Một cựu chiến binh nhiệt tình với công tác xã hội

Nếu như ai đó thầm khen ông Lương Văn Thuần, khu phố Đông Tiến 2, thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên) là người năng động với công tác xã hội, thì có người lại bảo rằng: 'Có gì đâu, bác ấy vốn là người lính 30/4 đấy!'.

Tuổi thanh niên của ông Thuần sống ở vùng quê Tiên Lãng (Hải Phòng) là những ngày khói lửa chiến tranh, khi hai miền Nam Bắc còn bị chia cắt. Có giấy gọi nhập học của Trường Đại học Giao thông đường thủy (nay là Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) nhưng ông Thuần chích máu viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ông trở thành lính bộ binh Đại đội 13, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 55, Quân khu 7. Ông đã cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975 lịch sử.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thuần còn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam chống bè lũ Pôn Pốt, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Đơn vị ông đóng quân ở xã Bắc Sơn (TP Móng Cái).

Ông Thuần (bên trái) thường quan tâm đến đời sống của các CCB trên địa bàn.

Ông Thuần (bên trái) thường quan tâm đến đời sống của các CCB trên địa bàn.

Sau khi xuất ngũ, ông Thuần không trở về quê cũ mà đã ở lại huyện Tiên Yên cho đến ngày nay. Ông tham gia làm lãnh đạo thị trấn Tiên Yên nhiều năm. Từ năm 2008 đến năm 2015, ông Thuần làm Chủ tịch Hội CCB thị trấn Tiên Yên. Ở cương vị này, ông có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống chế độ cho các CCB trên địa bàn.

Năm 2014, Hội CCB huyện Tiên Yên đã triển khai mô hình “CCB với nếp sống văn minh trong việc tang”. Trước thời điểm đó, ở thị trấn Tiên Yên vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay, các thầy mo, thầy cúng thường “vẽ” ra nhiều nghi thức... gây phiền hà, tốn kém tiền bạc cho tang chủ. Khi Hội CCB huyện đưa ra mô hình “CCB với nếp sống văn minh trong việc tang” vào đời sống, ông Thuần đã chỉ đạo Chi hội CCB khu phố mình thường xuyên tuyên truyền vận động các thầy cúng, thầy kèn và gia đình nhà hiếu lược bớt những thủ tục không cần thiết trong tổ chức tang lễ, thống nhất chi trả cho thầy cúng, thầy kèn theo quy định của địa phương, giúp cho các gia đình nhà hiếu chỉ phải trả cho các đám tang khoảng 40% so với trước. Hội CCB còn vận động hội viên và nhân dân tự nguyện tham gia giúp đỡ các gia đình nhà hiếu dựng rạp, kê bàn ghế, hướng dẫn lễ viếng, đào huyệt... giúp cho tang chủ giảm nhiều chi phí mà còn tăng thêm tình làng nghĩa xóm.

Năm nay, tuy đã 66 tuổi, nhưng ông Thuần vẫn hăng hái với công tác xã hội. Hiện ông là Giám đốc HTX Đoàn Kết, cung cấp thực phẩm thường xuyên cho 26 trường bán trú trên địa bàn huyện. Ông đã đứng ra chịu trách nhiệm vận động các xã viên thực hiện nghiêm túc về vệ sinh an toàn thực phẩm, để có các bữa ăn giàu chất dinh dưỡng, an toàn cho các cháu học sinh.

Là Trưởng khu phố Đông Tiến 2, thị trấn Tiên Yên, ông Thuần (bên phải) luôn tìm hiểu sâu sát đời sống các hộ dân trong khu phố

Ông Thuần còn là Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố Đông Tiến 2, đã hòa giải giúp nhiều gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” nay lại sống vui vẻ đầm ấm. Trên địa bàn khu phố Đông Tiến 2, có Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiên Yên. Đầu năm 2019, thực hiện Kế hoạch số 103/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với một số cơ quan tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ bị thực dân Pháp giết hại trong quá trình giam cầm tại nhà tù Khe Tù (Tiên Yên) để tiến hành cất bốc, khâm liệm, truy điệu và an táng theo phong tục tập quán địa phương. Sau lễ truy điệu, hài cốt các liệt sĩ được lãnh đạo tỉnh, đồng đội và nhân dân huyện Tiên Yên thành kính đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiên Yên.

Thế nhưng trước đó, để quy tập số hài cốt về đây thì Nghĩa trang liệt sĩ cần phải mở rộng liên quan đến phần đất của một hộ dân trên địa bàn. Ông Thuần đã phải nhiều lần đến gia đình hộ dân đó vận động, ban đầu hộ dân từ chỗ kiện cáo, nhưng sau khi được ông Thuần thuyết phục thì chính hộ dân này đã tình nguyện hiến đất để mở rộng nghĩa trang.

Chúng tôi đến thăm ông vào ngày đầu tháng 4. Ông bảo trên người ông nhiều vết thương từ thời chiến tranh vào những ngày trái gió trở trời vẫn còn đau nhức và hiện ông là thương binh 4/4. Thế nhưng, ông Thuần vẫn chưa muốn ngơi nghỉ và cố gắng thực hiện tốt lời dạy của Bác “Người thương binh tàn nhưng không phế”.

Công Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202104/mot-cuu-chien-binh-nhiet-tinh-voi-cong-tac-xa-hoi-2529478/