Một đêm 'Chuyện tình Khau Vai' nhiều cảm xúc

'Chuyện tình Khau Vai' giống như Romeo và Juliet của phương Tây, một câu chuyện tình độc đáo, lôi cuốn.

Một không gian phảng phất phiên Chợ tình với những đôi trai gái người H’Mong, Giáy, Nùng…tình tự ở miền đất di sản cao nguyên đá Hà Giang như cuốn hút khán giả TP Hồ Chí Minh đến với huyền tích tình yêu qua vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai”, mở đầu chuỗi lưu diễn của sân khấu Cải lương mới Đại Việt.

Xuyên suốt vở diễn là những tạo hình đẹp, phân cảnh lôi cuốn, hấp dẫn.

Xuyên suốt vở diễn là những tạo hình đẹp, phân cảnh lôi cuốn, hấp dẫn.

Từ huyền tích về một bi kịch tình yêu miền cao nguyên đá Hà Giang, vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” là một bản tụng ca về tình yêu bất diệt vượt lên sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội, những hủ tục, những ân oán, những cách biệt địa vị của cuộc đời, là sự khẳng định giá trị vĩnh cửu của tình yêu trong sáng, thuần hậu, lòng chung thủy và đức hy sinh.

Đặc biệt, đây là kịch bản đầu tiên trong số 6 kịch bản sân khấu đã được dàn dựng và công diễn của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Và trong đêm diễn, ông đã trải lòng với khán giả TP Hồ Chí Minh về cơ duyên kịch bản này. Năm 1997, ông lên huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang công tác, đất và người vùng cao nguyên đá Hà Giang cùng những huyền tích tình yêu đã gợi cho ông tứ thơ đầy cảm xúc như một cốt nền cho “Chuyện tình Khau Vai” sau này.

"... Tháng ba, Khâu Vai hò hẹn/ Chợ tình chẳng mua, chẳng bán/ Vẹn nguyên lối cũ, gót xưa/ Vẹn nguyên chín đợi mười chờ/ Vẹn nguyên tình đầu dang dở...". Về sau, ý thơ, câu chữ và cả sự day dứt đã đeo đuổi ông.

Chợ tình này là một nét văn hóa độc đáo của Hà Giang, diễn ra mỗi năm một lần vào ngày 27/3 Âm lịch. Đến phiên chợ là những người yêu nhau vì lý do nào đó không nên duyên chồng vợ, họ gặp nhau để tâm sự về những vui buồn trong cuộc sống.

Từ đó, ý tưởng một tác phẩm truyền hình được phác thảo qua kịch bản này, và sau một thời gian “nuôi dưỡng”, thêm sự "tiếp sức" của một số nghệ sĩ chuyên môn về cải lương như NSƯT Triệu Trung Kiên (Đạo diễn - Nhà hát Cải lương Việt Nam), NSƯT Quang Khải (diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam),... đã giúp ông hoàn thành "Chuyện tình Khâu Vai".

Chuyện tình Khau Vai giống như Romeo và Juliet của phương Tây, một câu chuyện tình hay và độc đáo. Nét độc đáo của “Chuyện tình Khau Vai” còn ở chỗ, nếu nàng Juliet của William Shakespeare chỉ quyên sinh một lần thì nàng Út trong “Chuyện tình Khau Vai” của Nguyễn Thế Kỷ bị hại một lần và phải quyên sinh đến hai lần. “Chúng tôi muốn Chuyện tình Khau Vai tạo nên một nét văn hóa mà người Việt Nam nào cũng biết”- NSƯT- Đạo diễn Triệu Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam mong muốn.

Kịch bản (2 phiên bản: Kịch nói và Kịch thơ) của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ đã làm NSƯT Triệu Trung Kiên thổn thức với câu chuyện tình trong đó, và nhịp đập trái tim soạn giả, người chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt cũng như rung ngân theo câu chuyện tình, rồi tới nhạc sỹ, NSND Trọng Đài cũng bị thu hút bởi mối tình của Nàng Út - Chàng Ba, và nhà thiết kề mỹ thuật Doãn Bằng thì say đắm với những không gian, bối cảnh văn hóa… Tất cả đã thổi hồn vào kịch bản để thành một tác phẩm nghệ thuật để đời nhiều cảm xúc.

