Một đứa trẻ 8 tuổi trầm cảm

Tháng 10 năm ngoái, Marie gọi đến đường dây nóng phòng chống tự tử. Không ai nghĩ chuyện này sẽ xảy ra, kể cả chính cô bé.

Vào một buổi chiều, Marie đeo tai nghe và nghe nhạc trong khi đi dạo. Nỗi buồn khó hiểu tự nhiên dâng lên trong lòng khiến cô bé muốn chết. Thậm chí đến bây giờ, em cũng không biết lý do gì dẫn đến cảm xúc đó, theo New York Times.

Mối quan hệ của Marie với bạn thân dần xấu đi từ khi học trực tuyến vì dịch Covid-19. Cô bé cũng lo sợ những người quan trọng khác sẽ chuyển đi hoặc mất do nhiễm bệnh.

Cố vấn trực tổng đài xin phép cô để liên lạc với phụ huynh. Người mẹ, Jackie, vội vàng chạy xe đến tìm con sau khi nhận thông tin. Cô hoảng loạn vì con gái thú nhận từng cố làm bản thân bị thương bằng kéo.

Jackie là người có kinh nghiệm chăm sóc thanh thiếu niên có ý định tự tử. Bà mẹ đã nhiều năm làm y tá tại các đơn vị hồi sức tích cực dành cho trẻ em. Dù vậy, cô vẫn không thể nhận ra những biểu hiện lạ ở con mình.

 Tỷ lệ trẻ dưới 12 gặp khủng hoảng tâm lý tăng cao ở Mỹ. Ảnh: pexels.

Tỷ lệ trẻ dưới 12 gặp khủng hoảng tâm lý tăng cao ở Mỹ. Ảnh: pexels.

“Tôi từng hỏi bọn trẻ vì sao lại cố tìm đến cái chết. Câu trả lời thường thấy nhất là ảnh hưởng từ mạng xã hội. Rõ ràng, chúng không hiểu việc này không thể khiến mọi chuyện khá lên”, cô kể lại.

Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của Jackie là một bé gái 8 tuổi. Em được cứu sống, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như vậy.

Theo nữ y tá, các ca tự tử đa số là nữ giới và cố tình dùng quá liều thuốc giảm đau. Chuyện này phổ biến tới mức Jackie phải gọi về nhà nhờ chồng giấu hết các loại thuốc này khỏi tầm tay con gái.

Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần khẩn cấp tăng dần theo thời gian và đột biến sau dịch Covid-19.

Con tuyệt vọng, cha mẹ lo âu

Tháng 4 năm nay, Lu (11 tuổi) và mẹ, bà Nicole, đã phải chờ từ đêm trước đến sáng hôm sau tại một phòng cấp cứu ở bang Ohio. Bệnh viện không thể tiếp nhận họ vì quá tải.

Trước đó, Nicole kiểm tra máy tính bảng của con gái như mọi lần. Cô vô tình phát hiện Lu lên kế hoạch tự sát và soạn sẵn thư tuyệt mệnh. Từng được chẩn đoán trầm cảm ở độ tuổi 20, bà mẹ rùng mình khi nhận ra con gái cũng “đang bước trên con đường tăm tối”.

“Lu dành cả ngày để lướt Internet. Thuật toán quái đản nào đó liên tục gợi ý những video buồn bã, tuyệt vọng cho con bé. Tôi nhận ra mình phải nhanh chóng cứu con”, Nicole chia sẻ.

Cuối cùng, họ được chuyển đến một bệnh viện chuyên về sức khỏe hành vi. Lu kết bạn với những đứa trẻ cũng có vấn đề sức khỏe như mình. Cô bé hoảng sợ khi thấy bạn mình bị khống chế và tiêm thuốc an thần.

Nhờ can thiệp y tế, Kate dần ổn định sau sự ra đi của người ông. Ảnh: Rachel Woolf/New York Times.

Năm học lớp 3, Kate (12 tuổi, sống tại bang Colorado) nói với cha mẹ rằng mình không muốn sống nữa. Em bị rối loạn xử lý cảm giác, rối loạn tăng động giảm chú ý và thường xuyên bị bắt nạt ở trường tiểu học.

Phụ huynh lập tức đưa Kate đi cấp cứu. Họ thực hiện các bước kiểm tra suốt 12 tiếng đồng hồ để đảm bảo con gái sẽ an toàn khi về nhà.

