Một dòng họ văn hiến trong lịch sử Việt Nam

Ngày 29-4-2021 (tức 19 tháng Ba âm lịch), tại Trung tâm Hội nghị thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh, vinh danh 'Từ đường họ Doãn Việt Nam'. Sự kiện này thêm khẳng định: Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa dòng tộc lâu đời, được lưu truyền, gìn giữ từ đời này sang đời khác và đã tác thành một mã văn hóa truyền thống căn bản, được bảo tồn, phát huy trong sự phát triển xã hội Việt Nam hiện đại.

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh, vinh danh “Từ đường họ Doãn Việt Nam”.

Gốc tích địa - văn hóa

Theo sách “Họ và tên người Việt Nam” (PGS.TS Lê Trung Hoa - NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, tái bản năm 2005), ở Việt Nam có 14 dòng họ lớn, chiếm 90% dân số, như họ Nguyễn chiếm 38%, họ Trần chiếm 12,1%... Còn lại khoảng 200 dòng họ nhỏ, chiếm 10% dân số, trong đó có
họ Doãn.

Tham luận về gốc rễ họ Doãn tại Việt Nam, Giáo sư Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Nhờ ngôi mộ Tổ họ Doãn đặt vào nơi đất phát nên con cháu về sau học hành thành đạt, có nhiều người làm quan to, có sự nghiệp lớn được sử sách lưu danh”. Họ Doãn tuy không lớn, song lịch sử hình thành lại rất lâu đời. Vị Triệu tổ họ Doãn là Doãn Thực, được Hội đồng họ Doãn Việt Nam xác nhận đã hiện diện từ thời Hùng Vương, mộ táng tại Đồn Hầu, thị trấn Nưa, Triệu Sơn. Ngày mất vị Triệu tổ (19 tháng Ba âm lịch) đã thành ngày giỗ Tổ dòng họ Doãn Việt Nam.

Sự khởi nghiệp họ Doãn không những góp phần khai phá, phát triển quê hương xứ Thanh (thuộc đất Cửu Chân xưa), mà còn góp phần to lớn vào lịch sử phát triển dân tộc. Giáo sư Đinh Xuân Lâm chính xác khi cho rằng, yếu tố địa - văn hóa đã mặc nhiên có giá trị “long mạch” cho sự phát tích dòng họ Doãn, bởi: “Chạ Kẻ Nưa, giáp Cá Na, hương Cổ Na (nay là Cổ Định, Triệu Sơn, Thanh Hóa) vốn là vùng đất tối cổ. Các tên gọi Chạ, Giáp, Hương... nói trên khẳng định sự tụ cư và hình thành rất sớm các cộng đồng cư dân trong lịch sử dựng và giữ nước trên vùng đất cổ này, gợi ý niệm về các đời vua Hùng xa xưa”. (PGS.TS Trần Đức Cường nêu ý kiến cho rằng: Chỉ nên viết là “thời xa xưa”, chứ không nên viết là thời Hùng Vương, bởi thời kỳ ấy là có thực, nhưng rất khó xác định diện mạo xã hội lúc ấy là thế nào, tên gọi các họ đã có chưa? Vì thế Giáo sư Lâm đã viết “vùng đất tối cổ”, “gợi ý niệm về các đời vua Hùng xa xưa”...).

Và địa thế Cổ Định được chọn làm nơi định cư đắc địa, khởi nguồn dòng họ Doãn, với núi Nưa và sông Lãn Giang (sông Lười), là “đặc sản” xứ Thanh cổ. Núi Nưa - dãy cuối cùng phía đông của mạch núi kéo dài từ Tây Hiếu (Nghệ An) qua Như Xuân (Thanh Hóa) - cao gần 500m, là một trong mấy quả núi cao nhất rải rác quanh đồng bằng Thanh Hóa, tạo dựng bức thành phía đông nam của một thung lũng rộng lớn, từ xã Hợp Thành, Hợp Lý đến Thọ Tiến, Thọ Tân, huyện Triệu Sơn. Thung lũng này khép lại ở mạn đông bắc, bằng dãy đồi đất đỏ, thấp tròn như 9 quả trứng khổng lồ, tên chữ “Cửu Noãn Sào” (ổ chín trứng rồng), hiển thị ước muốn người xưa: Con cháu sinh sôi đời đời, tiếp nối truyền thống gia tộc. Chân phía đông núi Nưa là đồng bằng châu thổ màu mỡ, từ thuở dựng nước rất sớm của người Việt đã là tụ điểm dân cư đông đúc.

