Một đời nguyện sẻ chia với những hoàn cảnh thiếu may mắn

Ở tuổi 75, bà Maria Nguyễn Thị Gái - giáo dân Giáo xứ Hàm Long (trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) vẫn ngày ngày đi làm thuê, kiếm tiền để... làm từ thiện. Động lực duy nhất của người phụ nữ với nụ cười hiền lành ấy là chia sẻ với những phận đời nghèo khó.

Người con gái đất Hà thành Nguyễn Thị Gái vừa vinh dự được công nhận là một trong những phụ nữ điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô (giai đoạn 2013-2018).

Nụ cười hiền hậu của bà Nguyễn Thị Gái

Nụ cười hiền hậu của bà Nguyễn Thị Gái

Cho đi là còn mãi

Rất dễ để hỏi thăm bà Nguyễn Thị Gái - chủ nhân ngôi nhà nhỏ, đơn sơ trên phố Bùi Ngọc Dương. Tôi tìm đến lúc 16h, cũng là lúc bà vừa kết thúc một ngày làm việc, trở về nhà. Trên khuôn mặt còn lấm tấm mồ hôi là những nếp nhăn của tuổi già, mái đầu bạc trắng, đôi mắt ánh lên nét hiền từ, phúc hậu.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn hiến, trong một gia đình nghèo khó ở phố Hàng Bột, quận Đống Đa, ngay từ nhỏ, bà Gái đã theo cha mẹ đi làm thuê làm mướn, học hỏi nết chịu thương, chịu khó của bậc sinh thành. Ngày ấy, chứng kiến cuộc sống vất vả của phận đời ăn xin, trẻ em lang thang, cô bé Gái đã biết xót xa, thương cảm và suy nghĩ thật già dặn: “Mình may mắn vẫn còn cha mẹ, vẫn có thứ để ăn, quần áo để mặc, còn họ thì không”.

Mẩu bánh mỳ chia đôi cho em gái nhỏ tuổi trong cơn đói khát, chút tiền lẻ dằn trong túi dốc cạn chia sẻ cho những người nghèo, cho cậu bé phải nghỉ học đi chăm mẹ ở bệnh viện... Hành động chớp thoảng và lặng lẽ bao nhiêu năm qua nhưng thật khó đo đếm ân tình trong đó.

Bà Nguyễn Thị Gái tâm sự: “Gia đình tôi theo Công giáo, tôi càng hiểu sâu sắc những giáo lý tốt đời đẹp đạo mà Chúa dạy; làm những việc có ích cho đời, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Tôi luôn đơn giản nghĩ rằng, mình cho đi là còn mãi, không cần nhận lại. Niềm hạnh phúc bình dị hàng ngày đó là nhìn thấy một chút tấm lòng của mình giúp ích cho mọi người, nhân lên nụ cười”.

Cuộc đời bà Gái luôn bận rộn với những chuyến đi. Khi thì gặp những nhà hảo tâm xin gạo giúp đỡ người dân nghèo. Lúc lại đi xin cả quần áo cũ mang về giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng mang tặng trẻ em nghèo ở các tỉnh Lào Cai, Ninh Bình... Cho đến bây giờ, khi cuộc sống gia đình đã ổn định, các con cháu lớn khôn, bà vẫn hàng ngày dậy sớm, chuẩn bị tươm tất việc nhà rồi đi giúp việc rửa bát, nhặt rau, phụ cho một hàng ăn trên phố Đê La Thành. Mỗi ngày làm việc từ sáng đến 15h30, bà được trả công 100.000 đồng. Trừ đi các chi phí, toàn bộ số tiền bà Gái cẩn thận vuốt phẳng, xếp ngay ngắn vào một chiếc túi vải.

Trong chiếc tủ kính cũ kỹ, chiếc túi vải được đặt ở vị trí trân trọng. Đối với bà, chiếc túi ấy quý giá vô cùng, bởi nó chứa đựng tình cảm và cả những giọt mồ hôi lao động bà gom góp gửi cho người nghèo. Dù nhịn ăn, nhịn mặc, bà vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Thấy một cụ già co ro nơi đường phố, bà sẵn sàng dành tặng chiếc khăn mới, rồi tiếp tục nỗ lực tìm cho cụ một mái ấm tạm làm nơi nương tựa. Gặp một người phụ nữ vất vả nuôi con, bà sẵn sàng tặng số trứng gà vừa mua để cho những đứa trẻ có bữa cháo chất lượng...

