Một đỉnh cao văn hóa

Trân trọng giới thiệu bài tham luận của Phạm Xưởng 'Một đỉnh cao văn hóa' tại Hội thảo 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc' do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 21/12/2018 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1994 - 22/12/2018) và 5 năm ngày mất của Đại tướng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hiệu quả của sự tác động qua lại giữa những con người với nhau có nhiều cấp độ: Quen biết, ấn tượng, nhớ nhung, khó quên… Song, sự giao tiếp mà để lại ảnh hưởng tích cực đến nhân cách của đối tượng tiếp xúc thì thường xảy ra ở những bậc hiền tài, vĩ nhân. Ở Việt Nam thời hiện đại, trong số học trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh có những bậc như thế; và, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tiêu biểu.

Văn hóa đạo đức và tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấm vào quan điểm, chuyển hóa thành nhận thức, tham gia tích cực vào sự hoàn thiện nhân cách của đối tượng tiếp xúc. Đó là biểu hiện của một đỉnh cao văn hóa.

Xin được chứng minh bằng một số (trong những) sự kiện, câu chuyện mà tác giả đã tham gia, chứng kiến.

1.Mười Lời thề danh dự và sự chuyển hóa thành phẩm giá quân nhân

Mười Lời thề danh dự (MLTDD) của quân nhân trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam là một bản hùng văn thấm đượm nét văn hóa đặc sắc Bộ đội Cụ Hồ. Người soạn thảo ra nó là Giáo sư sử học - Anh Cả của QĐND Việt Nam - Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (từ đây trở đi, trong bài này, gọi tắt là Đại Tướng).

MLTDD được đọc lần đầu tiên trong Lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944) với tên gọi "Những quy định của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân". Sau đó, nó được bổ sung, hoàn chỉnh thành MLTDD và ghi vào Điều lệnh quản lý bộ đội. Điều lệnh nội vụ của QĐND Việt Nam quy định đọc MLTDD trong Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới và Lễ chào cờ hằng tuần, hằng tháng ở các đơn vị. Một số chi tiết được thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử. Nhưng nội dung cơ bản của lời tuyên thệ được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Mở đầu là: “Chúng tôi, Quân nhân trong QĐND Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: 1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xin thề"!... Tiếp đó là 9 lời thề còn lại.

Xét trên hai bình diện chính yếu: Văn hóa chính trị và văn hóa đạo đức, MLTDD đều đạt đỉnh cao.

Tập trung trước hết ở chỗ, nó là mười điều tâm nguyện thiêng liêng thể hiện phẩm giá, đạo đức của quân nhân trong QĐND Việt Nam trước Tổ quốc; thể hiện bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam. Đó là sự khẳng định QĐND Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo-vị thế đầy vinh dự và trách nhiệm, không bao giờ phai nhạt về mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống.

Phần lớn nội dung MLTDD là những lời tâm huyết của tự thân người lính đối với những vấn đề căn bản của văn hóa quân nhân - dạng thái đặc biệt của văn hóa làm người. Lời lẽ trong Mười lời thề có ý nghĩa tự giáo dục sâu sắc.

Đó là tâm nguyện phấn đấu đến sự thống nhất giữa tình cảm đẹp (tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản) và ý chí cách mạng. Đó là lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc và Nhân dân. Hết lòng kính trọng và phục vụ nhân dân. Đó là Phục tùng mệnh lệnh cấp trên một cách tuyệt đối, không chỉ bằng mặt, mà bằng cả tấm lòng, tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác bất cứ nhiệm vụ gì được giao; chỉ cần một người chỉ huy là có muôn người như một. Đó còn là tình đồng đội như ruột thịt, lúc thường cũng như lúc ra trận, toàn quân một ý chí. Đó là quyết tâm phấn đấu vươn lên, góp phần xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu…

Những điều nói trên tạo nên sự khác biệt về bản chất giữa Bộ đội Cụ Hồ với người lính thời xưa “Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”, hoặc người lính tư sản, lính đánh thuê vì mục đích lợi nhuận và tham vọng bá quyền.

