Một gia đình người Anh 17 năm giúp đỡ trẻ tự kỷ ở Việt Nam

Tính đến nay, chuyên gia giáo dục trẻ khuyết tật người Anh Marianne Simpson đã có 17 năm gắn bó với công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em tự kỷ ở Việt Nam. Đó là một hành trình không dễ đi, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ phi thường, và hơn cả là tình yêu thương.

Bà Marianne và các học viên lớp tập huấn dạy trẻ tự kỷ. Ảnh: VSO

Trăn trở với Việt Nam

Khi được hỏi về lý do chọn đất nước châu Á xa xôi làm điểm dừng chân, bà Marianne kể: bà biết đến Việt Nam từ những năm tháng chiến tranh, qua những tin tức được cập nhật trên báo BBC. Những câu chuyện về một đất nước nhỏ bé, bị tàn phá nặng nề bởi đạn bom nhưng vẫn nỗ lực vươn lên mạnh mẽ đã khiến bà vô cùng xúc động. Marianne tâm sự, những câu chuyện ấy đã theo bà suốt cả cuộc đời, và khơi lên một ước vọng thiết tha, rằng mai này nhất định phải làm một điều gì cho Việt Nam.

Tâm nguyện của người phụ nữ Anh nhân hậu dần trở thành hiện thực vào năm 2000, khi bà đáp chuyến bay đầu tiên đến Tp.HCM thăm con gái khi ấy đang là tình nguyện viên cho tổ chức phi chính phủ Saigon’s Children Charity. Chuyến đi cũng là cơ hội để Marianne bước đầu “mắt thấy, tai nghe” về hoạt động trị liệu cho trẻ khuyết tật tại TP.HCM.

“Con gái tôi đã "dành riêng" một năm học để tới Việt Nam làm thiện nguyện, nên tôi nghĩ, đã tới lượt tôi làm điều đó”, bà chia sẻ. Năm 2005, Marianne trở lại Việt Nam trong chương trình Voluntary Service Overseas (VSO- tạm dịch: Phục vụ tình nguyện tại nước ngoài).

Sau khi trải qua khóa tập huấn của VSO tại thủ đô Hà Nội, Marianne tới TP.HCM để trở thành người tư vấn, hướng dẫn cho các giáo viên vừa tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Trung Ương TP.HCM.

“Giáo dục đặc biệt là một lĩnh vực rất mới mẻ và các giáo viên giáo dục đặc biệt ở Việt Nam khi đó là lứa đầu tiên, mới ra trường”, Marianne giải thích về những trở ngại mình gặp phải những ngày đầu bắt tay vào công việc mới.

Marianne kể, mỗi ngày làm việc, bà lại phải đương đầu với một thử thách mới, đến nỗi nhiều khi cảm thấy bất lực, thấy sự hiện diện của mình không có ý nghĩa như mong đợi. Có những khi, gần như lớp học trống trơn vì các giảng viên không đến tham gia tập huấn. Tuy vậy, Marianne cũng không nỡ trách các học viên của mình, bởi bà hiểu một điều: mức lương khiêm tốn khiến họ không thể toàn tâm toàn ý theo nghề, mà phải bươn chải với những công việc kinh doanh khác.

Giai đoạn đầu kết thúc trong sự thất vọng, hoang mang. Rời Việt Nam, lòng Marianne trĩu nặng những âu lo, khi những đứa trẻ khuyết tật vẫn đang phải vật lộn với những trở ngại trong học tập và hòa nhập vào xã hội, mà điều kiện hỗ trợ lại gần như là số 0...

Đến, đi và trở về

Không nản lòng, sau khi nghỉ hưu, Marianne lập tức lên đường quay lại Việt Nam, và lần thứ hai trở thành tình nguyện viên của VSO vào năm 2007. Lần này, bà có thêm một người đồng hành, là chồng, ông Chris Simpson. Hai người đã tới Nha Trang (Khánh Hòa), và bắt đầu công tác tư vấn cho trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang.

Những ngày ở Nha Trang, một cơ duyên tình cờ đã cho Marianne gặp thêm một người đồng chí hướng, chị Đỗ Thị Hiền, một giáo viên dạy trẻ khuyết tật và cũng là tình nguyện viên của VSO. Ban đầu, chị Hiền đảm nhận vai trò là phiên dịch viên giúp Marianne giao tiếp với các giáo viên, phụ huynh và học sinh. Sau này, chị đã trở thành “trợ thủ” đắc lực và người bạn thân thiết của bà.

