Một cuộc chiến thương mại tồi tệ nhất – Lịch sử có lặp lại?

Khi Mỹ - Trung đang 'ăn miếng trả miếng' trên mặt trận thương mại, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo rằng, 'Tổng thống Trump đã đẩy căng thẳng lên thành một cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế'. Có đúng như vậy?

Đúng, đó là một cuộc chiến thương mại thực sự, nhưng nó chưa phải là cuộc đấu đá về thương mại lớn nhất từ trước tới nay.

Theo Giáo sư kinh tế Douglas Irwin của Đại học Dartmouth và Gs. Chad Bown thành viên cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, trên thực tế, kỷ lục đó vẫn thuộc về người Mỹ, nhưng đã được họ tiến hành từ những năm 1930. Mặc dù vậy, họ vẫn lưu ý rằng, trong lịch sử, vào khoảng thế kỷ 18, 19 có thể đã xảy ra những cuộc xung đột lớn về thương mại, xứng đáng hơn với tên gọi “cuộc chiến thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử“, khi đó các quốc gia chiếm giữ các tàu của nhau, thậm chí là chặn đường vào cảng của các con tàu thương mại.

Mỹ sẵn sàng leo thang, Trung không ngại trả đũa. (Nguồn: Dailyreckoning)

Chỉ là cách nói quá của Bắc Kinh

Gs. Douglas Irwin tác giả của cuốn sách đình đám “Tranh chấp thương mại: Lịch sử chính sách thương mại Mỹ“ cho rằng, đây chỉ là một cách nói cường điệu của Bắc Kinh. Trong thời kỳ Đại suy thoái, thương mại thế giới đã từng giảm 25%, khoảng một nửa trong số đó là do các rào cản thương mại. “Trên thực tế hiện nay, chúng tôi đã không thấy bất kỳ sự giảm sút lớn nào trong thương mại thế giới theo cách mà chúng ta đã thấy trong quá khứ.” Gs. Irwin đánh giá.

Vào tháng 6/1930, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã ký Đạo luật mang tên Smoot-Hawley. Theo Luật này, ngay lập tức tăng thuế đối với hàng trăm sản phẩm, đưa mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ lên trên 45%. Mức thuế ngất ngưởng này áp dụng cho hàng hóa đến từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, đã khiến giá cả của nhiều mặt hàng, kể cả những loại hàng hóa phổ biến như trứng, đường và hành tây đồng loạt “leo thang”.

Và tất nhiên, nhiều quốc gia, trong đó bao gồm, Canada và nhiều nước châu Âu, đã không hẹn mà cùng ra tay trả đũa thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ. Kết quả là, thương mại trên toàn thế giới bị thu hẹp đáng kể. Từ đó, người ta đều cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ đã làm cho cuộc Đại khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn bat giờ.

Không ai muốn lặp lại Smoot-Hawley. Bởi nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nghiêm trọng đối với những nền kinh tế có liên quan, mà vô tình nó đã mang lại lợi ích cho các nước đứng ngoài cuộc như Nga (Liên Xô cũ), khi các quốc gia từ chối mua hàng Mỹ và chuyển sang mua hàng hóa của Nga và các nơi khác.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo Tổng thống Trump không nên tiến xa hơn nữa, vì ông có nguy cơ lặp lại những hậu quả tiêu cực này cho nền kinh tế Mỹ, nhưng họ đều đồng ý rằng, tình hình hiện tại còn lâu mới giống những năm 1930.

Thương mại toàn cầu hiện vẫn đang phát triển đều đặn, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khẳng định, tình hình hiện tại hoàn toàn không giống với thời kỳ suy thoái, khi đó thương mại toàn cầu đã giảm một phần tư về khối lượng và 40% về giá trị.

Để làm rõ điều này, Gs. Douglas Irwin đã chỉ ra bốn số liệu chủ chốt đủ để đánh giá cụ thể về quy mô và mức độ nghiêm trọng của những quyết định ăn miếng trả miếng. Theo đó, xét trên cả bốn yếu tố này, thì cuộc chiến thương mại hiện tại còn lâu mới đạt kỷ lục “Cuộc chiến thương mại tồi tệ nhất.”

Mỹ - một mình một hướng

Đạo luật Smoot-Hawley đánh thuế cao trên gần 900 sản phẩm, nhập khẩu từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, mức thuế mới của Tổng thống Trump không phải áp dụng trên toàn cầu. Cho đến nay, ông đã áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm từ hầu hết các quốc gia, nhưng mức thuế đối với hàng trăm mặt hàng thì chỉ áp dụng riêng đối với Trung Quốc.