MLTDD được mọi quân nhân học thuộc lòng từ khi huấn luyện tân binh. Đối với các đơn vị chính quy, MLTDD được các chiến sĩ đọc vào mỗi buổi sáng thứ hai, khi tập hợp làm lễ chào cờ. Tất cả, không phân biệt cấp chức, đứng nghiêm trang dưới Quốc kỳ. Một chiến sĩ bước lên phía trước đọc Mười lời thề. Kết thúc mỗi lời thề, mọi người đồng thanh hô to: “Xin thề!”.

Chúng tôi đã hỏi các chiến sĩ ở một số đơn vị về trạng thái tâm lý khi đọc MLTDD. Hầu như họ đều chung một cảm xúc rằng: “Được tiếp thêm sức mạnh, được thanh lọc tâm hồn mỗi sáng thứ hai đứng dưới cờ cùng đồng đội hô vang từ đáy lòng mình mười lần "Xin thề" thiêng liêng ấy. Âm thanh cuồn cuộn từ lồng ngực, phát ra mạch lạc. Nhìn lá cờ trên cao, cảm thấy như quê hương, đất nước, non sông đang nghe mình đọc... cảm giác lâng lâng, xúc động vô cùng!” - Một sự thấm nhuần, chuyển hóa tư tưởng, tình cảm và phong cách đạt đến tự giác. MLTDD đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt. Đó là sức sống của văn hóa Bộ đội Cụ Hồ - Một kiệt tác văn hóa giáo dục gắn liền với Đại Tướng kính yêu.

2. Nhớ lời Anh Cả - Giữ vững Đường Hồ Chí Minh trên biển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại Tướng ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959. Tháng 5 năm ấy, ông chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu thành lập tiểu đoàn vận tải thủy 603 mang tên “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho Miền Nam. Đến trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua nghị quyết mở đường vận chuyển chiến lược trên biển với phương thức hoạt động cao hơn. Và, chiếc tàu gỗ đầu tiên gọi là “Phương Đông 1” do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy chở 30 tấn vũ khí vào Cà Mau, khởi hành ngày 11/10/1962, đến 20/10 (9 ngày) cập bến Vàm Lũng an toàn. Từ thực tế tàu chở 30 tấn vũ khí đủ trang bị cho 1 tiểu đoàn, chỉ trong 9 ngày với một tiểu đội, bằng 1.500 người gùi cõng trên Đường Trường Sơn trong 5 tháng, Đại Tướng khẳng định Đường biển là con đường duy nhất có thể chi viện cho Đồng bằng sông Cửu Long. Hiển nhiên là phải giữ được bí mật. Ông nói: “Không để một sai sót nhỏ khiến địch nghi ngờ”, “Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một vật chứng làm hỏng việc lớn”. Khi vận chuyển không trót lọt, bị lộ thì phải ngừng ngay để nghiên cứu phương thức hoạt động mới.

Thấm lời Đại Tướng, cán bộ, thủy thủ đoàn Tàu không số đã vượt qua mọi gian nan vất vả để làm tròn nhiệm vụ. Bị địch bao vây thì quyết tâm giữ tàu; nếu rơi vào tình trạng bất khả kháng thì chấp nhận hy sinh, mang theo bí mật quốc gia vào lòng đại dương chứ nhất quyết không để rơi vào tay địch.

Cựu thủy thủ phụ trách hỏa lực Tàu không số-Đại úy Trần Hậu Vệ (người đã trực tiếp tham dự 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam trong những năm từ 1964 đến 1971) kể rằng: “Khi tàu cập bến, cán bộ, thủy thủ mặc dù ở ngay quê hương mình mà vẫn phải giấu mặt. Có đồng chí ra Bắc tập kết, xa quê hương đã gần chục năm, nay về lại mảnh đất chôn rau cắt rốn mà không được lên bờ. Có đồng chí bất ngờ nhìn thấy vợ trong đoàn dân công ra nhận vũ khí, đã lánh mặt (Thủy thủ Tống Thành Lập 20 tuổi, trên Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí cập bến Lộc An (Sông Ray) thuộc tỉnh Bà Rịa đêm 22/12/1964, nhìn thấy người yêu mình ra bốc vũ khí mà phải lẳng lặng xuống khoang tàu, nhìn qua cửa sổ… Trong trường hợp cần thiết, tàu và người chịu sự công phá của thuốc nổ để nát vụn, giữ bí mật tuyệt đối con đường vận chuyển, góp phần bảo vệ sinh mạng của Tổ quốc và Nhân dân.

