Một cựu chiến binh ở Khánh Hòa xây Khu tưởng niệm Bác Hồ

Hơn 20 năm nay, ông Bùi Xuân Phước, ở xã Phước Đồng, Nha Trang đã dành toàn bộ công sức, tiền bạc để xây dựng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu tưởng niệm này trở thành địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thành đoàn Nha Trang thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước.

Thành đoàn Nha Trang thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình ông Bùi Xuân Phước.

Những ngày nghỉ dịp Lễ Quốc khánh, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, cách trung tâm thành phố Nha Trang gần 7km về phía Tây rất đông người tìm về.

Nhiều đoàn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân địa phương đến đây để dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ và trồng cây lưu niệm. Khu tưởng niệm rợp bóng cây xanh, tượng Bác Hồ đứng trên đài sen trước đền thờ Bác.

Phía trong là bàn thờ Bác. Từng hiện vật trong Khu tưởng niệm này từ ngôi nhà sàn, đến viên gạch, bộ áo, mũ, đôi dép…đến cả bản chụp di chúc, thẻ cử tri của Bác đều được đặt trang trọng trong lồng kính, chú thích rõ ràng. Mọi người đến đây, đều được ông Bùi Xuân Phước đón tiếp, hướng dẫn chu đáo.

Các em thiếu nhi thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Trần Thị Hoa, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang bộc bạch: "Bước vào đó, tự nhiên tư tưởng của mình khác ngay, mình chỉ nghĩ về Bác. Mình thấy được hình ảnh của Bác, người ta lưu giữ, đóng cái khung lại như cái tủ kính. Nhìn xa cảm thấy thấy như hình hài của Bác nằm trong lăng. Thay vì phải đi ra lăng viếng Bác hay về quê Bác, ở đây những ngày Lễ, mình hướng về Bác, nghĩ về Bác, mình vào đấy dâng hương cho Bác cũng rất tiện".

Chủ nhân Khu tưởng niệm là ông Bùi Xuân Phước đã sang tuổi 85. Ông Phước quê tỉnh Quảng Nam, tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, sau đó, tập kết ra Bắc. Cả cuộc đời ông gắn với quân ngũ và bảo tàng.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa trao tặng ông Bùi Xuân Phước bức ảnh Bác Hồ.

Năm 1995, sau khi nghỉ công tác ở Bảo tàng tỉnh Phú Yên, ông vào sống tại tỉnh Khánh Hòa. Tôn kinh Bác Hồ, ông dành nhiều thời gian, công sức lập Khu tưởng niệm Bác Hồ. Ông vận động bạn bè, đồng đội cùng ông tạo nên Khu tưởng niệm ở xã Phước Đồng. Ông không đắn đo khi bán ngôi nhà tại trung tâm thành phố Nha Trang, bán luôn chiếc xe máy và gom góp thêm mới đủ tiền xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ.

Năm 2002, khu đền thờ Bác rộng gần 100m2 được khánh thành. Cứ thế, ông âm thầm xây dựng thêm các hạng mục như Hội trường, sân khấu, phòng đọc sách, cải tạo cảnh quan trong khuôn viên rộng gần 2.000m2. Ông còn lặn lội tìm đến các các đơn vị như Bộ Tư lệnh Bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh… xin sao chụp, phục chế các hiện vật. Đến nay, khu tưởng niệm này đã có hơn 100 tư liệu, hiện vật về Bác Hồ.

Ông Phước chăm lo việc thờ cúng Bác Hồ.

Ông Bùi Xuân Phước tâm sự: "Mình làm để lại đây để nhớ lại quá trình mà Bác Hồ đã gây dựng, truyền tải lại các con cháu mình sau này. Riêng đặc biệt năm nay, do mạng thông tin, cho nên từng gia đình, từ xa đến gần, có cả anh từ Nghệ An vào thắp hương cho Bác rồi đi. Như thế, mình thấy việc mình làm đã lan tỏa ra, đã thấy được bước đầu, cũng mừng. Trong tương lai, người ta sẽ hiểu hơn, biết đến nhiều hơn và sẽ đến đông hơn. Khi mình chết đi mình cũng yên lòng".

Bản chụp di chúc của Bác Hồ được ông Phước nâng niu.

Ông Phước thuyết minh cho khách tham quan về các hiện vật phục chế.

Ông Phước dành tâm huyết, công sức, tiền bạc để xây dựng khu tưởng niệm Bác Hồ.

Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Bùi Xuân Phước luôn mở cửa đón mọi người khắp nơi đến dâng hương, tưởng nhớ Bác Hồ. Ông Phước căn dặn con cháu phải giữ gìn, thường xuyên chăm sóc Khu tưởng niệm này, không được phép sang nhượng cho ai.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa trân trọng ghi nhận và cảm phục tấm lòng của ông Phước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng tôi đánh giá rất cao Bảo tàng này, xem như là một địa chỉ đỏ. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, xây dựng đó là điểm đến của du lịch về truyền thống di tích, cách mạng. Tạo điều kiện để Bảo tàng tư nhân của Cụ Phước ngày càng phong phú hơn. Thông qua việc đến thăm của các đoàn, sưu tầm tiếp tục, gửi tặng tư liệu về cuộc đời hoạt động của Bác"./.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mot-cuu-chien-binh-o-khanh-hoa-xay-khu-tuong-niem-bac-ho-951399.vov