“Giáo dục đặc biệt là một ngành vẫn còn mới ở Việt Nam lúc đó. Tôi nhận thấy có rất ít trường tiếp nhận trẻ có nhu cầu đặc biệt. Bởi vậy, phần lớn công việc của tôi trong những năm đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức của mọi người về chứng tự kỉ. Với sự hỗ trợ phiên dịch ngôn ngữ từ Hiền, chúng tôi đã tổ chức được các sự kiện tuyên truyền cho cộng đồng và những buổi tập huấn cho phụ huynh,” bà nói.

Vợ chồng bà Marianne tại Nha Trang. Ảnh: Marianne Simpson/VSO

Vợ chồng bà Marianne tại Nha Trang. Ảnh: Marianne Simpson/VSO

Không lâu sau đó, bà Marianne và những người cộng sự đã thành lập được một trung tâm can thiệp sớm ngay trong khuôn viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, nơi phụ huynh có thể đưa con em mình tới để được các giáo viên kèm cặp riêng theo mô hình một cô một trò.

“Nhiều gia đình lặn lội đường xá xa xôi để tới trung tâm. Trước đó họ không nhận được nhiều sự trợ giúp như thế. Những người giáo viên mới vào nghề, nhờ đó có thêm cơ hội được ứng dụng những gì mình học vào thực tế.” Bà chia sẻ.

“Đa số trẻ tự kỉ rất hiếm khi ra khỏi nhà, vì cha mẹ các em thường cảm thấy xấu hổ”, Marianne nhớ lại. "Nhờ có trung tâm mới, họ đã không còn cảm thấy cần phải trốn tránh nữa."

“Tôi có thể nhìn thấy sự thay đổi trong thái độ của mọi người,” Marianne cho biết, giờ đây phụ huynh có con em khuyết tật đã có cái nhìn lạc quan, sáng sủa hơn, họ kỳ vọng ở con em nhiều hơn trước. Tuy nhiên, “ tất cả vẫn là một con đường dài phía trước.”.

Trong suốt thời gian giảng dạy ở Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, bà Marianne đã phát triển một phương pháp sư phạm có tính thực tiễn cao, và thường xuyên nhấn mạnh vào việc rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại của giáo viên.

"Marianne lúc nào cũng tận tâm với phụ huynh, cho họ thời gian để giãi bày tâm sự và lắng nghe những trăn trở của họ,” chị Đỗ Thị Hiền kể. “Bà ấy là tấm gương cho tôi noi theo, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi.”

Dự kiến ban đầu, Marianne và chồng bà sẽ ở Việt Nam 2 năm, song nhiệt huyết với công việc, tình yêu dành cho những em nhỏ thiệt thòi đã níu giữ họ ở lại.

“Tôi và chồng đã quyết định xin gia hạn visa để giúp phát triển các trường dành cho trẻ em khuyết tật ở Nha Trang.”

Sau khi chương trình tình nguyện với VSO kết thúc, Marianne và Chris tiếp tục ở lại Việt Nam, giúp chị Đỗ Thị Hiền mở một ngôi trường cho trẻ em cần được giáo dục đặc biệt.

Đó là ngôi trường đầu tiên dành cho trẻ khuyết tật tại Nha Trang. Nhờ nó, hơn 100 gia đình đã nhận được trợ giúp cần thiết.

Bà Marianne giúp đỡ trẻ em tự kỷ. Ảnh: Marianne Simpson/VSO

“Chúng tôi tìm thấy hạnh phúc trong việc đem đến ảnh hưởng tích cực trong cuộc đời các em.” Marianne nói.

Dù ngôi trường phải đóng cửa sau đó do thiếu ngân sách vận hành, song một số giáo viên đã tự đứng ra mở những cơ sở tương tự dành cho trẻ em khuyết tật, mà theo Marianne, đang phát triển lớn mạnh.