Trên Tàu không số có hai thứ mà các thủy thủ không được nhìn thấy, thậm chí không bao giờ biết đến sự tồn tại của nó, nếu như chuyến đi nào cũng trót lọt. Đó là “quan tài” và tiền mặt (Tiền mặt nói ở đây là tiền để cán bộ, thủy thủ tàu chi tiêu sinh hoạt khi cần thiết, không đề cập tới tiền “Hàng đặc biệt” được đưa vào Nam cho Quân giải phóng)”..

“Quan tài” là những túi nilon. Trong trường hợp sự cố xảy ra trên biển, có người hi sinh, thi hài được đưa vào túi đó rồi thả xuống nơi gần bờ nhất, đồng thời Chỉ huy tàu liên lạc với cơ sở cách mạng của ta ở vùng đó để tìm đón.

Tiền mặt (chủ yếu là tiền do chính quyền Sài Gòn hồi đó phát hành) được sử dụng theo một kế hoạch chặt chẽ. Trên Tàu không số không có tiêu tiền. Đồ ăn, thức dùng sinh hoạt được bộ phận hậu cần bảo đảm chu đáo theo chỉ lệnh của Chỉ huy Đoàn. Tiền chỉ được sử dụng trong trường hợp cán bộ, thủy thủ rời tàu, lên sống trên đất liền. Khi ấy tiền được chuyển tới cơ sở Quân Giải phóng ở bến, nhờ mua giúp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh…, chờ bốc dỡ vũ khí xong thì ra Bắc.

Nếu tàu bị địch bao vây, bất khả kháng thì chi ủy quyết định cho thủy thủ rời tàu; một đồng chí chỉ huy và máy trưởng ở lại để chiến đấu với địch cho đến lúc buộc phải hủy tàu, kiên quyết không để địch bắt sống tàu. Những người còn sống lên bờ, tìm cách liên lạc với Quân Giải phóng. Nếu không tìm được Quân giải phóng, phải lưu lạc hàng tháng trời, thậm chí tới hơn nửa năm… thì phải mua quần áo, giày dép cho phù hợp với thương gia, hoặc tiều phu, đi nương, làm rẫy…

“Quan tài” và tiền được trên tàu không số do đồng chí Chính trị viên-Bí thư chi bộ tàu trực tiếp nhận từ cấp trên và bảo quản, Chính trị viên hi sinh thì chi ủy giao cho một chi ủy viên khác. Nếu chi ủy viên và cán bộ tàu hi sinh hết thì một thủy thủ giữ. Quá trình chuyển giao được xét theo thứ tự ưu tiên về chức vụ, uy tín, bản lĩnh… của anh em trong tàu.

(Tàu 69 cập bến Cái Bầu (Cà Mau) đêm 23 rạng 24/4/1966 gặp địch giăng đầy tàu chiến ở các cửa, phải chờ gần 9 tháng sau mới nhổ neo… vẫn bảo đảm mọi sinh hoạt bình thường. 13 thủy thủ tàu 41 còn sống sau khi hủy tàu ở bến Đức Phổ (Quảng Ngãi) rạng ngày 27-11-1966 dìu nhau đi về hướng Tây, vẫn duy trì cuộc sống và bốn tháng sau đã vượt hết dãy Trường Sơn để trở lại miền Bắc; 5 thủy thủ còn sống (15 người đã hi sinh, trong đó có thuyền trưởng Phan Vinh) thuộc tàu 235 (hủy đêm 1-3-1968 tại biển Nha Trang) đã vượt núi băng qua đại ngàn Trường Sơn, 6 tháng sau trở lại được miền Bắc… Và nhiều trường hợp khác nữa)

3. “Bài ca Điện Biên” - Kỷ niệm sâu sắc của các nghệ sĩ, chiến sĩ và Nhân dân

Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, từ khoảng giữa tháng 4/1984, Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn vở “Bài ca Điện Biên” (Kịch bản: Tất Đạt, Đạo diễn: Nghệ sĩ Doãn Hoàng Giang-tổng đạo và các nghệ sĩ Dương Viết Bát, Thế Anh, Trọng Khôi, Đoàn Dũng) ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vở diễn dài khoảng 140 phút, huy động tới gần 300 người, diễn suốt hai chục đêm. Chúng tôi - sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội may mắn được Bộ Văn hóa trưng dụng vào các vai dân công đi chiến dịch, bộ đội kéo pháo, có lúc lại là lính Pháp giơ tay hàng… Ai cũng hãnh diện vì được tham gia vở diễn lịch sử này.