Nhân vật chính trong “Chuyện tình Khau Vai” là Chàng Ba dũng mãnh, một chàng trai người Nùng nghèo khó, lép vế và Nàng Út xinh đẹp, con gái của Tộc trưởng người Giáy giầu sang và quyền lực. Từ một ân oán quá khứ, họ rơi vào lời nguyền không giao hảo giữa hai dân tộc Giáy- Nùng.

Áp lực trước hủ tục không cùng sắc tộc và đẳng cấp thì không thể lấy nhau, đôi trai gái cùng nhau bỏ trốn lên đỉnh Khau Vai để được chung sống bên nhau. Tưởng chừng họ sẽ được hạnh phúc, thì một lần nữa, hai tộc người nảy sinh mâu thuẫn dẫn tới xô xát đẫm máu, Chàng Ba và Nàng Út phải nén lòng trở về bản làng báo hiếu mẹ cha, giải tỏa xung đột giữa hai sắc tộc. Họ hẹn nhau ngày này năm sau sẽ tìm lên đỉnh Khau Vai sum họp và chỉ có cái chết mới chia cách được hai người.

Cố Sầu trở thành kẻ bạo tàn, ăn chơi trác táng sau khi đã hãm hại Tộc trưởng để chiếm ngôi và ép Nàng Út làm vợ mình.

Trở về, là một cuộc chia ly, Nàng Út vì gia tộc phài làm vợ người mình không yêu, Chàng Ba cũng phải lấy một người vợ cho đẹp lòng mẹ. Sau đó, Nàng Út biết được sự thật, chính Cố Sầu chồng nàng đã bầy mưu hãm hại Tộc trưởng là cha nàng để được nối ngôi cao, còn Chàng Ba thì đang ấm êm hạnh phúc với vợ hiền và con trẻ sắp chào đời, nàng tìm về với chốn kỷ niệm xưa trên đỉnh núi Khau Vai và không gặp người yêu cũ. Nàng quyết định quyên sinh.

Và Chàng Ba, vẫn nhớ lời hẹn ước, chỉ có điều chàng tìm đến Khau Vai chậm hơn chút. Khi thấy người yêu từ giã cõi đời, chàng toan quyên sinh như lời thề năm trước. Nhưng ông già mù, một nhân vật kì lạ, có tài tiên đoán ở đầu vở kịch xuất hiện, ông nhắc chàng út phải lo cho sinh linh bé bỏng vừa chào đời và người vợ hiền lành, mộc mạc. Chàng buộc phải sống. Và từ đó, hàng năm vào đúng ngày hẹn, Chàng Ba lại lên đỉnh Khau Vai nhớ về lời thề ước năm xưa.

Từ đó, Khau Vai trở thành nơi hò hẹn của những mối tình mà đôi trai gái không được hạnh phúc bên nhau nhưng vẫn nhớ về nhau suốt đời như một sự thủy chung đầy nhân văn, nhân bản.

Vở diễn được dàn dựng công phu, hấp dẫn, đậm chất dân tộc mà vẫn có yếu tố hiện đại phù hợp, đem đến cho khán giả những nét phác thảo về một không gian văn hóa đặc sắc với những phong tục, tập quán gắn liền với đời sống sinh hoạt của các dân tộc miền núi phía Bắc

Sự trở lại sau 5 năm ra mắt lần đầu, “Chuyện tình Khau Vai” đã đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc thú vị. Ngay từ ngoài sảnh Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP Hồ Chí Minh, chỉ vài nhấn nhá, từ cặp đôi trai gái Giáy- Nùng đang tay trong tay, thầm thì trao gửi những yêu thương, đến những góc nhỏ phục dựng không gian miền cao nguyên đá với các vật dụng của người dân tộc, giúp cho khán giả hình dung về một miền núi đá Hà Giang, bối cảnh của “Chuyện tình Khau Vai”.

