Một dải biên cương

Mùa hè đã đến với vùng biên cương phía Bắc. Những cánh hoa đào, hoa ban, hoa mận đã trút xuống, thay vào đó là miên man những tán lá xanh mơn mởn. Suốt dọc chiều dài biên giới từ Lạng Sơn qua Cao Bằng, Hà Giang, những thửa ruộng bậc thang long lanh nước. Một vụ gieo trồng mới lại tới.

Dưới chân thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), bà con đang cày những xá cày đầu tiên trên thửa ruộng cha ông màu mỡ. Tại bản Lũng Táo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), người dân đi làm đổi công cho nhau trên những “cánh đồng đá”. Đất ở đây quý hơn bất cứ thứ gì, vì nó nuôi sống con người. Bà con cõng từng gùi đất đổ vào khe đá để tỉa bắp. Người và đá sống bên nhau hàng ngàn đời. Nhưng đây đó, nổi lên trên màu xám lạnh của đá là những vuông ruộng hoa cải nở vàng lộng lẫy đẹp đến nao lòng.

Chiều biên giới yên tĩnh lạ thường. Những dải núi đá im lìm, một làn khói bếp chơi vơi và dưới thung lũng xa xôi kia sương giăng mù đục như mắc màn. Cuộc sống vẫn một dòng chảy bình yên mơ mộng, bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu, sự chia cắt của núi cao vực sâu.

Đường lên Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang).

Ở Lũng Táo (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), người dân cày xới trên những “cánh đồng đá”.

Cuộc sống vất vả nhưng trên gương mặt những người phụ nữ bản Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) vẫn rạng ngời hạnh phúc.

Vụ gieo trồng mới ở khu vực thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).

Hai mẹ con trong vườn cải hoa vàng (bản Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang).

Cánh đồng hoa (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang).

Nam Việt

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phongsuanh/2012/4/286174/