảm bảo đủ cân nặng, huyết áp bình thường, không bị mắc các bệnh về tim mạch, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu… Cùng với đó, người tham gia hiến máu được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện: Ngoài giá trị về mặt tôn vinh còn có giá trị bồi hoàn máu cho người hiến máu; số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng tổng lượng máu người hiến máu đã hiến và giấy chứng nhận hiến máu có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc…

Thực tế cũng cho thấy là, "hạnh phúc được chia sẻ thì hạnh phúc nhân đôi", "nỗi buồn được sẻ chia thì nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa", cho nên, mỗi một giọt máu được chia sẻ của mỗi người sẽ mang theo một thông điệp nhân văn, một nghĩa cử cao đẹp từ trái tim ta đến với trái tim mọi người, làm cho cuộc sống của mỗi người trong cộng đồng thêm ý nghĩa hơn. Đồng thời, thông qua việc hiến máu, mỗi người có thể biết được tình trạng sức khỏe hiện tại nhờ việc khám sàng lọc trước hiến máu; thúc đẩy cơ thể tái tạo nguồn máu mới, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn và nhất là chúng ta cũng lưu giữ lại cho mình và người thân những giọt máu quý giá đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống.

Ngày hội hiến máu nhân đạo

Ngày hội hiến máu nhân đạo

Trong những năm qua, hiến máu tình nguyện và phong trào hiến những giọt máu hồng với thông điệp: “Sẻ giọt máu đào - Trao niềm hy vọng”, “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại”, “Hiến máu cứu người, xin đừng thờ ơ”, “Hiến máu cho bạn, hiến máu cho tôi”, “Mỗi lần cho đi là thấy vui ở trong tâm"…; với nhiều chiến dịch, sự kiện hiến máu lớn được tổ chức với quy mô lớn như “Lễ hội Xuân hồng”, “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4”, “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6”, “Chiến dịch những giọt máu hồng hè”, Vận động hiến máu dịp Tết, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6…đã được các tầng lớp nhân dân đón nhận, hưởng ứng rộng rãi. Mạng lưới công tác vận động hiến máu tình nguyện toàn quốc đã hình thành và từng bước hoàn thiện, với 100% các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện và 85% số xã, phường có Ban Chỉ đạo.

Hiến máu và phong trào hiến máu tình nguyện của mọi tầng lớp nhân dân đã thu được những kết quả đáng khích lệ; không chỉ trở thành việc làm thường xuyên của nhiều tổ chức, cá nhân mà còn lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào hiến máu của cả nước. Nhờ có những giọt máu đào thấm đậm nghĩa tình, mang giá trị nhân văn sâu sắc đó mà người bệnh kịp thời có máu để điều trị. Đi liền cùng đó là có biết bao cuộc đời đã hồi sinh, đã nở hoa trở về nhịp sống đời thường... Tuy nhiên, vì lượng máu cần rất nhiều, nên vẫn còn nhiều nơi, nhiều thời điểm các bệnh viện không có đủ máu và sản phẩm từ máu để truyền, để cứu chữa người bệnh. Thiếu máu, phải chờ máu, không đủ máu… không chỉ là sự thiệt thòi và không may mắn của người bệnh đang cần máu mà còn làm giảm hiệu quả việc điều trị, cứu chữa người bệnh của các bệnh viện.

CHUNG SỨC VÌ CỘNG ĐỒNG

Với tinh thần “Mỗi giọt máu - Một tấm lòng”, hiến máu nhân đạo với mỗi người chỉ là một việc làm nhỏ thôi, song bài học là vô cùng lớn. Bởi một giọt máu cho đi là thêm một cuộc đời ở lại; bởi đó là việc làm ý nghĩa và thiết thực, mang niềm tin, niềm hy vọng về sự sống đến cho những người kém may mắn. Những giọt máu của mỗi người tình nguyện hiến tặng không chỉ thể hiện tình cảm, tấm lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng mà còn làm cho tinh thần nhân đạo lan tỏa rộng rãi. Đó chính là hành trình máu từ trái tim ta truyền đến trái tim mọi người, mang theo tình yêu thương bao la của con người sẽ góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa hơn. Đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc: Hạnh phúc vì thấy mình đủ khỏe mạnh để cứu giúp những người yếu hơn; hạnh phúc vì từ cánh tay mình, dòng máu từ cơ thể mình sẽ được chảy vào cơ thể một người khác trong nay mai…

