Một cuộc đời thủy chung sáng tạo nghệ thuật hình ảnh Bác Hồ

Gần 30 năm đắm đuối với những con tem, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn (Hà Nội) được giới mỹ thuật đặt biệt danh là 'Tuấn Tem' hay 'Ông hoàng tranh tem'. Là người đi đầu trong thể loại tranh ghép tem ở Việt Nam, ông Tuấn còn tạo ra những tác phẩm tuyệt đẹp kể lại câu chuyện về Bác Hồ cho bạn bè quốc tế.

Suýt bỏ nghề vì không có việc

Trong căn nhà nhỏ ở ngõ Quỳnh (phố Bạch Mai, TP Hà Nội), giữa hàng trăm nghìn con tem các loại, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn (66 tuổi) đang ngồi ngắm lại bức tranh “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” từ hàng trăm con tem do chính tay ông làm để chào mừng Lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, ông đã ghép được hơn 1.000 bức tranh tem với chủ đề về Bác.

Là người Hà Nội, lớn lên cùng những con phố cổ, ngay từ bé ông Tuấn đã đam mê với đường nét, màu sắc. Thấy ông suốt ngày lăn lê trên sàn nhà với những bức họa, gia đình đã cho cậu bé Tuấn đi học vẽ. Năm 1981, ông Tuấn tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Tuy nhiên, thời buổi khó khăn, ông nhiều lần muốn bỏ nghề vì không kiếm được việc. Trong một dịp may mắn như định mệnh, ông Tuấn được tiếp nhận vào nhóm vẽ tem bưu chính mới thành lập. “Thỏa được đam mê với nghề, nhưng công việc thì không dễ dàng chút nào. Tem bưu chính có kích thước nhỏ, muốn thể hiện rõ và sắc nét hình khối, chủ đề là điều không hề đơn giản. Nếu vẽ tranh khó một thì vẽ tem khó gấp trăm lần. Nó đòi hỏi ở người họa sĩ phải có cả vốn tri thức lẫn khiếu nghệ thuật” - ông Tuấn nhớ lại.

Bén nghề từ đó, ông Tuấn vẽ tem nhiều thể loại và đều gây ấn tượng mạnh với người xem. Đó là những cánh hoa muôn màu đầy sức sống hay hình ảnh cột mốc nơi tuyến đầu Tổ quốc, những hòn đảo nơi biển xanh mênh mông. Ông nhớ lại lần thiết kế tem về danh nhân Alexandre Yersin. Được Công ty Tem tạo điều kiện, ông đã vào Nha Trang tìm gặp các bác sĩ, danh y cao tuổi để phỏng vấn, đến bảo tàng tỉnh để đọc tài liệu, chụp lại ảnh chân dung và bút tích của bác sĩ Yersin. “Thiết kế tem không mất nhiều thời gian, song quá trình tư duy, hình thành ý tưởng, thu thập, tích lũy tư liệu mới tốn công sức. Người họa sĩ phải trăn trở, nhào nặn thông tin đến thật “chín” thì mới có thể sáng tác được. Nhất là đối với tem kỷ niệm đề tài chính trị thường rất khó, phải làm sao tránh được sự trùng lặp, sáo mòn...” - ông Tuấn “tem” chia sẻ.

Ở đề tài chính trị, những bộ tem ghi dấu ấn của ông có thể nhắc đến là: Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1995); 50 năm Báo Nhân dân ra số đầu tiên (11-3-1951/11-3-2001); 400 năm Phú Yên; 80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam… Những bộ tem của ông được đánh giá cao khi tái hiện lịch sử dân tộc một thời hào hùng chỉ trong những ô vuông giấy bé xíu.

Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã ghép tổng cộng gần 1.000 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ

Họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã ghép tổng cộng gần 1.000 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ

Truyền lại câu chuyện về Bác cho thế hệ sau

Đề tài vẽ chân dung các danh nhân, trí thức, lãnh tụ luôn khiến ông Tuấn đam mê nhất. Trong đó phải kể đến các bộ tem: 100 năm ngày sinh Giáo sư Tôn Thất Tùng; 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; hơn 10 mẫu về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Mỗi mẫu tem vẽ Bác của ông đều ngập tràn tình cảm, niềm kính yêu với vị cha già dân tộc. Nổi bật trong những chiếc tem này là khuôn mặt phúc hậu, vầng trán cao giàu trí tuệ, đôi mắt sáng hiền từ, nụ cười rạng rỡ, nhân ái, bình dị nhưng vô cùng thanh cao của Bác Hồ.

Càng vẽ, ông Tuấn càng đam mê. Sau thời gian dài nghiên cứu, tìm hiểu, ông Tuấn nảy ra rất nhiều ý tưởng cho những bộ tem của mình. Đặc biệt, khi thấy những con tem vốn luôn được coi là những tác phẩm nghệ thuật, song số lượng bị lỗi hay không kịp phát hành và dư thừa nhiều, nếu đem hủy thì rất lãng phí, ông Tuấn đã ghép chúng thành bức tranh độc đáo, mới lạ.

Không chỉ vẽ tem về Bác, ông đã ghép tem thành tranh Bác Hồ. Sau khi chọn được tem có màu sắc, chủ đề phù hợp, ông bắt đầu cắt gọt, xếp lớp cho từng chi tiết. Đây là khâu tốn nhiều thời gian và công sức nhất vì độ cắt của con tem phụ thuộc vào tranh to hay nhỏ, màu sắc của tem nguyên liệu. Để hoàn thành một bức tranh tem về Bác Hồ, họa sĩ thường phải sử dụng từ vài trăm đến hàng nghìn con tem và mất từ 10 ngày đến 1 tháng.

“Quá trình ghép tranh tem đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và tập trung cao độ, bởi chỉ một sai sót nhỏ, cũng phải gỡ đi để làm lại. Tranh càng nhỏ thì diện tích cắt càng bé, phải chính xác đến từng milimet. Ngoài ra, ảnh tư liệu về Bác chủ yếu là đen trắng nên khi chuyển thể sang tranh, người họa sĩ phải tinh tế trong khâu phối màu, phải tùy thuộc vào tem đậm hay nhạt để điều chỉnh các khối màu xung quanh” - ông Tuấn tâm sự.

Tính đến nay, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn đã ghép tổng cộng gần 1.000 bức tranh tem về đề tài Bác Hồ. Trong đó, nổi bật là các bức tranh tem: “Hồ Chủ tịch quan sát trận địa”; “Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch”; “Bác Hồ đọc báo”; “Cờ đỏ búa liềm”; “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”; “Chiến thắng Điện Biên”… khiến người xem ấn tượng. Dù chưa từng gặp Bác, nhưng bằng tình cảm với vị lãnh tụ, mỗi bức tranh tem đều được họa sĩ dày công thể hiện vừa có hồn, vừa toát lên phong thái, cốt cách gần gũi, giản dị của Bác.

Bây giờ dù tuổi đã cao, nhưng ông Tuấn “tem” vẫn đam mê với nghề. Khẳng định, còn sức khỏe còn làm tranh tem về Bác, họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn chia sẻ: “Mỗi bức tranh là một câu chuyện về Bác mà tôi muốn truyền lại cho các thế hệ sau. Đó còn là nơi gửi gắm tình cảm chân thành của một người con đất Việt tới vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc để hình ảnh Bác trở nên gần gũi hơn, sống lâu hơn trong trái tim mỗi người dân và bạn bè quốc tế”.

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-cuoc-doi-thuy-chung-sang-tao-nghe-thuat-hinh-anh-bac-ho-post457477.antd