“Lúc đó, tôi thấy cuộc sống như sụp đổ. Chúng tôi tự trách móc bản thân vì đã không thể là chỗ dựa cho con. Tôi mong các bậc cha mẹ khác sẽ không như vậy. Hãy bình tĩnh, gọi bác sĩ nhi khoa hoặc đường dây nóng xử lý khủng hoảng thay vì để chuyện diễn biến tệ hơn", mẹ của Kate, nói.

Khủng hoảng trong mùa thu

Theo số liệu từ nhiều bệnh viện tại Mỹ, nhóm trẻ em dưới 13 tuổi bị khủng hoảng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Trước khi dịch Covid-19 bùng nổ, trẻ bị ảnh hưởng tâm lý bởi nạn bắt nạt, lạm dụng hay phân biệt chủng tộc. Giờ đây, các em phải đối mặt với nhiều vấn đề gây ám ảnh hơn như mất người thân, nỗi sợ hòa nhập khi trở lại học trực tiếp.

Heather C. Huszti, tiến sĩ tâm lý học tại bệnh viện nhi đồng Orange County (bang California), cho rằng dịch bệnh đã góp phần “châm dầu vào ngọn lửa âm ỉ”.

“Với trẻ nhỏ, những nỗi đau này có thể kéo dài vô tận. Chúng sẽ không biết phải trông đợi vào điều gì vì chưa có khả năng nghĩ theo hướng lâu dài”, cô nói.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2020, tỷ lệ trẻ em 5-11 tuổi đến khám tại khoa cấp cứu tâm thần tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Bác sĩ Jenna Glover, nhà tâm lý học trẻ em tại bệnh viện nhi đồng bang Colorado, dự đoán cuộc khủng hoảng tâm lý trẻ em sẽ “bùng nổ vào mùa thu, khi bọn trẻ phải trở lại trường học và bù lại những gì đã lỡ trong đại dịch”.

Bệnh viện quá tải

Vốn đã ít giường dành cho bệnh nhân tâm thần, các bệnh viện nhi đồng ở Mỹ đang đối mặt với tình trạng quá tải. Thậm chí, một số đơn vị còn không tiếp nhận bệnh nhi dưới 12 tuổi vì nhóm này buộc phải được giám sát chặt chẽ hơn.

“Tuổi càng nhỏ, bọn trẻ phải đợi càng lâu. Điều này khiến tôi rất đau lòng nhưng không biết làm gì hơn”, tiến sĩ Huszti nói.

Bệnh viện nhi ở bang Connecticut không có bất kỳ giường nội trú nào cho nhóm điều trị bệnh tâm thần. Tiến sĩ Jennifer Downs, trưởng khoa tâm thần học trẻ em và vị thành niên, cho biết nhiều trẻ em trong phòng cấp cứu mất hơn một tuần để tìm được nơi nhập viện khác.

Chuyên gia cho rằng cần bảo vệ sức khỏe tâm thần cho trẻ nhỏ. Ảnh: pexels.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều bệnh viện nhi ở Mỹ gấp rút hình thành khu điều trị tâm thần. Tuy nhiên, bác sĩ Mary Margaret Gleason cho rằng “cần nỗ lực phòng ngừa cho trẻ, thay vì tập trung vào tình hình cấp cứu”.

Bệnh viện King’s Daughters (bang Virginia) đang gấp rút xây dựng tòa nhà mới với sức chứa 60 giường bệnh tâm thần nội trú. Các nhân viên y tế hoang mang khi lượt khám tại khoa cấp cứu sức khỏe tâm thần ở trẻ em tăng 300%, tính trong giai đoạn 2015-2022.

Tương tự, bệnh viện nhi Orange County chuẩn bị thực hiện các chương trình điều trị ngoại trú chuyên sâu cho trẻ 10-14 tuổi và dưới 8 tuổi.

“Hiện tại, chúng tôi cố gắng sắp xếp thêm giường để đối phó với sự gia tăng ồ ạt. Dù vậy, các em vẫn cần sự hỗ trợ từ trường học và gia đình. Phải hạn chế số lượng trẻ buộc chăm sóc đặc biệt hoặc nghiêm trọng. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng này”, bà Baskfield, đại diện bệnh viện, nói với New York Times.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-dua-tre-8-tuoi-tram-cam-post1342579.html