Một đề án giáo dục kỳ lạ và 'nguy hiểm'

Việc ông PGS Bùi Hiền quyết tâm 'cải cách' tiếng Việt để hình thành một loại chữ kỳ lạ, rối rắm và hoàn toàn biến dạng chữ viết truyền thống mà các thế hệ trước đây đã học, tôi không cho rằng đây là sáng tạo khoa học đổi mới chữ viết theo quy chuẩn để có thể được chấp nhận.

Thế rồi một số người hùa theo, chứng tỏ mình có đầu óc đổi mới, a dua với xu hướng “nghiên cứu một công trình tầm cỡ”. Từ đó cho thấy trong vụ đổi mới tiếng Việt này không phải chỉ có mình ông Bùi Hiền. Và nếu ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho thử nghiệm vụ chữ Việt kỳ lạ này tôi e rằng chính ông Phùng Xuân Nhạ cũng có vấn đề.

PGS TS Bùi Hiền.

Chữ nghĩa biến dạng vì “công nghệ giáo dục”?

Trước năm 1975, ở Sài Gòn có một người tên Nguiễn Ngu Í đã “sáng tạo” ra loại chữ biến dạng này và thử áp dụng viết lại tên ông ấy, những bài thơ, bài văn của ông Nguiễn Ngu Í viết theo lối “chữ lạ” này người ta cho là ông bị điên và nghe đâu có một thời gian ông Nguiễn Ngu Í đã vào chữa bệnh trong nhà thương điên Biên Hòa.

Không lẽ ông PGS Bùi Hiền, những người a dua theo ông cũng muốn nối gót ông Nguiễn Ngu Í vào đấy để có thời gian “nghiên cứu” thêm cái vụ chữ viết kỳ lạ này. Hay mấy ông, mấy bà muốn cả dân tộc này bị điên? Không, tôi không điên, con cháu tôi không điên, bạn bè tôi không điên, dân tộc này không điên.

Vụ này chưa xong lại tới vụ đánh vần chữ viết học sinh lớp 1 theo “công nghệ giáo dục’’ của một ông GS nữa là ông Hồ Ngọc Đại không chỉ đã dạy trong nhà trường mà in thành bộ sách giáo khoa (GK) Tiếng Việt Lớp 1, tức đã được Bộ GD-ĐT công nhận cho thực nghiệm từ nhiều năm trước, âm thầm thực hiện cho lộ trình thay đổi Tiếng Việt ‘‘kỳ lạ’’ không chỉ đọc mà còn ráp vần rối rắm, vòng vo, tối nghĩa như hủ nút khiến trẻ em đầu cấp 1 học và đọc theo kiểu nhìn hình đoán chữ.

Thế hệ chúng tôi, ở lứa tuổi chúng tôi và nhiều lứa tuổi về sau này vẫn đánh vần chữ Việt theo truyền thống, đơn giản, dễ nhớ, mau thuộc chứ đâu có rối rắm, khó hiểu, quẹo lưỡi và tăm tối như cái cách mà mấy ông vẽ ra để buộc các cháu học sinh lớp 1 đầu óc còn ngây thơ trong sáng nhét vào.

Và rồi thì chúng tôi, những phụ huynh đã học chữ viết, đọc chữ truyền thống a, b, c, d, đ ngày xưa, ráp vần thuộc lòng ô thì đội mũ, ơ thì mang râu, chữ i móc ngược, chữ tờ gạch ngang… sẽ không còn biết cách kèm cặp con cháu mình ra sao. Thế là chúng tôi bị... tái mù chữ ngang xương, chắc phải đi học lại lớp 1 cùng con cháu để hiểu được thứ chữ "Cải cách theo công nghệ giáo dục" này. Vậy là không chỉ chúng tôi, mà nhiều thế hệ người Việt phải đi học lại lớp 1. Đây thực sự là một thảm họa, một đại bi kịch, một tấn trò đời...

Ngày xưa khi chúng tôi vào học lớp 1 đã tắm đẫm trong ca dao, tục ngữ, cách ngôn: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”…

Lớn lên, chúng tôi có những bộ sách GK cho từng năm, từng lớp nhưng nhiều năm sau, nhiều lớp sau vẫn học, đọc lại được vì không thay đổi, không cải cách. Bây giờ cứ cải cách xoành xoạch mỗi năm, cải cách thi cử, cải cách tuyển sinh, cải cách lùng tùng xòe và ngày càng lộn tùng phèo. Bằng chứng là dẫn đến gian lận điểm thi, lo tiền bạc chạy trường điểm, trường chuyên. Mỗi lần cải cách, mỗi mùa thi là cả nước nháo nhào, phụ huynh lo lắng, học sinh hoang mang, xã hội bấn loạn, mất an ninh trật tự trong môi trường văn hóa, giáo dục.

Bộ sách GK Tiếng Việt Lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại.