Trái tim luôn hướng về Việt Nam

Năm 2012 bà Marianne và chồng trở về Anh. Năm 2013, chị Đỗ Thị Hiền chính thức “đầu quân” cho Saigon Children’s Charity. Xa cách về địa lý, song những người bạn Việt Nam, Anh quốc vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi về cuộc sống, công việc. Chính vợ chồng bà Marianne đã khích lệ cô gái trẻ ấy nộp hồ sơ dự tuyển học bổng Chevening của Hội đồng Anh, một học bổng danh giá nhằm bồi dưỡng những nhà lãnh đạo tương lai.

Chị Đỗ Thị Hiền (áo đen) trao đổi với phụ huynh trẻ tự kỷ. Ảnh: saigonchildren

Chị Hiền sau đó trúng tuyển và được nhận vào học chương trình Thạc sĩ về Giáo dục Trẻ em Tự kỷ tại Đại học Birmingham vào năm 2017. Chị tốt nghiệp cuối năm 2018, với luận văn đạt loại giỏi, và trở về Saigon Children’s Charity với vai trò Quản lý Chương trình Giáo dục Đặc biệt.

Năm 2012, khi trở về Anh Quốc, Marianne tiếp tục tham gia giúp đỡ những trẻ em khuyết tật. Công việc của bà là hỗ trợ dự án đào tạo những giáo viên và nhà trị liệu làm việc với trẻ tự kỷ trong các chương trình của Saigon Children’s Charity. “Công việc của tôi bây giờ chủ yếu là tư vấn chuyên môn, tuyển dụng và sắp xếp cho các chuyên gia từ Anh Quốc tới Việt Nam để huấn luyện các nhà thực hành làm việc với trẻ em tự kỷ”, bà cho biết.

Marianne cũng thường chia sẻ với các đồng nghiệp kinh nghiệm sống và làm việc tại Việt Nam liên quan đến sự khác biệt về văn hóa và thái độ đối với trẻ khuyết tật để chuẩn bị cho các giảng viên về việc tập huấn; theo sát chặt chẽ trong quá trình tập huấn; trả lời các phản hồi của học viên và giảng viên.

“Trẻ em khuyết tật cần rất nhiều sự giúp đỡ, do đó chúng tôi thúc đẩy việc tôn trọng sự khác biệt của từng trẻ em và tạo ra những cơ hội để các em tiếp cận với nền giáo dục thích hợp. Làm việc trong môi trường giáo dục đa ngành, tôi nhận thấy được những lợi ích của sự phối hợp giáo dục giữa giáo viên, nhà trị liệu và phụ huynh trong việc giáo dục, hỗ trợ trẻ khuyết tật”, bà khẳng định.

“Tôi khuyên những giáo viên của những học sinh có nhu cầu đặc biệt hãy chủ động học hỏi để tự trang bị những kiến thức và kỹ năng thực hành, phân tích và giải quyết vấn đề cho chính mình sao cho phù hợp với bối cảnh giáo dục tại Việt Nam. Tất cả những đứa trẻ khuyết tật không giống nhau,vì thế, những giáo viên giáo dục đặc biệt và các nhà trị liệu cần theo dõi kỹ lưỡng tính cách của từng cá nhân một để đưa ra cách dạy cụ thể” bà cho biết.

Theo số liệu từ Khoa Tâm thần nhi, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, năm 2012, có hơn 2.500 trẻ em được khám do nghi ngờ mắc chứng tự kỷ. Năm 2017, số trẻ tự kỷ tại Việt Nam ước tính vào khoảng 200.000 em. Tự kỷ là vấn đề về phát triển ở trẻ em, gây nên những rối loạn về ngôn ngữ và hành vi. Tuy nhu cầu về can thiệp sớm tại Việt Nam ngày càng cao, song các chương trình định hướng cho giáo viên, phụ huynh còn chưa phổ biến.

Dự án của Saigonchildren, kết hợp với Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Tp.HCM và Trung tâm liệu pháp OWL (Anh) sẽ không thể mang lại chất lượng tập huấn cao mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật rất lớn của các chuyên gia trong lĩnh vực khuyết tật, đặc biệt trong lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.

Từ năm 2009, Chương Trình giáo dục đặc biệt của saigonchildren đã hỗ trợ khoảng 10.000 trẻ em, với 57 dự án, tác động đến 1.800 phụ huynh và giáo viên.

Yến Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/mot-gia-dinh-nguoi-anh-17-nam-giup-do-tre-tu-ky-o-viet-nam-78920.html