Buổi công diễn có Đại Tướng và phu nhân đến xem. Khi Người đi vào nhà hát, tôi nghĩ ngay, đây là cơ hội để mình có thể đứng gần và ngắm Đại Tướng. Thế là, lợi dụng những đoạn mô phỏng dân công tiếp vận ra mặt trận với từng đoàn đi vòng quanh khán phòng rồi tiến lên sân khấu, tôi và anh bạn đi cạnh nhau nghĩ ra sáng kiến, xong phần diễn của mình, cứ y nguyên trang phục biểu diễn (để không bị đồng chí bảo vệ ngăn cản) luổn vào ngồi gần khu vực dành riêng cho Đại Tướng và phu nhân.

Điều thú vị là vở “Bài ca Điện Biên” không có vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp; trong khi đó, Đại Tướng - "linh hồn" của chiến dịch Điện Biên Phủ lại đang ngồi xem các nghệ sĩ diễn "Bài ca Điện Biên". Đúng lúc thể hiện hình tượng chiến dịch toàn thắng, đèn bật sáng trưng nhà hát. Trên sân khấu, nghệ sĩ Đoàn Dũng trong vai Chính ủy mặt trận, đứng nghiêm hướng về phía Đại Tướng, dõng dạc nói: "Báo cáo đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp! Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Cát đã bị quân ta bắt sống, hiện đang ở trước mặt chúng tôi! Vẫn cái mũ nồi đỏ, vẫn cái can trên tay…". Diễn như đời thật.

Dưới khán phòng, Đại Tướng mỉm cười rồi đưa tay vẫy nhẹ. Giây phút ấy, người Chính ủy mặt trận trên sân khấu – Nghệ sĩ Đoàn Dũng lặng người, rưng rưng. Toàn bộ khán giả chật kín các tầng nhà hát cùng với mấy trăm diễn viên vỗ tay vang rền rồi cùng ào tới giơ tay vây quanh Đại Tướng. Chúng tôi đứng gần nhất được Người bắt tay đầu tiên với ánh mắt vô cùng hiền từ, trìu mến và bàn tay mềm ấm áp. Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ trào ra ấm hai gò má. Từ sau đó, kỷ niệm ấy vẫn thường hiển hiện trong chúng tôi, nhắc nhở chúng tôi tu dưỡng, rèn luyện để không hổ danh là quân của bác Giáp, là Bộ đội Cụ Hồ.

Sau vở diễn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang dìu Đại Tướng lên sân khấu chụp ảnh lưu niệm cùng anh em nghệ sĩ. Đại Tướng chúc mừng thành công của vở diễn và cảm ơn các nghệ sĩ đã cho ông trở về với Chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng. Từ thành công vang dội của vở diễn, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã được kết nạp Đảng, vì có những đóng góp xuất sắc.

Đến bây giờ, NSND Đoàn Dũng vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, xúc động khi vừa dứt lời thoại báo cáo với Đại Tướng trong vở kịch "Bài ca Điện Biên". Ông kể rằng, ít năm trước khi Đại Tướng mất, ông từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và được nằm trong danh sách những người vào thăm Đại Tướng. Ông chuẩn bị rất kỹ và định là, khi gặp Đại Tướng, ông sẽ đứng nghiêm, giơ tay chào và dõng dạc hô to: "Báo cáo đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng tôi đã bắt sống tướng Đờ Catxtơri. Vẫn cái mũ nồi đỏ, vẫn cái can trên tay…", ông tin rằng Đại Tướng sẽ bất ngờ và vui lắm. Nhưng không may, dịp ấy Đại Tướng lâm bệnh và chuyến thăm đành phải hủy".

