Một giờ với 'Đại tướng con dân'

Hồi còn làm công tác sưu tầm của Bảo tàng Biên phòng, tôi được đi công tác đến hầu khắp mọi vùng miền của đất nước. Những chuyến đi rong ruổi ấy đã để lại cho tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc, trong đó có kỷ niệm được gặp Đại tướng Mai Chí Thọ, hôm tôi đến nhà ông sưu tầm kỷ vật. Mặc dù thời gian đã qua đi, ông cũng trở thành người thiên cổ, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng của ông cùng những lời ông căn dặn.

Đại tướng Mai Chí Thọ (bên trái) và tác giả, năm 2001. Ảnh: Bảo tàng Biên phòng

Năm 2001, Bộ Tư lệnh BĐBP khởi công xây dựng Nhà truyền thống An ninh vũ trang miền Nam, tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Giám đốc Bảo tàng khi ấy là Thượng tá Đỗ Trọng Khôi cử chúng tôi vào sưu tầm kỷ vật tại các tỉnh phía Nam. Vào cơ quan Thường trực, tôi gặp Thiếu tướng Trương Văn Thanh, lúc đó là Phó Tư lệnh BĐBP, đề nghị cấp giấy giới thiệu để tôi liên hệ sưu tầm những kỷ vật kháng chiến của các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, về trưng bày tại khu Di tích lịch sử Ban An ninh - Trung ương Cục miền Nam.

Cầm giấy giới thiệu trên tay, tôi cùng họa sĩ Mai Xuân Chung khẩn trương tìm đến ngôi nhà số 29, đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị được gặp Đại tướng Mai Chí Thọ. Đồng chí cảnh vệ tiếp nhận ý kiến của tôi rồi căn dặn: “Các anh cứ về đi, để tôi báo cáo với Đại tướng. Khi nào ông chuẩn bị xong kỷ vật, tôi sẽ báo lại cho các anh”.

Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi tranh thủ đi sưu tầm kỷ vật của Đại tá Nguyễn Văn Cường (Tư Cường), nguyên cán bộ Đoàn 180 An ninh vũ trang (ANVT), nguyên Chỉ huy phó về Chính trị BĐBP thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng một tuần sau, tôi nhận được điện thoại của Đại tướng, rằng ông đồng ý và giao kỷ vật cho chúng tôi. Đúng hẹn, chúng tôi vui mừng đến nhà riêng của ông.

Vừa bước chân vào đến cửa phòng khách, tôi đã nhìn thấy ông ngồi đợi. Tôi nhanh chóng tiến lại gần chào, bắt tay Đại tướng và hỏi thăm sức khỏe của ông. Tôi tự giới thiệu và trình bày nguyện vọng của Bảo tàng Biên phòng là rất mong được tiếp nhận kỷ vật của Đại tướng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tôi vừa dứt lời, ông hỏi chúng tôi: “Các cháu ở ngoài miền Bắc mới vào công tác phải không? Các cháu quê ở đâu?”.

Tôi đáp: “Dạ, thưa bác, quê cháu ở Nam Định”. Nghe xong tôi trả lời, ông phấn chấn hẳn, nói vui: “Vậy là tớ gặp đồng hương rồi nhé. Hồi còn làm Bộ trưởng, mình ít tiếp các đồng chí Biên phòng ở nhà riêng lắm. Hôm nay là một ngoại lệ đấy nhé”.

Ông tâm sự: “Quê tôi cũng ở Nam Định, nhưng tôi xa quê hương tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng 8-1945. Năm 1940, tôi đã từng bị bắt, giam cầm, tra tấn tại các nhà tù ở Nam Đinh, Hỏa Lò, Sơn La, sau đó còn bị chúng đày ra biệt giam tại nhà tù Côn Đảo”. Ngừng giây lát, ông bất ngờ hỏi tiếp: “Trước khi đến nhà tôi, các chú đã tìm hiểu về lai lịch của tôi rồi phải không? Vậy các chú đã biết tên thật của tôi chưa?”.

Rồi ông chậm rãi nói tiếp: “Năm 1948, khi tôi mới vào miền Nam công tác trong ngành Công an, lúc đó đồng chí Phạm Hùng (sau này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - Tác giả) đặt tên tôi là Mai Chí Thọ, còn tên thật của tôi là Phan Đình Đống, bí danh là Năm Xuân, vì vợ tôi là con thứ năm tên Xuân. Có lẽ, do vóc dáng tôi cao lớn nên mọi người còn gọi tôi với bí danh là Tám Cao”.

