Một cuộc đời cay đắng...

Sự đau lòng thật nhiều cùng sự hối hận thật sâu giống như con sóng ngầm đang dày xéo, quấy nhiễu trong lòng ngực Trần Thị Tân khi cô đối diện với thực tại. Tân đã cố nén xuống mọi cảm xúc thật lâu, thật chặt nhưng rồi cuối cùng vẫn thốt ra câu hỏi ... tại sao cuộc đời cô lại đắng cay đến vậy?

Câu hỏi được thốt ra đầy đau đớn bi ai. Tại sao tạo hóa khéo trêu ngươi, dồn quá nhiều nỗi bất hạnh lên đầu một người như thế? Mọi khổ đau trong quá khứ có thể sẽ ngủ yên nếu như hạnh phúc tìm đến, Trần Thị Tân thì sao? Cuộc đời cô chính là một chuỗi dài tủi nhục.

Trần Thị Tân (SN 1981, trú xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An) mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi. Sự mất mát ở tuổi đầu đời chính là một cú sốc quá lớn mà Tân phải gánh chịu. Không bao lâu sau đó, bố đi bước nữa, cô cảm nhận rất rõ tình yêu thương từ bố dành cho chị em cô vốn ít ỏi nay lại càng “nghèo nàn” hơn. Cảnh “mẹ ghẻ con chồng” cô từng nghe qua từng câu chuyện kể, nay lại ứng ngay với bản thân mình, cuộc sống đầy rẫy những bất hạnh. Cũng chính vì sống trong hoàn cảnh ấy, Tân đã không có được ngày tháng tuổi thơ đúng nghĩa.

Sống khổ sở, chật vật nên mới 14 tuổi Tân đã bắt đầu lăn lộn kiếm sống. Nghe lời một người phụ nữ trong làng rủ đi làm thuê, Tân gật đầu đồng ý, cô không ngờ rằng bước chân rời nhà của cô ngày đó chính là mở đầu cho tấm bi kịch cuộc đời mình. Cô đã bị những đối tượng xấu lừa bán vào nhà chứa ở Trung Quốc. 3 tháng đầu tiên người ta cho cô phục vụ khách, sau đó vì “hạn chế” về nhan sắc nên chủ chứa đưa xuống khu vực bếp làm công việc dọn dẹp, nấu ăn, phục vụ cho khoảng 40 người. Rơi vào hoàn cảnh bi đát, tuổi chưa kịp lớn, tiền không, ngôn ngữ bất đồng lại bị quản lý chặt nên Tân không có cách nào để cứu thân. Cứ vậy, cô phải nhắm mắt chấp nhận sống cảnh lầm lũi nơi đất khách quê người suốt 10 năm ròng rã.

Khi con người dần lớn, cũng trải qua sự tôi luyện của hiện thực thì bản chất “nhân chi sơ, tính bổn thiện” cũng sẽ vì thế mà có nhiều thay đổi khác xa màu sắc nguyên thủy. Cho nên, người thật sự thiện lương không phải ai cũng được đáp đền. Thế giới này là vậy, luôn có những nghịch lý, biến thiên. Cũng giống như Tân, cô vốn khổ lại càng thêm khổ, nghèo lại càng cùng kiệt nghèo. Cô càng vùng vẫy, muốn thoát khỏi nhà chứa bao nhiều thì lại càng bị bọn người xấu trói chặt bấy nhiêu. Tân đã sống những ngày đầy đau đớn, tủi nhục, ngày không có chút bình yên, đêm không có một giấc ngủ trọn vẹn.

Trần Thị Tân bật khóc giữa phiên tòa (ảnh: IT)

Trần Thị Tân bật khóc giữa phiên tòa (ảnh: IT)

Hè năm 2004 đối với Tân mà nói là một sự hồi sinh. Thương cảm với cuộc sống của Tân, một đôi vợ chồng già, không có con cái đã bỏ tiền chuộc cô khỏi “động quỷ” đó. Cảm kích tấm lòng của họ, Tân đã nhận hai người này làm cha mẹ nuôi của mình. Cũng từ ngày đó, Tân xem và đối xử đôi vợ chồng đó như là bố mẹ ruột của cô. Hàng ngày, Tân chạy chợ buôn bán hoa quả, phụ mẹ nuôi chăm sóc bố những ngày ông bị tai biến. Có được tình thương, tình thân cô dần quên đi quá khứ đau thương, quên đi những tháng ngày tủi nhục trong nhà chứa. Cô bằng lòng gạt qua tất cả để cho mình có một cuộc sống mới, cũng là để bù đắp, để đền đáp tấm chân tình với những người đã cho cô cuộc sống như hiện tại.