Riêng năm 2019, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 1.408.302 đơn vị máu, quy đổi là 1.664.779 đơn vị máu (thể tích 250 ml). Trong đó, có 99% đơn vị máu là từ người hiến máu tình nguyện; tương đương gần 1,5% dân số hiến máu; tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2%; tỷ lệ người hiến máu có thể tích từ 350ml trở lên đạt trên 44%.

Máu và nhu cầu về máu trong cấp cứu, điều trị ngày càng đòi hỏi các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động để không chỉ khơi dậy lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, mình vì mọi người của mỗi cá nhân trong xã hội mà còn góp phần làm cho những hành động thiện nguyện đó trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng. Cho đi một giọt máu hồng để cứu sống người bệnh là mỗi người đã gieo mầm những hạt giống tốt của lòng nhân ái, nghĩa tình vào cuộc sống, tô đẹp thêm nét đẹp truyền thống và đạo lý của người Việt, dân tộc Việt Nam.

Hạnh phúc khi được sẻ chia, khi biết mình đã làm một điều có ích cho cộng đồng; khi biết rằng, đâu đó trên đất nước này, trên thế gian này, dòng máu của mình đã, đang và sẽ được hòa chung trong một, thậm chí một vài người nào đó, giúp họ khi họ đang cần. Với những ý nghĩa đó, hiến máu nhân đạo còn hơn cả một nghĩa cử cao đẹp, không chỉ thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng mà còn làm sâu sắc, sống động hơn truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc trong cả thời bình.

Để thể hiện tình yêu thương và tấm lòng nhân ái, tính cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc của việc hiến máu nhân đạo, mỗi người người dân hãy cùng tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo; hãy cùng chung tay, góp sức vì cộng đồng, vì một ngày mai tốt đẹp hơn với mọi người và với chính mình! Trên tinh thần đó, hãy hưởng ứng lời kêu gọi nhân dịp 20 năm ngày Thủ tướng ban hành quyết định lấy ngày 7/4 hàng năm làm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 - 7/4/2020) của Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bằng những hành động cụ thể. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện phát triển hơn nữa, vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình.

Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân về việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tích cực tham gia hiến máu cứu người. Thông qua việc hiến máu tình nguyện, giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

Các địa điểm hiến máu, các đơn vị tổ chức hiến máu cần lựa chọn địa điểm tổ chức rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và có khu vực rửa tay; đồng thời, phối hợp với cơ sở tiếp nhận hiến máu đảm bảo cho người tham gia hiến máu không tập trung quá đông người vào cùng một thời điểm; giảm tối đa các chương trình, sự kiện không cần thiết tại ngày hiến máu...

Cùng với đó, đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người, vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình./.

Năm 2000, nhân Ngày Sức khỏe thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã lựa chọn thông điệp "Máu an toàn bắt đầu từ tôi" nhằm nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của mỗi người đối với an toàn truyền máu. Vì vậy, ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

Từ đó đến nay, ngày 7/4 đã trở thành một ngày được các cấp, các ngành và đông đảo người dân Việt Nam hưởng ứng bằng hành động thiết thực. Đó là hiến máu và vận động nhiều người khác cùng hiến máu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng an toàn truyền máu, chất lượng của công tác cấp cứu và điều trị người bệnh".

Thanh Mai

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/mot-giot-mau-cho-di-mot-cuoc-doi-o-lai-127380