Bà Nguyễn Thị Gái và các thành viên trong nhóm thiện nguyện trao quà cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn

Tấm gương sáng cho con cháu noi theo

Trong căn nhà giản đơn, đồ đạc đã cũ sờn theo năm tháng là những kỷ niệm bà Gái nâng niu, gìn giữ. Bà không muốn thay những đồ đạc đắt tiền vì lý do đơn giản không muốn phiền hà con cháu và hơn hết là lối sống thanh cao, giản dị, luôn nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình.

“Tôi thấy mọi thứ xung quanh mình như vậy là đủ. Tôi có chăn ấm để đắp, cơm gạo để ăn, con cháu ngoan ngoãn nghe lời. Và hiện tại tôi vẫn còn có thể lao động được. Tôi làm việc kiếm tiền để thấy đời có ý nghĩa và có thể giúp người khác, không phải là gánh nặng cho con cháu. Đối với tôi, làm việc thiện giúp người đã ăn vào máu thịt, như dòng máu chảy vào tim, như cơm ăn hàng ngày”, bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ.

Nói về người hội viên phụ nữ tiêu biểu, bà Phạm Thị Sơn (65 tuổi, cán bộ Hội Phụ nữ phường Bạch Mi) xúc động: “Bà Gái luôn có tấm lòng hướng đến người nghèo khó. Khi nghe tin người dân trong khu dân cư bị ốm đau, cần giúp đỡ, bà lập tức tìm cách hỗ trợ. Đối với bà con hàng xóm, bà luôn nhận được sự kính trọng, biết ơn. Nhiều cụ già sống một mình, bệnh tật, bà Gái thường xuyên đến thăm hỏi, giúp đỡ tắm giặt mà không nề hà. Những việc làm của bà Gái trong nhiều năm qua được người dân, Hội Phụ nữ và chính quyền phường Bạch Mai ghi nhận, cảm phục”.

Không chỉ vậy, bà Gái còn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, học tập. Mấy năm trở lại đây, con gái bà là chị Phạm Thanh Bình (SN 1976) và cháu gái Trần Thanh Huyền (SN 1990) thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ bà vận động các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ hoạt động từ thiện tại các trung tâm chăm sóc người già neo đơn, trẻ em vùng cao… Học thiện tâm của mẹ, chị Bình thường xuyên nấu cháo mang đến bệnh viện Thanh Nhàn để giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. “Từ nhỏ, dù cuộc sống khó khăn, tôi vẫn thấy mẹ nhường cơm, sẻ áo cho người nghèo khổ. Ban đầu tôi băn khoăn lắm, vì nhà mình đâu có khá giả gì. Rồi khi nói chuyện với mẹ, nghe mẹ chỉ về đạo lý làm người, tôi hiểu được cuộc sống này không nên chỉ sống cho bản thân mình. Hạnh phúc của mọi người chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất cho bản thân. Thế là, tôi quyết tâm cùng mẹ đóng góp công sức, vật chất của mình để sẻ chia”, chị Bình tâm sự.

Suốt chặng đường đời cứ âm thầm lặng lẽ, góp công góp sức giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh, tấm lòng của bà Nguyễn Thị Gái như một bông hoa đẹp tỏa hương thơm ngát giữa cuộc đời bình dị. Nói về tấm gương công dân trên địa bàn phường, ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai bày tỏ: “Bà Gái thực sự là gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt của phường Bạch Mai cũng như quận Hai Bà Trưng. Nhiều năm qua, những việc làm tình nghĩa của bà được chính quyền cơ sở ghi nhận, biểu dương; trở thành hạt nhân lan tỏa phong trào thi đua làm việc tốt trên địa bàn phường”.

Bà Gái cẩn thận gom góp từng đồng tiền lẻ cất vào chiếc túi vải từ thiện

“Tôi thấy mọi thứ xung quanh mình như vậy là đủ. Tôi có chăn ấm để đắp, cơm gạo để ăn, con cháu ngoan ngoãn nghe lời. Và hiện tại tôi vẫn còn có thể lao động được. Tôi làm việc kiếm tiền để thấy đời có ý nghĩa và có thể giúp người khác, không phải là gánh nặng cho con cháu. Đối với tôi, làm việc thiện giúp người đã ăn vào máu thịt, như dòng máu chảy vào tim, như cơm ăn hàng ngày”.

Bà Maria Nguyễn Thị Gái (Giáo dân Giáo xứ Hàm Long)

Linh Nhi

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/mot-doi-nguyen-se-chia-voi-nhung-hoan-canh-thieu-may-man/786228.antd