'Một đêm' - câu chuyện khoa học kỹ thuật đậm chất thơ

Trong cuốn sách 'Một đêm', nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận đã quan sát thế giới xa xôi, phân tích các thiên hà, quay trở lại hàng tỷ năm để tìm ra nguồn gốc của vũ trụ.

 Cuốn sách Một đêm của tác giả, nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận nằm trong tủ sách Khoa học - Khám phá của NXB Trẻ. Hàng năm, cứ mỗi sáu tháng, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) lại đưa ra lời mời gọi cộng đồng thiên văn học để thu hút các dự án khoa học tận dụng các kính thiên văn. Dự án của Trịnh Xuân Thuận về các thiên hà lùn xanh đặc được chấp nhận đã giúp ông có cơ hội chiêm ngưỡng bầu trời đêm vô tận. Ảnh: NXB Trẻ.

Cuốn sách Một đêm của tác giả, nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận nằm trong tủ sách Khoa học - Khám phá của NXB Trẻ. Hàng năm, cứ mỗi sáu tháng, NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) lại đưa ra lời mời gọi cộng đồng thiên văn học để thu hút các dự án khoa học tận dụng các kính thiên văn. Dự án của Trịnh Xuân Thuận về các thiên hà lùn xanh đặc được chấp nhận đã giúp ông có cơ hội chiêm ngưỡng bầu trời đêm vô tận. Ảnh: NXB Trẻ.

Cuốn sách Một đêm được viết nên từ những quan sát của ông trên đài thiên văn Mauna Kea ở độ cao 4000 m so với mực nước biển. Hiện nay, Mauna Kea là một trong những nơi cao nhất của thiên văn học đương đại, một trong những nơi giàu có nhất về những khám phá vật lý thiên văn. Gần đỉnh Mauna Kea có một lớp mây dày khoảng 600 m, cô lập bầu trời với không khí ở độ cao thấp, lọc hết độ ẩm hay các chất gây ô nhiễm trong khí quyển, mang đến quang cảnh trời đêm tuyệt đẹp. Ảnh: NXB Trẻ.

Bằng ngôn ngữ riêng của mình, Trịnh Xuân Thuận nhìn vào rất xa để kể lại câu chuyện của ánh sáng, của các hành tinh, của Mặt Trăng và Mặt Trời, các chòm sao và dải Ngân Hà. Ông khéo léo lồng ghép trong đó những cảm nhận rất riêng và liên tưởng đến thơ - ca - nhạc - họa. Ví dụ, khi nhìn ngắm cảnh Mặt Trời lặn, ông nhớ đến nhân vật Hoàng tử bé trong cuốn sách cùng tên của Saint-Exupéry. Vì tiểu hành tinh của cậu sống rất nhỏ bé nên một ngày, cậu có thể ngắm Mặt Trời lặn xuống 43 lần. Ảnh: Thiên Ái.

Chất thơ trong Một đêm dù rất nhiều nhưng vẫn không hề át đi những sự thật về vũ trụ. Trịnh Xuân Thuận vẫn cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức thiên văn từ đơn giản đến phức tạp. Tại sao đêm lại đen? Vật chất tối là gì? Sự luân phiên giữa ngày và đêm trên Trái Đất có diễn ra mãi không? Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ? Tất cả những câu hỏi đó đều được tác giả lần lượt diễn giải và chứng minh. Ảnh: Thiên Ái.

Cuốn sách cũng chứa đựng nhiều thông tin lý thú khiến người đọc không bị nhàm chán hay nản lòng trước vật lý thiên văn. Vào cuối mỗi tháng, khi Mặt Trăng quay trọn một vòng xung quanh Trái Đất, ốc anh vũ tạo ra ba mươi vân. Như vậy, vỏ của nó mang trên mình một loại lịch cho phép chúng ta theo dõi sự tiến triển của chuyển động Mặt Trăng xung quanh Trái Đất. Những chú ốc anh vũ cổ xưa cũng cho biết rằng, trong quá khứ, Mặt Trăng đã quay quanh Trái Đất nhanh hơn bây giờ rất nhiều. Thay vì mất 29,5 ngày như hiện nay, nó chỉ mất 29,1 ngày cách đây 4,5 triệu năm và chỉ mất 17 ngày cách đây 2,8 tỷ năm trước. Ảnh: Thiên Ái.

Vũ trụ bao la chưa bao giờ ngừng khiến con người tò mò. Thiên văn học hiện đại không chỉ giải thích được lịch sử hình thành của vạn vật mà còn giúp con người tìm ra nhiều đột phá mới trong tương lai. Những cuốn sách chủ đề thiên văn học như Một đêm sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về thế giới mình đang sống và số phận của loài người trong vũ trụ. Ảnh: Thiên Ái.

Có thể nói, khoa học, nghệ thuật, thơ ca và cái đẹp đã kết hợp lại để tạo ra cuốn sách Một đêm thích thú cho cả đôi mắt và tâm hồn. Trịnh Xuân Thuận đã mượn rất nhiều ý thơ, văn của Guy de Maupassant, Rainer Maria Rilke, William Shakespesre... cũng như nhiều tác phẩm hội họa của Picasso, Monet, Georgia O'Keeffe và Van Gogh để lồng ghép trong cuốn sách của mình. Trong ảnh là bức Nhẫn vàng của Magriette, minh họa cho sự tĩnh lặng của đêm. Ảnh: Thiên Ái.

Trịnh Xuân Thuận cũng đặc biệt nhắc đến danh họa Van Gogh với các bức tranh nổi tiếng về màn đêm của ông. Trong một bức thư gửi cho chị gái Wilhelmina tháng 9/1888, ông viết: "Hiện tại em rất muốn vẽ một bầu trời đầy sao. Có vẻ như đêm tối thậm chí còn phong phú màu sắc hơn cả ban ngày, nó đầy màu tím, xanh lam và xanh lục. Nếu để ý, chị sẽ thấy một ngôi sao có màu vàng chanh, những ngôi sao khác có màu hồng, xanh lục, màu lam hay lưu ly. Và tất nhiên khỏi cần nhấn mạnh rằng để vẽ một bầu trời đầy sao, chỉ đặt những chấm trắng trên nền xanh đen thôi là hoàn toàn không đủ". Đó chính là cảm hứng để Van Gogh vẽ nên Đêm đầy sao. Trong ảnh là một bức tranh khác của ông mang tên Đêm sao trên sông Rhône. Ảnh: Thiên Ái.

Tác giả Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, ông đồng thời là một nhà văn đã viết nhiều quyển sách có giá trị cao về vũ trụ học và về những suy nghĩ của bản thân trong mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Hiện ông là giáo sư ngành vật lý thiên văn tại đại học Virginia, Hoa Kỳ. Các tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận hầu hết được viết bằng tiếng Pháp và khi dịch ra tiếng Việt được bạn đọc yêu mến như Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Những con đường của ánh sáng, Nguồn gốc, Cái đầy của sự không, Một đêm... Ảnh: Gamma-Rapho.

Thiên Ái

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuon-sach-khoa-hoc-vu-tru-dep-nhu-tho-post1122390.html