'Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng'

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc'. Đây là văn kiện quan trọng về công tác xây dựng Đảng, có tác dụng rèn luyện, giáo dục đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng, của Nhà nước ta. Với văn phong giản dị, dễ hiểu, dẫn chứng cụ thể, sâu sắc, đến hôm nay, tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc' vẫn còn nguyên giá trị, cả về tư tưởng, lý luận và phương châm hành động.

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Kim Nhượng

Cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ảnh: Kim Nhượng

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc chỉ ra và phê phán những sai lầm, khuyết điểm dẫn đến có hại cho sự nghiệp cách mạng, nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng. Người thẳng thắn chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Đảng phải giữ kỷ luật nghiêm minh

Bác Hồ đã không ngừng chăm lo xây dựng Đảng ta thành một Đảng đoàn kết, thống nhất, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong quá trình hoạt động thực tiễn, có một số cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, chắc chắn đảng bộ sẽ mắc sai lầm, khuyết điểm. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng phải giữ kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”.

Theo Bác, vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng lên trước, lợi ích của cá nhân sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”. Những năm gần đây, nhiều cán bộ, đảng viên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng của Đảng, biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, đặt lợi ích cá nhân lên trước, dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Đảng ta đã thực hiện kỷ luật nghiêm minh từ trên xuống dưới, đến nay đã thi hành kỷ luật hàng trăm cán bộ đảng viên. Đặc biệt, đã truy tố trước pháp luật nhiều cán bộ quản lý cấp cao, kể cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng... Chưa có nhiệm kỳ nào, Đảng ta lại “mạnh tay” xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên như thời gian vừa qua.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm, phân tích và tìm ra nguyên nhân nguồn gốc, bản chất của vấn đề. Người dạy: “Từ nay, công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tích thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới. Có như thế thì người mới có tài, tài mới có dụng”.

Suốt quá trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn vận dụng và phân tích, đúc kết từ thực tiễn. Từ đó, đề ra những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, cũng như xây dựng Đảng đạt được những thành tựu to lớn. Thời gian vừa qua, công tác cán bộ ở nhiều nơi có sai phạm, đặc biệt có một bộ phận cán bộ đảng viên chạy chức, chạy quyền. Nếu không chấn chỉnh, sớm muộn gì cũng thành “một Đảng hỏng” như Bác Hồ đã cảnh báo từ lâu. Và để ngăn chặn hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho các hành vi này ở các cơ quan, đơn vị, ngày 23-9-2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là lần đầu tiên, vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được Bộ Chính trị ban hành.

“Trị” các căn bệnh

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ đã chỉ ra hàng loạt “bệnh” của cán bộ, đảng viên thường hay mắc phải: Đó là bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, hẹp hòi, bệnh “hữu danh, vô thực”, bệnh cá nhân... Người dẫn chứng bệnh kéo bè kéo cánh: “Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về bệnh kéo bè kéo cánh cách đây hơn 70 năm, đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Ở đâu đó vẫn còn tình trạng kéo bè kéo cánh và trù dập lẫn nhau, dẫn đến mất dân chủ, vi phạm kỷ luật. Rõ ràng, nếu như cán bộ, đảng viên không nêu gương, không tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm hàng ngày, cho dù Đảng có ban hành trăm nghị quyết, quy định để chấn chỉnh cán bộ, đảng viên và các chi, đảng bộ về lề lối làm việc, tác phong đạo đức thì khó lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Người có ưu điểm thì phải cố gắng thêm và người khác phải cố gắng bắt chước. Mọi người phải tích cực sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp anh em sửa chữa khuyết điểm của họ. Mọi người phải nhớ rằng: Cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành một khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành một ưu điểm to, rất thắng lợi cho Đảng...”.

Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Bác Hồ chỉ cách sửa chữa: “Ngay từ bây giờ, các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người, mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phải như thế, Đảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công. Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng”.

Học hỏi quần chúng

Lịch sử dân tộc ta đã đúc kết hàng ngàn năm qua, dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn gắn bó với quần chúng, mọi thành công đều bắt nguồn từ sáng kiến của quần chúng. Người khẳng định: “Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra”.

Vì vậy, Bác Hồ chỉ cho chúng ta cách làm: “Gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hiện ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển thành ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành”.

Quá trình hoạt động thực tiễn, cũng như trong các bài viết, bài nói chuyện, Bác không hài lòng với số cán bộ, đảng viên quan liêu, ưa mệnh lệnh, hách dịch, tạo nên một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ. Bác Hồ ân cần chỉ ra căn bệnh: “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải thích các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí, khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/mot-dang-ma-giau-giem-khuyet-diem-cua-minh-la-mot-dang-hong/