4. Người chiến sĩ dù chết không thay tên quê

Một chiều mùa hè năm 2008, tôi về thăm anh Trần Huy Mộc, nhà ở ngay đầu cầu Quý Cao) xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ - Hải Dương. Anh Mộc, tuổi Kỷ Sửu-1949, nhập ngũ năm 1967. Đầu năm 1968, (trong đoàn quân biệt danh 2013), anh vào mặt trận Quảng-Đà, làm nhiệm vụ tại phòng Hậu cần của mặt trận. Chiều ngày 27/11/1969, anh đang trên đường chuyển quân trang đến đơn vị đã bị địch phục kích, bắt anh đưa lên máy bay trực thăng chuyển về TP Đà Nẵng. Chúng tra khảo anh nhằm khai thác tình hình của ta. Tên sĩ quan Mỹ hùng hổ hỏi Mộc:

- Quê mày ở đâu? Anh Mộc trả lời,: - Tao ở Nguyên Giáp! Thằng Mỹ trợn mắt: - Mày dám lấy tướng Giáp để dọa tao à!

Rồi hắn sai lính đánh Mộc rất dã man. Anh ngất đi. Chúng xối nước lạnh vào mặt anh. Anh tỉnh lại, tên Mỹ túm tóc anh, hằn học:
- Mày còn lấy Võ Nguyên Giáp ra dọa tao thì tao sẽ mổ bụng mày. Quê mày ở đâu?

Anh Mộc nhìn trừng trừng vào tên cướp nước. Tên quê hương anh trùng với tên người Anh Cả của quân đội ta. Chỉ cần anh nói bừa một địa danh khác là quê, chắc rằng tên cướp nước sẽ hả hê vì đã đánh gục được tinh thần của anh và hạ uy tín của Đại Tướng, có thể nó sẽ dừng tra tấn anh. Nhưng không! Anh Mộc nói rành rẽ:

- Quê tao là Nguyên Giáp!

Thằng Mỹ uất tím mặt. Nó lấy con dao nhọn rạch một vệt dài khoảng 17 cm, dọc phía trên rốn của anh Mộc. Không biết có phải những người lính Ngụy có mặt tại đó, vì cảm phục tinh thần yêu nước, bất khuất của Mộc không, mà họ đã đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng. Sau đó, quân địch giam anh ở sân bay Nước Mặn. Tháng 3/1973, địch trao trả anh về với cách mạng. Năm 1975 anh phục viên, thương binh hạng 4/4. Mặc dù chỉ còn ít sức lực, nhất là những cơn đau đầu khi trái gió trở trời, anh Mộc vẫn gắng sức lao động để giúp vợ con ổn định cuộc sống. Nay anh Mộc đã qua đời, mang theo niềm kiêu hãnh: Trước quân thù, dù chết vẫn không thay tên quê mình, cái địa danh gắn với quí danh Đại Tướng.

5. Nhân dân Đức Hòa nhớ Đại Tướng

Sáng ngày 8-10-2013, giữa sân nhà Văn hóa Tổ 20 (trước năm 2003 là thôn Đức Hòa), phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội, bà con đang phơi lúa, dừng tay kể chuyện Đại Tướng về thăm và chúc tết địa phương này ngày 12-2-1999 (Kỷ Mão). Họ kể như là chuyện mới ngày hôm qua vậy, rất là nhiều kỷ niệm…

Vợ chồng ông Nguyễn Quang Huy (con của cụ Hoàng Thị Nhụ-mất năm 2007, em của liệt sĩ Hoàng Ngọc Anh-hi sinh năm 1971 ở mặt trận phía Nam) đưa bức ảnh Đại Tướng hỏi thăm cụ Nhụ lên ban thờ. Ông Huy kể: “Hôm ấy Đại Tướng nói chuyện với cụ Nhụ như người thân trong nhà. Đại Tướng bảo: “Cụ Nhụ sinh năm 1917 thì kém tôi 6 tuổi”. Đại Tướng hỏi: “Gia đình có khó khăn gì cần chính phủ hỗ trợ ?”. Cụ Nhụ trả lời: “Thưa cụ! Chúng tôi khắc phục được ạ! Cám ơn Đảng, Nhà nước và Đại Tướng quan tâm”. Đại Tướng lại nói: “Đảng và nhân dân nợ các gia đình liệt sĩ, biết ơn các gia đình có công với cách mạng, với Tổ quốc”. Đại Tướng nhắc những người chụp ảnh hôm ấy phải gửi ảnh cho gia đình...

