Một đời miệt mài 'xuất nhập khẩu' văn hóa

Hơn 70 năm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa Việt Nam và thế giới, nhà văn hóa Hữu Ngọc được nhiều người cùng thời gọi vui là nhà 'xuất nhập khẩu văn hóa'. Trong suốt cuộc trò chuyện gần 2 giờ đồng hồ, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho chúng tôi hiểu rằng, dù viết về văn hóa Việt Nam hay văn hóa nước ngoài thì tất cả những gì ông làm đều là vì văn hóa Việt Nam, vì đất nước, con người Việt Nam.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc là một người con của Hà Nội. Năm nay, ông tròn 100 tuổi. Cái tuổi dễ khiến người đối diện cảm thấy ngại ngần, muốn hỏi chuyện gì cũng đắn đo, sợ người trả lời phải nhọc tâm, gắng sức. Thế nhưng, ngay từ câu hỏi đầu tiên của chúng tôi, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã xóa tan cảm giác ấy. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn giữ được sự mẫn tiệp hiếm có.

Bằng những chia sẻ vô cùng ngắn gọn, ông giúp chúng tôi hình dung mạch lạc về cuộc đời tròn 1 thế kỷ của mình. Đó không chỉ là tuổi thơ êm đềm của một cậu bé lớn lên trên phố Hàng Gai, Hà Nội, là những tháng năm đi học tú tài trường Bưởi hay những tháng năm đầu tiên gắn bó với công tác của một người làm nghiên cứu văn hóa.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc tại nhà riêng ở Hà Nội.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhớ lại, những năm tháng đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, ông được giao làm Tổng biên tập tờ “Tia lửa”. Đây là tờ báo tiếng Pháp mà đối tượng bạn đọc chính là đội quân lê dương đang ơẩ trung tâm Nam Định. Để công tác tuyên truyền hiệu quả, ông phải hiểu về “bạn đọc” của mình, hiểu về văn hóa của họ và giúp họ hiểu hơn về Việt Nam. Trong đó, văn hóa là phương tiện hiệu quả.

Sau “Tia lửa”, ông tiếp tục được giao nhiệm vụ làm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, Tổng biên tập của 2 tờ báo đối ngoại khác: tờ báo tiếng Anh và tiếng Pháp “Việt Nam tiến bước”, “Nghiên cứu Việt Nam”, từng là chủ tịch quỹ Thụy Điển – Việt Nam, Đan Mạch – Việt Nam.

Khi đã nhận quyết định nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng làm việc. Đến nay, ngoài hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuộc nói chuyện để lại nhiều ấn tượng đặc biệt với người nước ngoài về văn hóa Việt Nam, nhà văn hóa Hữu Ngọc còn là tác giả của 34 đầu sách về văn hóa nhiều quốc gia nổi tiếng thế giới, các nước lân cận, về văn hóa Việt Nam, về văn hóa Hà Nội. Nhắc đến ông, bạn đọc yêu thích văn hóa Việt không thể không nhắc đến “Lãng du trong văn hóa Việt Nam”, “Việt Nam: Truyền thống và đổi mới”, “Hà Nội của tôi”, “Hà Nội, bạn là ai” hay “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội”. Có những cuốn sách là thành quả lao động miệt mài nhiều năm, có những cuốn như “Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội”, ông hoàn thành chỉ trong 3 tháng.

Chia sẻ về điều này, nhà nghiên cứu tuổi bách niên bảo rằng, dù sách được hoàn thành trong thời gian dài hay ngắn thì cũng là thành quả từ rất nhiều năm tháng ông tích lũy kiến thức trước đó. Đấy không chỉ là kiến thức từ sách vở mà còn từ kiến thức thực tế. Vị trí, công việc cho ông có nhiều cơ hội khám phá văn hóa trong và ngoài nước.

Khi nói chuyện hay cầm bút viết, dù là bài báo nhỏ nhất, ông cũng luôn tuân thủ tiêu chí: văn hóa phải được chuyển tải một cách sống động nhất, được xây dựng trên nền tảng chung của kiến thức từ sách vở. Có lẽ, bạn đọc trong và ngoài nước thích sách của ông cũng vì thế. Điển hình là 3 tập sách “Lãng du trong văn hóa Việt”. Với mỗi tập dày trên 1.000 trang, đến nay, sách đã được xuất bản bằng 3 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp. Đây cũng là một trong những cuốn sách văn hóa hiếm hoi từng bán chạy nhất tại Hội sách TP Hồ Chí Minh. Bản tiếng Việt đã tái bản đến 5 lần, vinh dự được trao tặng giải Vàng sách Việt Nam năm 2006. Bản tiếng Anh tái bản 11 lần và bản tiếng Pháp tái bản 6 lần. Cuốn Viet Nam: Tradition and Change (Việt Nam: Truyền thống và đổi mới”) do trường Đại học Ohio (Mỹ) xuất bản và phát hành trên thế giới được Choice – tổ chức giới thiệu những tác phẩm xuất sắc cho hàng trăm thư viện nổi tiếng thế giới ở Mỹ xếp hạng 4 sao.

Với những đóng góp về nghiên cứu, phổ biến văn hóa Việt Nam và thế giới, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã vinh dự nhận được rất nhiều giải thưởng. Chỉ riêng dịp ông 100 tuổi, đã có vài trăm bài báo trong nước và nước ngoài viết về ông. Trước khi chúng tôi ra về, ông tặng lại một số bài viết từ nước ngoài được ông trân trọng sao lại.

Ở đó, có bài viết ghi lại những ấn tượng đặc biệt từ các cuộc nói chuyện về văn hóa của ông với người nước ngoài. Có bài viết giới thiệu sách của ông trên đất Mỹ mà nếu đọc, độc giả sẽ hiểu phần nào sức lan tỏa của “thương hiệu” Hữu Ngọc trên thế giới. Trong đó, chỉ riêng cuốn “Việt Nam: Truyền thống và đổi mới” đã nhận được rất nhiều lời khen tặng. Đây cũng là một trong số không nhiều tác phẩm của Việt Nam được giới thiệu trên tạp chí của Choice.

Bài viết có đoạn: “Sự hiểu biết đa dạng của ông về Việt Nam đã đem đến một tri thức có quy củ về đất nước đi từ thời cổ đại, qua thời thực dân đến thời hiện đại, bao gồm từ múa rối làng quê đến tuồng, những chi tiết về lịch sử văn hóa, ngôn ngữ, địa phương và tiểu sử nhân vật...” - (Choice Reviews, tháng 3-2017).

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/mot-doi-miet-mai-xuat-nhap-khau-van-hoa-513246/