Sau đó ông phân trần: “Dạo này sức khỏe của tôi không được ổn định, nên tôi ít về thăm quê hương”. Ông kể thêm: “Hồi vào miền Nam hoạt động, đi biền biệt mười mấy năm trời, mãi đến năm 1954, nhân dịp ra miền Bắc báo cáo tình hình với Bộ Công an, tôi tranh thủ về thăm gia đình. Lúc chia ly, tôi nhớ mãi hình bóng người mẹ già gầy yếu tiễn đưa con trở lại chiến trường miền Nam. Không ngờ đây cũng là lần cuối cùng tôi được gặp mẹ”.

Chúng tôi ngồi chăm chú nghe ông kể câu chuyện về đời mình: Năm 1956, mẹ ông bị ốm nặng rồi mất. Mãi đến 2 năm sau, ông mới nhận được tin buồn này qua một tình báo viên đi công tác cùng Đội bóng đá của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sang thăm và thi đấu giao hữu tại Vương quốc Campuchia.

Nén nỗi đau thương, ông hứa với mẹ: Sẽ hiến dâng trọn đời mình cho cách mạng, cho dù có phải chấp nhận những đau thương, hy sinh mất mát. Khói lửa chiến tranh càng hun đúc, tôi luyện bản lĩnh can trường và ý chí, tình cảm luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân trong ông. Những cống hiến và sự hy sinh thầm nặng của ông trong hai cuộc kháng chiến đã được Tổ quốc và nhân dân vinh danh...

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12-1986, ông được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; tháng 12-1987, được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an); ông được phong hàm Đại tướng An ninh nhân dân tháng 5-1989. Năm 2007, ông được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam... Trong cuộc sống, công tác, ông luôn là người gắn bó máu thịt với nhân dân, được mọi người kính trọng, yêu mến, gọi ông là “Đại tướng con dân”.

Dứt lời tâm sự, Đại tướng Mai Chí Thọ chủ động hỏi: “Các chú cần những kỷ vật nào? Tôi đã chuẩn bị sẵn rồi đấy”. Khi làm văn bản tiếp nhận các kỷ vật, chúng tôi đề nghị ông cung cấp thông tin chi tiết về ba kỷ vật gồm: Một chiếc máy bộ đàm liên lạc do Mỹ sản xuất. Đây là chiến lợi phẩm thu được của địch, ông đã sử dụng trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, để chỉ huy các lực lượng An ninh tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn – Gia Định; một tấm vải dù hoa và một bộ quần áo bà ba Nam bộ. Hồi còn hoạt động bí mật tại căn cứ kháng chiến, ông thường mặc bộ quần áo này để cải trang, che mắt bọn biệt kích thám báo của địch.

Sau khi bàn giao xong kỷ vật, ông căn dặn chúng tôi: “Đây là những kỷ vật hiếm, nên các đồng chí hãy bảo quản, giữ gìn cẩn thận nhé”. Ngưng một lát, Đại tướng nói tiếp: “Sau ngày giải phóng miền Nam, có một số bảo tàng đến liên hệ nên tôi đã tặng mỗi đơn vị một vài kỷ vật rồi. Hiện nay, tôi vẫn còn cất giữ một số kỷ vật khác, nếu các đồng chí Biên phòng mà đến muộn thì đâu còn hiện vật để tặng các bạn nữa. Tôi không ưu ái cho bất cứ đơn vị nào độc quyền sử dụng những kỷ vật này. Tuy nó là những đồ vật vô tri, vô giác, nhưng nó đã thấm đẫm biết bao xương máu của hàng triệu đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc”.

Thời gian được gặp, trò chuyện với Đại tướng Mai Chí Thọ tuy ngắn ngủi, nhưng ông đã để lại trong tôi ấn tượng không thể nào quên. Tôi thầm nghĩ, chỉ có những người đã từng vào sinh ra tử, trải qua khói lửa chiến tranh mới nâng niu trân trọng, mới thấu hiểu được giá trị nhân văn để cảm nhận về một loại hình ngôn ngữ đặc biệt đang ẩn chứa trong từng hiện vật mà ông đã trao gửi cho tôi. Đây chính là mệnh lệnh không lời, đồng thời là một bài học sâu sắc, nhắc nhở mọi cán bộ làm công tác bảo tàng, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc như chúng tôi cần phải biết nâng niu.

Vũ Đình Thông

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-gio-voi-dai-tuong-con-dan/