Và trước khi để khán giả cùng hòa vào “Chuyện tình Khau Vai”, một màn biểu diễn đậm chất rừng núi Tây Bắc, trong nền tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn pí lè, tiếng kèn môi, các cặp đôi trong trang phục dân tộc múa hát, tạo cho không gian khán phòng như đang ở miền cao nguyên đá, đang cùng chuẩn bị dõi theo câu chuyện tình Nàng Út- Chàng Ba.

Trong suốt 2 giờ đồng hồ của vở diễn, một câu chuyện đơn giản nhưng có sức thu hút, lôi cuốn, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán già, không chỉ từ câu chuyện tình mà còn là cách kể chuyện, cách hóa giải tâm trạng và cách hành xử hợp lý của các nhân vật.

Đặc biệt những nghệ sĩ cải lương, không phân biệt “dòng” cải lương Bắc- cải lương Nam khá đồng đều, ngoại hình đẹp, giọng ca nhiều nội lực, diễn xuất truyền cảm, vũ đạo nhuần nhuyễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Trần Hữu Trang như: Quang Khải, Hà Như, Quế Trân, Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Phượng Loan.. đã thật sự chinh phục khán giả có phần “khó tính”- phần lớn khán giả trong đêm khai mạc là các đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu nồi tiếng của TP. Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình sân khấu, các giảng viên trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh, các nghệ sỹ cải lương gạo cội, các nhà báo chuyên viết về sân khấu…

Không biết có phải trước khi dựng vở diễn này, các nghệ sĩ đã được đi thực tế, đắm mình vào không gian Khau Vai ở cao ngyên đá Hà Giang, để thấm cái “chất” Khau Vai, chất “Chợ tình”, men say tình của người dân tộc, nên trong diễn xuất có chiều sâu tâm lý, thể hiện tốt vai diễn của mình với những tính cách đặc trưng của nhân vật, đưa hình tượng nhân vật đến gần hơn với khán giả, làm lay động trái tim khán giả…

Cảnh trí sân khấu cũng góp phần tạo nên cảm xúc. Biểu tượng tình yêu của cao nguyên đá Hà Giang được khắc họa đầy thơ mộng, cảnh núi rừng trùng trùng điệp điệp, những vách đá tai mèo, những cuộn mây xám vương lại đỉnh núi Khâu Vai, rồi sắc hoa mùa xuân, những khung cảnh tưng bừng lễ hội, vài nét nhấn nhá ước lệ đám cưới người Giáy, người Nùng…

Cũng cần nói thêm, âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Đài trong vở diễn. Ca khúc chủ đề của vở diễn (Thơ Nguyễn Thế Kỷ, nhạc Trong Đài cùng giọng ca có chút ma mị của Mai Hoa) cũng tạo nên không khí bàng bạc khá liêu trai của miền rừng cao nguyên đá, và như một xúc tác để khán giả thêm phần cảm xúc với câu chuyện tình.

Một cảnh trong vở cải lương "Chuyện tình Khau Vai".

“Chuyện tình Khau Vai” có nhiều phân cảnh, phân đoạn, tạo hình đẹp. Xuyên suốt vở diễn là câu chuyện buồn về tình yêu đôi lứa nhưng lại không quá bi lụy, là thông điệp của tình yêu về sự đẹp đẽ, thủy chung và cả khát vọng mối tình đầu. “...Đến tìm em cầu mong em hạnh phúc/ Để đưa em về bản xưa rồi đây sẽ khác/ Lũ tham quan độc ác rồi sẽ bị diệt trừ/ Rừng Đồng Văn rồi sẽ bớt âm u/ Dòng Nho Quế lại xanh như áo mẹ...”.

Và đó là một thành công của “Chuyện tình Khau Vai” trên sân khấu Cải lương mới Đại Việt khi ra mắt ở TP Hồ Chí Minh, nơi khán giả có sự đòi hỏi cao trong thưởng thức cải lương./.

CTV Hoài Hương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/mot-dem-cho-tinh-khau-vai-nhieu-cam-xuc-918996.vov