Cùng những truyền thuyết xưa lưu truyền như Tu Nưa gánh núi dọn đồng, tín ngưỡng cổ thờ vỏ trấu ở Nghè Giáp, sự tồn tại sâu bền thổ ngữ của vài cư dân miền núi..., các cuộc khai quật phát hiện ở núi Nưa và tả ngạn sông Mã các rìu đá, khuyên đeo tai đá đen trắng, gương soi bằng đá mài bóng..., đã hội đủ cơ sở để có thể cho rằng địa danh Kẻ Nưa (Cổ Định ngày nay) có từ thời vua Hùng. Và Kẻ Nưa, với núi cao, sông sâu, rừng thẳm, đã là nơi “địa linh nhân kiệt”, phát tích dòng họ Doãn ở xứ Thanh. Theo truyền thuyết bản địa, trong 10 vị khai sáng Chạ Kẻ Nưa có một vị là Doãn Thực đã có công chọn đúng vùng “đắc địa”, để khai phá, phát triển họ tộc Doãn.

Những truyền thống tốt đẹp

Như bao dòng họ ở dải đất Việt, họ Doãn đã khai phá, phát triển vùng đất tối cổ này bằng nghề nông - nghề làm ruộng căn cơ, đã được cố Giáo sư Trần Quốc Vượng tổng kết thành 3 hằng số văn hóa Việt Nam: Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn. Trong xã hội phong kiến xưa, con cháu nhà nông hiếu học có thể theo đòi thi cử, đỗ đạt, làm quan trong triều.

Truyền thống hiếu học của họ Doãn, vì thế, được khởi phát rất sớm. Trong “Hợp phả họ Doãn” (Liên chi họ Doãn Hà Nội biên soạn năm 1984) đã ghi chép từ thời Lý đến thời Trần, Lê, Mạc, Nguyễn về sau..., việc học giỏi, đỗ đạt cao, thành hiền tài, làm quan, giúp vua điều hành quốc gia, giúp nước nhà cường thịnh, đã tự nhiên trở thành “nghiệp nhà” của họ Doãn.