Phải chăng đã có nhóm lợi ích trong kinh doanh sách GK?

Một nền giáo dục mãi lo cải cách, mãi lo tìm chữ lạ, cách đánh vần lạ để hành học sinh, hành phụ huynh, làm rối tinh xã hội, môi trường sư phạm loạn xà bần là có động cơ gì? Phải chăng là đã có nhóm lợi ích trong kinh doanh sách GK. Họ đã cấu kết nhau từ chiêu bài cải cách Tiếng Việt, đẻ ra mô hình “Công nghệ giáo dục”, âm thầm triển khai thực nghiệm nhiều năm nay ở một số tỉnh, thành. Độc quyền in sách GK bán cho học sinh để hốt bạc. Trong khi đa số người dân còn nghèo, rất nhiều gia đình thường xuyên phải “thẳt lưng buộc bụng” dành tiền cho con mua sách GK, đóng học phí và những khoản phí có tên, không tên khác suốt năm học ở nhà trường. Mỗi năm ngành giáo dục tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ đồng cho việc cải cách sách GK, cải cách thi cử, cải cách tuyển sinh chưa kể đến một khoản ngân sách rất lớn khác mà dân đóng góp bằng thuế để Nhà nước chi cho ngành giáo dục.

Và kết quả của nó ra sao? Thi cử thì rối reng, năm 2018 với đỉnh điểm của sự gian lận điểm thi tốt nghiệp của kỳ thi THPT quốc gia như vừa rồi. Tới mùa tựu trường năm nào cũng thế, phụ huynh bở hơi tai trong việc chạy trường chuyên, lớp chọn cho con mà số tiền bỏ ra lo một suất như vậy không hề nhỏ. Trong khi đó thì đạo đức trong môi trường sư phạm xuống cấp nghiêm trọng gây bức xúc dư luận.

Đó là học sinh đánh học sinh rồi quay clip tung lên mạng xã hội coi như chiến tích, thầy đánh trò, trò đánh thầy, lịch sử mù mờ, tập làm văn ngây ngô… nhưng những trò chơi cộng đồng thì đều hướng đến sự phản cảm, kém văn hóa, thậm chí thô tục. Học sinh nam nữ không còn e thẹn trong sự tiếp xúc, va chạm thân thể trong các trò chơi phản cảm không biết nhằm mục đích gì? Rồi nhan nhản gameshow nhảm nhí, đến gần đây lại diễn ra gameshow “Nụ hôn hẹn hò” với sự trần trụi của sự kích dục, hình ảnh nam nữ ngậm môi nhau, cố nút lưỡi để chứng tỏ nụ hôn ấn tượng, ngọt ngào… để được cô bạn gái lạ hoắc mới gặp lần đầu chọn để cặp bồ, hẹn hò…

Văn hóa do giáo dục mà ra. Văn hóa xuống tận đáy là đồng hành với môi trường giáo dục, cách giáo dục này ngày càng “kỳ lạ” và còn tỏ ra “nguy hiểm”.

Thực hư thế lực phía sau chống lưng cho việc phá hoại ngôn ngữ Việt?

Trước những bức xúc của câu chuyện về giáo dục vừa qua như PGS Bùi Hiền cải cách chữ viết lạ, GS Hồ Ngọc Đại với công trình thực nghiệm Tiếng việt Lớp 1 theo "Công nghệ giáo dục" khiến ngành giáo dục và môi trường giáo dục xáo trộn, tác động xấu đến xã hội, đến sự nghiệp “trồng người” nên thiết nghĩ không chỉ cá nhân tôi, mà mọi người trong xã hội còn một tấm lòng đều cần phải lên tiếng, bảo vệ cái đúng, điều tốt đẹp, đả phá cái sai, điều xấu, ý đồ xấu để xã hội được yên lành, môi trường giáo dục được trong sáng.

Chuyện ông PGS Bùi Hiền thì đã rõ, truyền thông, dư luận nói nhiều, tốn giấy mực nhiều rồi. Vấn đề còn lại là ở những cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ GD-ĐT và ở cấp cao hơn. Riêng GS Hồ Ngọc Đại, một tên tuổi trong ngành giáo dục và công trình nghiên cứu thực nghiệm cải cách đọc, ráp vần và in bộ sách GK Tiếng việt Lớp 1 gây náo loạn trong mỗi gia đình có con em vào lớp 1, học lớp 1. Với cách dạy và học như vậy đã tạo ra khoảng cách quá lớn giữa học sinh và phụ huynh. Bởi phụ huynh không còn biết dạy kèm con em mình ở nhà ra sao khi chúng được dạy từ bộ sách GK của GS Hồ Ngọc Đại và “công trình” cải cách ngôn ngữ “lạ kỳ” của PGS Bùi Hiền?

Nhà văn TỪ KẾ TƯỜNG

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/mot-de-an-giao-duc-ky-la-va-nguy-hiem-d70285.html