Ông Huy nay đã có nhà cao tầng, nhưng vẫn giữ nguyên căn nhà cấp 4 - nơi Đại Tướng hỏi chuyện gia đình năm ấy. Trong nhà trưng rất nhiều ảnh của Đại Tướng. Ông Huy chỉ vào một bức, khoe: “Đứa cháu ngoại của chúng tôi được Đại Tướng bế đây, nay đang học Đại học Y khoa Hà Nội”. Ông Nguyễn Quang Chính, Tổ trưởng tổ 20 cho biết, khi Đại Tướng về thăm, Đức Hòa có 4 hộ nghèo, nay thì 100% hộ gia đình tổ 20 đều khá giả. Vừa rồi tổ có 2 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Ngoại ngữ... Ông nói như là báo công với anh linh Đại Tướng. 6. Lần cuối cùng may quân phục cho Đại Tướng

Ngay tối hôm 4/10/2013, đọc tin “Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần” trên báo mạng, Trung tá Hoàng Sỹ Tâm-Giám đốc Xí nghiệp Đo may quân đội thuộc Công ty cổ phần X20 / TCHC cứ ôm chiếc hộp lưu số đo quân phục của Đại Tướng vào ngực, khóc sướt mướt, rồi nhắc đi nhắc lại: “Thế là con không bao giờ được may quân phục cho Cụ nữa rồi!”...

Nhưng bốn hôm sau, ngày 8/10, Xí nghiệp Đo may quân đội nhận được lệnh may bộ quân phục để Đại Tướng mặc khi Người về cõi vĩnh hằng. Hoàng Sỹ Tâm mở hộp số đo của Đại tướng, vừa khóc vừa đo. Rồi anh lựa vải và trực tiếp đưa những đường kéo mà anh gọi là “đường kéo lịch sử” trong đời thợ may của mình, để mở đầu cho “một công trình lịch sử” - Đó sẽ là bộ quân phục sĩ quan mùa đông, kiểu K08 (kiểu mới nhất của Quân phục Việt Nam) vải màu be sáng. Những người thợ giỏi nhất đã từng may quân phục cho Đại Tướng, gồm các anh chị: Đàm Hải long, Đỗ Duy Văn, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thơm, Chu Thị Chúc, Mai Thị Thanh, Bùi Quang Huy, Lê Văn Chúc đã đứng sẵn sàng ở bên.

Tổ thợ trấn tĩnh nhau: “Dù đau thương, xúc động đến thế nào cũng phải giữ vững mũi chỉ đường kim sao cho đẹp nhất, xứng với phong cách giản dị, nhân văn và vô cùng đức độ, uyên bác của Đại tướng, để cho truyền thống của Xí nghiệp Đo may quân đội này thêm một nét rực vàng”.

Anh Tâm kể: “Tôi có vinh dự và phúc đức lớn. Từ năm 1996, khi tôi còn là nhân viên kỹ thuật đo may cho đến nay, cứ đều đặn mỗi năm một lần vào đầu mùa xuân đất nước, tôi lại được kế bước các đàn anh, trực tiếp đo và tổ chức may quân phục cho Đại Tướng. Riêng năm 2008, chuyển kiểu mẫu quân phục từ K82 sang K08 thì đến mùa thu, chúng tôi tiếp tục đo may cho Đại Tướng bộ kiểu mới, trước kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi lần đo may quân phục cho Đại Tướng là một lần tôi cùng các cộng sự được sưởi ấm trong tình cảm của Người và được lớn thêm lên. Tôi không bao giờ quên những lời hỏi han ân cần của Đại Tướng về tình hình của công ty, về đời sống và hoàn cảnh riêng của từng người; những lời Người dặn dò phải quan tâm đến việc học hành và sự phát triển của trẻ thơ ngay từ trong mỗi gia đình, để các cháu xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ - những người chủ tương lai làm rạng danh đất nước như Bác Hồ hằng mong...”.