Nhờ vào sự kết nối của bố mẹ nuôi, sau 10 năm lưu lạc cuối cùng Tân cũng đã được trở về nơi mình sinh ra, gặp lại bố mẹ và em trai. Tuy nhiên, cũng vì áp lực cuộc sống, vì cơm áo gạo tiền và nhiều vấn đề khác trong cuộc sống khiến Tân quyết định một lần nữa sang Trung Quốc làm ăn, sinh sống. Lần quay trở lại Trung Quốc, Tân chọn công việc gánh đồ cho các thương lái qua cửa khẩu. Công việc nặng nhọc nhưng Tân luôn cố gắng vì muốn kiếm tiền phụ giúp người bố ở quê luôn ốm đau. Cũng trong thời gian cô quay lại Trung Quốc, bố nuôi qua đời do tuổi cao. Đáng nói, trước khi nhắm mắt, ông đã yêu thương tặng Tân một căn hộ chung cư để cô có thứ gọi là “của riêng”. Tình yêu thương đã khiến những người vốn xa lạ gắn kết lại với nhau, thực đáng trân quý. Đáng lẽ ra, Tân phải biết quý trọng cuộc sống bình lặng sau nhiều giông bão đó, nhưng Tân đã không làm...

Tân trở thành bị cáo trong vụ án “Cướp tài sản”. Câu chuyện ngày hôm nay Tân trở thành bị cáo cũng trớ trêu không khác gì cuộc đời của cô trước đó. Vốn quen với người đàn ông Trung Quốc tên Đàm Triệu Nông (SN 1962, trú tỉnh Quý Châu) và người này nhờ dẫn sang Việt Nam mua trâu, bò, gỗ đem về nước kiếm lời, Tân đồng ý. Trước khi sang Việt Nam, Nông rủ thêm người đồng hương là Hà Mỹ Cường cùng đi.

Ngày 25/9/2019, nhóm 3 người này vượt biên trái phép sang Việt Nam. Không lâu sau, thì Tân nhận được điện thoại của người em họ con cậu Nguyễn Đăng Hào (SN 1991, trú xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, sinh sống ở Bình Dương) gọi điện thoại hỏi vay tiền vì chơi cá độ thua sạch. Biết em hư hỏng, chơi lô đề nên Tân từ chối không cho vay. Nhưng khi biết Tân đang dẫn 2 người Trung Quốc về nước đi mua trâu, bò, Hào đề nghị: “Chị lấy tiền của họ được không”. Tân từ chối thì Hào bảo “mọi chuyện cứ để em lo” và yêu cầu Tân cung cấp đặc điểm nhận dạng của 2 người ngoại quốc. Tân không ngăn chặn ý định cướp tài sản của em họ mà chỉ dặn “ra tay nhẹ thôi”.

Sau đó, Hào chỉ đạo Nguyễn Thịnh Thi (SN 1991, trú xã Ngọc Sơn, sinh sống ở Hà Nội) đón lõng 2 người Trung Quốc tại khu vực gần UBND xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương để cướp tiền. 2h sáng 27/9, khi Tân và 2 người Trung Quốc vừa bước xuống xe khách thì bất ngờ bị đối tượng lạ lao vào đập đầu, xịt hơi cay vào mặt, cướp 57.000 nhân dân tệ (tương đương 182 triệu đồng). Hôm sau, Tân được Hào và Thi chia 10 triệu đồng. Ngày 27/9/2019, Tân dẫn 2 người đàn ông Trung Quốc đến trình báo tại Ban công an xã Ngọc Sơn về việc bị cướp tài sản. Vào cuộc điều tra, công an xác minh kẻ gây ra vụ cướp là Nguyễn Thịnh Thi, cũng đồng thời xác định Tân không phải là người có công giúp 2 người ngoại quốc kia báo án mà chính là đồng phạm trong vụ cướp này. Sau khi vụ việc vỡ lỡ, Hào cùng Thi bỏ trốn, Tân chịu án phạt 5 năm tù về tội “Cướp tài sản”.

Chỉ vì lời rủ rê của người em họ mà Tân đã phải trả giá đắt. Thực sự bây giờ Tân vô cùng hối hận, một người cha già ốm đau cần chăm sóc, một người mẹ nuôi ở Trung Quốc cô cần phải báo ân, một đứa cháu ruột gọi Tân bằng cô (con của em trai) bơ vơ vì em trai cô đang thi hành bản án chung thân do liên quan đến ma túy... Bấy nhiêu thứ khiến lòng cô tan nát. Tân từng nghĩ cuộc đời đã lật trang thì sẽ cố không lật lại những trang vốn cũ... nhưng hôm nay thì sao, phàm là khi đau khổ, khi bế tắc thì vết thương ta không muốn chạm tới cũng bị khơi lên, bị khoét sâu thêm một lần nữa.

Bi thương vẫn hoàn bi thương, rõ ràng là Tân đã có cơ hội để làm người tử tế, sống một cuộc đời tử tế... Giá như, sau khi vết thương cuộc đời Tân được chữa lành bởi những con người thiện lương nơi xứ người, Tân sống cẩn trọng hơn. Giá như tất cả niềm tin trong cuộc sống được Tân đặt đúng người, đúng chỗ... Tiếc thay, đó cũng chỉ là... giá như. Thiên đường và địa ngục cách nhau có xa lắm không, kỳ thực chỉ là một cái xoay đầu, cũng như tốt- xấu chỉ tựa cái trở bàn tay...

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/mot-cuoc-doi-cay-dang-56435.html