Một dòng chảy mỹ thuật không ngừng nghỉ về con giáp năm 2020

Không chỉ xuất hiện trong các bức tranh dân gian, với sự sáng tạo và tiếp biến, các họa sĩ Việt đã làm giàu thêm các tác phẩm mỹ thuật mang hình ảnh của con giáp năm Canh Tý 2020.

Tác phẩm chuột trên gốm Bát Tràng của họa sĩ Phạm Trần Quân.

Tác phẩm chuột trên gốm Bát Tràng của họa sĩ Phạm Trần Quân.

Từ mỹ thuật cổ

Chuột là loài vật quen thuộc với cuộc sống của người dân Á Đông, tồn tại cùng nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Trên những cánh đồng lúa bạt ngàn, loài chuột cùng với bản tính tinh ranh, nhanh nhẹn và kích thước nhỏ bé mà rất dễ dàng kiếm ăn, lẩn trốn, vì thế chuột luôn tồn tại và liên tục phát triển theo cấp số nhân.

Chính vì vậy, loài chuột mang ý nghĩa cầu mong gia đình sung túc, con đàn cháu đống, gia đình vui vẻ hạnh phúc. Trong phong thủy, chuột mang nhiều ý nghĩa tượng trưng. Theo quan niệm dân gian, nơi nào có chuột tìm đến thì nơi đó sẽ có của ăn của để dồi dào. Vì vậy, đặt tượng chuột trong nhà nhằm cầu mong sự sung túc, thịnh vượng, tài lộc, tiền của dồi dào, làm ăn khá giả gặp nhiều may mắn.

Hơn thế, trong 12 con giáp, con chuột đứng ở vị trí đầu tiên, đứng trên cả chúa tể muôn loài là hổ hay loài vật linh thiêng là rồng. Vì chiếm vị trí quan trọng như vậy trong bảng xếp hạng 12 con giáp và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân nên hình ảnh con chuột đã xuất hiện trong các bức tranh dân gian và trên một số đồ gia dụng. Trong con tàu cổ đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm có gồm nhiều loại gốm thời Lê Sơ do trung tâm sản xuất hàng gốm Chu Đậu (Mỹ Xá, Hải Dương), các nhà khoa học đã tìm thấy chiếc đĩa có đường kính 32,7cm (được xếp loại lớn) vẽ hình một con chuột nhiều râu nằm ẩn mình trong bụi cỏ, phía trên là đám mây cách điệu quả cầu lửa, vành đĩa là dải hoa văn hóa lá nối tiếp nhau, các vòng tròn đồng tâm bao quanh lòng đĩa còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, so với các loài động vật khác, hình ảnh con chuột xuất hiện ít hơn, khiêm tốn hơn trên các đồ vật của người Việt.

Tác phẩm của họa sĩ Tào Linh về chuột.

Nhắc đến hình ảnh con chuột, nhiều người sẽ nhớ ngay đến bức tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống với một đám cưới linh đình, một bức tranh vừa hài hước vừa châm biếm sâu xa. Hài hước ở chỗ, chuột nào lại có chuột đi rước dâu, lấy vợ; nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa con chuột để nó mang dáng dấp con người. Châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghinh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ.

Bức tranh không có chú thích gì nhưng nhìn vào ai cũng nhận thấy thâm ý của nghệ nhân dân gian. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi luôn cảnh giác với loại mèo, kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ là diệt chuột.

Đến những bức tranh đương đại mang hình ảnh về loài chuột

Hình ảnh về chú chuột không chỉ xuất hiện trong mỹ thuật dân gian, trên các đồ vật của người Việt mà ngày nay, thời hiện đại, hình ảnh chú chuột vẫn tiếp tục được các họa sĩ nối dài trên các bức tranh mang màu sắc tươi tắn. Tranh con giáp là một sáng tạo độc đáo của các họa sỹ Việt Nam. Tranh con giáp thực chất là tranh Tết được kế thừa và phát triển từ các dòng tranh dân gian như tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ… nhưng sinh động và đa dạng về hình thức thể hiện. Cũng giống như dòng tranh dân gian, tranh con giáp ban đầu thường được các họa sỹ vẽ trên giấy khổ nhỏ, chất liệu rẻ tiền và mau hỏng như chì, bút sắt, màu nước hay bột màu. Chỉ với vài ba nét vẽ giản lược, hình ảnh con giáp đã hiện ra với vô vàn hình thù, màu sắc, còn phong cách thể hiện cũng đủ cả hiện thực, siêu thực rồi ấn tượng.

Tranh vẽ ra để treo trong nhà hoặc đem tặng bạn bè. Còn cách thưởng thức của người được tặng cũng nhiều kiểu. Người nào cẩn thận, trân trọng nghệ thuật thì lồng khung kính treo trên tường. Người nào xuề xòa thì dán trên tủ, trên cánh cửa… Hết năm lại bóc đi để thay thế một bức tranh con giáp khác. Dòng tranh này bắt đầu phát triển từ những năm 1960 ở Hà Nội. Các họa sỹ Đông Dương là người đã khai mở dòng tranh con giáp ngày Tết với những tên tuổi như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… và được các thế hệ họa sỹ kháng chiến, đổi mới, tiếp nối cho tới ngày nay.

Tác phẩm của họa sĩ Tào Linh.

Tết năm nào là hình ảnh của con vật năm ấy trở thành đề tài cho các họa sĩ thể hiện tài năng. Năm nay cũng không là một ngoại lệ. Nhiều tác phẩm mỹ thuật lấy cảm hứng từ chú chuột nhỏ bé đã được ra mắt đã minh chứng cho sức sống của một dòng tranh đặc sắc của Việt Nam. Không chỉ vẽ tranh, nhóm họa sĩ G39 còn tập hợp nhau tới làng gốm Bát Tràng, các họa sĩ đã tự tay nặn tượng, vẽ trực tiếp trên gốm. Các sản phẩm như bát gốm, đĩa gốm có hình vẽ của các chú chuột nhỏ sẽ được ra mắt người xem tại triển lãm cuối năm. Bên cạnh đó, trên các diễn đàn mỹ thuật, các website mỹ thuật, đồng loạt các họa sĩ đã đăng tải các sáng tác mới nhất lấy cảm hứng từ chú chuột.

Ở những sáng tác ấy, người xem có thể thấy đa dạng phong cách như lập thể, trừu tượng, hiện thực; chất liệu chủ yếu là sơn dầu, acrylic đã được các họa sĩ sử dụng để diễn tả các câu chuyện, các thông điệp mang tính nhân văn và giàu ý nghĩa. Có thể nói, hình ảnh về loài chuột đã được các họa sĩ Việt tiếp biến và làm giàu để trở nên sinh động trong các sáng tác mỹ thuật hiện đại. Đó là một dòng chảy không ngừng nghỉ được bồi đắp bởi thế hệ các họa sĩ Việt Nam.

Hoàng Xuân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-dong-chay-my-thuat-khong-ngung-nghi-ve-con-giap-nam-2020-74386