Trải ngàn năm Bắc thuộc, gia phả họ Doãn bị thất truyền. Đến đời Lý, những nhân vật ưu tú họ Doãn mới được ghi chép tại “Đại Việt sử ký toàn thư”. Cụ Doãn Anh Khái, đời vua Lý Thần Tông làm Lệnh Thư gia, đi sứ Trung Hoa năm 1130. Cụ Doãn Tử Tư, đời vua Lý Anh Tông làm Trung vệ Đại phu, dẫn sứ bộ sang nhà Tống. Cụ Doãn Băng Hải (Doãn Băng Hiến) đỗ Thái học sinh khoa Giáp Thìn (1304), đời vua Trần Anh Tông làm quan Thượng thư bộ Hình, hàm Thiếu Bả; năm Nhâm Tuất 1322, làm Chánh sứ, sang nhà Nguyên giải quyết thành công tranh chấp biên giới. Cụ Doãn Ân Phủ làm quan đời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, được cử đi sứ nhà Nguyên năm 1317. Cụ Doãn Thuấn Thần được vua Trần Dụ Tông cử đi sứ nhà Minh năm 1368. Tiếp nối, cụ Doãn Hoàng Tuấn đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478), quan Thượng thư bộ Lễ; cụ Doãn Mậu Khôi đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), quan Thượng thư kiêm Chưởng Hàn lâm Viện; cụ Doãn Văn Hiệu đỗ Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1541); cụ Doãn Đình Đống đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1571); cụ Doãn Mậu Đàm đỗ Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1586); cụ Doãn Tuấn đỗ Tiến sĩ khoa Bính Dần (1626); cụ Doãn Khuê đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1838)... Nhiều Nho sinh Doãn tộc đã trúng “Tam trường”, đậu hương cống, cử nhân, giám sinh, sinh đồ, tú tài... dưới các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, kế tiếp truyền thống khoa bảng của gia tộc... Doãn tộc còn tự hào có Doãn Khuê, nhà giáo yêu nước thương dân từng giữ chức Đốc học Nam Định, Sơn Tây, Doanh điền sứ kiêm Thương biện Hải Phòng, đã có công lớn trong việc khai hoang, mở mang, phát triển vùng đất rộng lớn nay thuộc xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định). Thời cận - hiện đại, họ Doãn có nhà “Hà Nội học” Doãn Kế Thiện (1891 - 1965); nhà văn hóa Doãn Quốc Sỹ và em ruột là Tiến sĩ, Đại tá, NSND, nhạc sĩ Doãn Nho; đạo diễn Doãn Hoàng Giang (cháu đời thứ 5 của cụ Doãn Uẩn); nhạc sĩ Doãn Quang Khải; Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội...

Cùng truyền thống hiếu học đáng tự hào, Doãn tộc đã xây dựng được truyền thống quân sự hào hùng. Thời giặc Minh xâm lược, cụ Doãn Nỗ theo nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc, được vua Lê Thái Tổ ban Quốc tính, phong Trụ quốc Thượng tướng quân, tước Quang Phục trần. Cụ Doãn Đăng Thức có công dẹp giặc được triều Lê Cảnh Hưng phong Uy vũ Tướng quân. Cũng đời nhà Lê, cụ Doãn Văn Hiệu làm quan Tổng binh, tước Đằng Khê bá; cụ Doãn Hy chức Tả thị lang bộ Binh. Cụ Doãn Uẩn chức Quyền Binh bộ Thượng thư, có công giữ yên bờ cõi Tây Nam, được triều Nguyễn phong An Tây mưu lược Tướng quân...

Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có Trung tướng Doãn Tuế (1917 - 1995), Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Đinh Văn Tuy (1922 - 1990), Tư lệnh kiêm Chính ủy Bộ đội Biên phòng; Thiếu tướng Doãn Sửu, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam... Nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ là người họ Doãn đã đóng góp vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược.

Trong thời hiện đại, dòng họ Doãn được hội đủ điều kiện thuận lành để phát triển truyền thống bản nguyên từ thuở xưa của gia tộc, như câu đối được lưu truyền muôn thuở: “Na Sơn Doãn Thị khai đức nghiệp/ Đồn Hầu phúc địa phát trung lương” (dịch nghĩa: Họ Doãn khi mở đức nghiệp ở Na Sơn/ Đất phúc phát sinh lương tướng ở Đồn Hầu). Trải bao thăng trầm lịch sử, Từ đường họ Doãn Việt Nam đã bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2012, từ sự đóng góp trong gia tộc và người hảo tâm, Từ đường họ Doãn được dựng lại khang trang. Không chỉ có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, dòng tộc họ Doãn ngày nay đã vươn cành tỏa nhánh đến nhiều quốc gia trên thế giới. Dù ở đâu, trong thời điểm lịch sử nào, người họ Doãn cũng hướng về cội nguồn và luôn tâm niệm một triết lý và hoài vọng truyền đời: “Lấy Nhân làm gốc, lấy Nghĩa làm nền, tu chí giữ danh giá dòng họ và luôn làm điều thiện”...

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1002786/mot-dong-ho-van-hien-trong-lich-su-viet-nam