Nói đến đấy, anh Tâm bỗng lặng đi, xúc động. Bởi từ năm 2009, bắt đầu thời kỳ Đại Tướng phải nằm dưỡng bệnh, anh Tâm không được lấy số đo trực tiếp trên cơ thể của Đại Tướng nữa mà tiến hành may quân phục cho Người theo số đo lưu giữ tại Xí nghiệp.

Sáng ngày 11/10/2013, đúng theo kế hoạch, Đại tá Dương Quốc Trung, Tổng Giám đốc cùng Ban lãnh đạo Công ty cổ phần X20 đã dâng bộ quân phục cuối cùng cho Đại Tướng. Họ coi bộ quân phục ấy là kết tinh truyền thống và tình cảm 56 năm qua (tính tới thời điểm đó) của Công ty cổ phần X20 đối với Đại Tướng. Còn Trung tá Hoàng Sỹ Tâm và những người thợ trẻ của Xí nghiệp Đo may quân đội thuộc Công ty cổ phần X20 thì coi đó là phúc lộc nghề nghiệp lớn nhất của mình!

7. Người được nhường vào viếng trước

Lúc 15 giờ ngày 7/10/2013, tôi vào tới gần cổng căn nhà của gia đình Đại Tướng thì thấy ở một bàn ghi sổ tang có người đàn ông mặc áo phông đỏ đang khó nhọc di chuyển chiếc ghế ngồi cho vừa tầm viết. Động tác của ông khiến những người xung quanh để ý. Ông ghi lên trang giấy dòng chữ in hoa: ĐẠI TƯỚNG LÒNG DÂN. Dưới đó có những câu: ... Xin Người hãy yên lòng ra đi/ Cháu con đoàn kết, sẽ nghĩ suy/ Chung sức, đồng tâm xây đất nước/ Sánh vai cường quốc, chẳng kém chi.

Viếng Đại Tướng xong, tôi đi ra tới giữa phố Hoàng Diệu, bất ngờ nhìn thấy người đàn ông mặc áo phông đỏ ấy đang lăn xe đi về hướng đường Phan Đình Phùng. Tôi tiếp cận ông và được biết ông là Vũ Đặng Chí, ở nhà số 44/ Ngõ 151B/ Thái Hà, Hà Nội.

Ông Chí kể: “Tôi bị thoái hóa khớp từ lúc trẻ tuổi nên không tự đi đứng được, phải nhờ xe lăn. Tôi tới cổng 30 Hoàng Diệu lúc 14 giờ. Khi ấy rất đông người đi thành hàng vào nhà Đại Tướng. Bỗng có một chàng trai chừng 20 tuổi, mặc đồ tang ra nói với mọi người nhường cho tôi vào trước. Thì ra đó là người cháu của Đại Tướng. Từ lúc đó tôi được các bạn trẻ giúp đỡ tận tình”.

Ngừng một lát, ông xúc động nói tiếp: “Tôi sinh 1950. Hồi còn nhỏ, tôi thường được bố Vũ Quang Bình nhắc câu: Con ra đời đúng vào năm Đại Tướng chỉ huy chiến dịch Biên Giới. Ngày 4/4/1973, bố tôi hy sinh ở Trường Sơn. Lúc đó ông là Đại tá-Chính ủy Sư đoàn 968/ Đoàn 559. Tôi đi viếng Đại Tướng hôm nay là mang theo cả lòng kính trọng của bố tôi, của con trai tôi là Vũ Quang Minh đang học Đại học Kỹ thuật quân sự, chuyên ngành vô tuyến điện ở nước Nga và của cả gia đình tôi đối với Đại Tướng”. … Đoạn kết

Hội thảo về Đại Tướng của chúng ta là việc trọng. Tôi không được phép chiếm dụng thời gian của người khác.
Xin mượn câu đối do Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu viết về Đại Tướng: “Võ công truyền quốc sử / Văn đức quán nhân tâm” làm tựa để kết thúc bài tham luận này! Một trăm linh ba tuổi đời, bảy mươi ba tuổi Đảng (Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng năm 2010), Đại Tướng cả đời đã vì nước vì dân. Tinh thần của Đại Tướng hòa vào tinh thần của muôn triệu người dân Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Hà Nội, 10/10/2018
P - X

Phạm Xưởng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-dinh-cao-van-hoa-66189