Ở những nơi khác ngoài Mỹ, các quốc gia đều đang đẩy mạnh tự do thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại với nhau. (Nguồn: AP)

Yếu tố này khá quan trọng, bởi vì khi thuế quan được áp dụng cho tất cả các quốc gia, người mua hàng sẽ không có cơ hội để chuyển đổi mua hàng từ một quốc gia này sang quốc gia khác. Hiện tại, nếu một nhà máy hoặc cửa hàng ở Mỹ không thể mua sản phẩm từ Trung Quốc, họ có thể chuyển sang mua hàng Campuchia, Việt Nam hoặc ở bất cứ nơi nào khác.

GS. Irwin cũng chỉ ra rằng, vào năm 1931 và 1932, các nước đã áp đặt thuế quan không chỉ đối với hàng hóa Mỹ, mà còn với sản phẩm của các đối tác khác nữa, căng thẳng thương mại cứ thế leo thang. May mắn, điều đó đã không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Thực tế hiện nay, ở những nơi khác ngoài Mỹ là một kịch bản đối lập, các quốc gia đều đang đẩy mạnh tự do thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại với nhau.

4% không là gì so với 30%

Như Irwin đã ghi lại trong cuốn sách “Chủ nghĩa bảo hộ: Smoot-Hawley và cuộc Đại khủng hoảng”, Mỹ đã tăng thuế quan đối với một phần ba tổng số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ năm 1930. Con số đó lớn hơn nhiều so với những gì ông Trump “ra tay” cho đến nay. Theo ghi nhận của tờ Washington Post, cho đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Mỹ đã áp đặt chính sách thuế cao lên ít hơn 4% tổng nhập khẩu, bao gồm tấm pin mặt trời, máy giặt, thép, nhôm và 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ông Trump cũng đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế quan mới đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD khác. Nếu điều đó thành sự thật, tức là khoảng 12% hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Và nếu ông Trump tiếp tục “chiến dich thuế” đối với ô tô, xe tải và phụ tùng ô tô, thì tổng số hàng hóa trong diện bị áp thuế mới tăng lên khoảng 27% - gần hơn với mức của Đạo luật Smoot-Hawley.

Thật thú vị, vào năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng từng áp đặt mức thuế 10% lên hơn một nửa (52%) tổng số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, tuy nhiên, mức thuế này chỉ kéo dài được bốn tháng.

Thuế 50% - nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ

Tất nhiên, mức thuế càng cao, tác động kinh tế càng cao. Cho đến nay, chính sách thuế chủ yếu mà Tổng thống Trump đã thực thi là 25% đánh vào thép và 10% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Theo WTO, đây là những mức thuế khá cao so với trước, bởi mức thuế trung bình của Mỹ chỉ dưới 4%. Nhưng tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn nhiều so với những năm 1930, khi Đạo luật Smoot-Hawley đã tăng mức thuế trung bình từ 38% lên trên 45%, theo Irwin.

Đây là một cuộc tranh chấp thương mại không ít phần nguy hiểm, tuy nhiên, nó mới chỉ bắt đầu. (Nguồn: Marketwatch)

Hầu hết các nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp đều xem xét vấn đề dựa trên tổ hợp cả hai yếu tố thuế suất và phần tram số lượng hàng hóa bị áp thuế. Trong những năm 1930, thuế suất đã được nâng lên gần 50% và được áp dụng cho một phần ba hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Hiện tại, thuế quan của ông Trump cao nhất mới chỉ là 25% và áp dụng cho dưới 4% lượng hàng hóa nhập khẩu.

Căng thẳng chỉ mới vừa bắt đầu

Các mức thuế ngất ngưởng của Đạo luật Smoot-Hawley những năm 1930 đã diễn ra trong nhiều năm liền. Còn quyết sách của Tổng thống Trump mới được đưa trong một vài tháng gần đây, thậm chí chỉ một vài ngày qua đối với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế thứ hai thế giới.

Trump thực sự bắt đầu gây sốc cho thế giới với mức thuế của ông đối với thép và nhôm vào đầu tháng Ba, có nghĩa là ông ta sẽ mất bốn tháng để chiến đấu thuế quan. Ngược lại, Đạo luật Smoot-Hawley đã có hiệu lực vào tháng 6/1930 và tồn tại kéo dài trong suốt bốn năm, trước khi bị bãi bỏ vào năm 1934 - sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt đắc cử với lời hứa giảm thuế quan cho hàng hóa nhập khẩu.

"Đây là một cuộc tranh chấp thương mại không ít phần nguy hiểm. Nhưng dẫu sao vẫn có một sự khác biệt rất lớn, khi căng thẳng chỉ xảy ra đối với một quốc gia, so với việc tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều bị lôi vào cuộc chiến đáng sợ này." Gs. Douglas Irwin kết luận.

Minh Anh

(theo Washingtonpost)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/mot-cuoc-chien-thuong-mai-toi-te-nhat-lich-su-co-lap-lai-74299.html