Một danh nhân văn võ song toàn

Tiến sĩ Trần Trọng Liêu (1696-1746) là danh nhân văn võ song toàn, người thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Sinh thời, ông học rất giỏi, đỗ Tiến sĩ năm 1733, được ghi danh trên bia ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Năm 2007, lần đầu tiên tôi được thông báo về tên tuổi của ông ghi trên bia số 66, Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Cuộc khảo cứu này được bắt đầu từ mùa xuân 2008. Qua tra cứu, dịch thuật từ bài ký trên bia có nhan đề: “Long Đức nhị niên Quý Sửu Khoa Tiến sĩ đề danh ký”, đến các hồ sơ trong gia phả, tới nay, mọi công việc đã hoàn tất. Căn cứ vào gia phả, dòng họ đã xác định được cả nơi an nghỉ ngàn thu của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu ở chính quê hương Văn Hội và đã xây thành lăng mộ tháng 4-2013.

Theo gia phả ghi lại, thuở nhỏ, Trần Trọng Liêu là học trò cụ Thiên Vũ Thái Bộc, tự Khanh, huyện Thọ Xương, nổi tiếng văn hay, học giỏi, thi đỗ tứ trường-khoa Đinh Dậu (1717). Năm 26 tuổi, ông được làm huấn đạo phủ Phụng Thiên, tham gia giảng bài trong cung vua khi chưa đầy 30 tuổi. Năm 1731, ông thi đỗ tam trường. Năm Quý Sửu (1733) ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ và được ghi danh trên bia số 66 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ông được phong Hàn lâm viện hiệu lý, rồi lần lượt được thăng Hàn lâm viện thị chế, Đốc đồng tỉnh Hưng Hóa, Hiến sát tỉnh Hải Dương, Hiệu thư điện Đông Các.

Trần Trọng Liêu được biết đến như một bậc tướng tài thời Hậu Lê. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh dẹp loạn, nhờ vậy được phong chức Quận công. Tháng Hai năm Nhâm Tuất (1742) ông phụng chiếu Thiên sứ. Năm Ất Sửu (1745) ông nhậm chức Tứ thành quân vụ. Cùng năm ấy ông được phong tước Bá và thăng tới chức Đông Các học sĩ.

Kế tiếp truyền thống hiếu học ấy, hậu duệ của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu luôn giữ vững nền nếp học tập. Nhiều thành viên các đời dòng tộc ở Văn Hội cuối thời phong kiến đỗ đạt, có bằng cấp, nhưng nhiều người đã không nhận chức quan mà về quê dạy học cho con em trong làng mở mang tri thức. Hàng chục tác phẩm văn thơ của các thế hệ sinh sau đã phần nào ghi lại được những dấu ấn về văn hóa, lịch sử cách đây hàng thế kỷ. Điển hình như bài thơ Khai bút Giáp Dần (1854), chắt của Tiến sĩ Trần Trọng Liêu đã nói về lòng nhân đức của ông ở cuối bài rằng: “Tâm vị đạo lớn-giàu nhân đức/ Đạo ở trong tâm- cực chẳng sờn/ Chỉ ước hiếu hiền yên hạ thế/ Mỗi năm vui đón một tân xuân”.

Năm 2019, địa phương đã đặt tên một con đường mang tên Trần Trọng Liêu xuyên qua thôn Văn Hội. Hiện nay, UBND huyện Thường Tín cũng đang xúc tiến đầu tư tôn tạo, trùng tu di tích Tiến sĩ Trần Trọng Liêu để lưu danh, tri ân một bậc danh nhân và góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho nhân dân địa phương.

TRẦN BÁ LẠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-danh-nhan-van-vo-song-toan-648766