Một cuộc chiến bị lãng quên

Trong khi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra gay gắt, thì những nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã lên tiếng về 'một cuộc chiến bị lãng quên'. Đó là cuộc chiến bảo vệ trái đất khi mà tác động xấu đến từ biến đổi khí hậu (BĐKH) không những không được ngăn chặn mà còn ngày thêm gay gắt. Đáng chú ý, trong những ý kiến cảnh báo đó, có 'tâm thư' của tỉ phú Bill Gates với nội dung chính: Tại sao thế giới không chống BĐKH như chống Covid-19?

Biến đổi khí hậu được mô tả ngày càng khốc liệt.

Biến đổi khí hậu được mô tả ngày càng khốc liệt.

Tỉ phú, nhà từ thiện, người sáng lập Microsoft Bill Gates đã xuất bản một cuốn sách mới nhất của ông với tựa đề “Làm thế nào để tránh một thảm họa khí hậu”.

Không chỉ giàu có, được coi là người sở hữu bộ óc vĩ đại, Bill Gates còn nổi tiếng với các dự đoán về tương lai, như một đại dịch toàn cầu Covid-19 đã được ông nhìn thấy từ 6 năm trước. Trong một bài thuyết trình tại TED Talk năm 2015, Gates đã kêu gọi các quốc gia hợp tác với nhau để chuẩn bị cho một đại dịch có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Tới thời điểm này, khi dịch Covid -19 đang trên đà được kiểm soát, vị tỉ phú đã chuyển sang một mối quan tâm mới. Ông cho rằng thế giới nên chuẩn bị cho một thảm họa khí hậu có thể xảy ra, mà tốt nhất là chúng ta hãy cùng hợp tác để tìm cách ngăn chặn nó.

Dưới đây là một số đoạn trích từ cuốn sách “làm thế nào để tránh một thảm họa khí hậu” của tỉ phú Bill Gates.

Tỉ phú Bill Gates.

“Tâm thư” của tỉ phú Bill Gates

“Tính đến tháng 2 năm 2021, Covid-19 đã cướp đi mạng sống của hơn 2,2 triệu người trên thế giới. Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta làm việc, cách chúng ta sống và cách chúng ta giao tiếp trong xã hội. Nhưng đồng thời, 2020 cũng là một năm mang tính bản lề giúp chúng ta có những hy vọng mới trong vấn đề biến đổi khí hậu... Năm 2021, Liên hợp quốc sẽ nhóm họp lại tại Scotland trong khuôn khổ một hội nghị thượng đỉnh lớn khác về biến đổi khí hậu. Tất nhiên, không có một điều nào có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được một tiến bộ nào đó trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng cơ hội vẫn được mở ra từ đó”.

Bill Gates viết tiếp: Tôi định sẽ dành nhiều thời gian của mình trong năm 2021 để nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới về cả hai vấn đề biến đổi khí hậu và Covid-19. Tôi sẽ nêu rõ với họ rằng nhiều bài học từ đại dịch cũng có thể áp dụng cho vấn đề BĐKH. Giả dụ như các giá trị và nguyên tắc đã hướng dẫn chúng ta tiếp cận với đại dịch.

Đầu tiên, chúng ta cần hợp tác quốc tế. Cụm từ “chúng ta phải làm việc cùng nhau” rất dễ bị coi là sáo rỗng, nhưng đó là sự thật. Khi các chính phủ, các nhà nghiên cứu và các công ty dược phẩm hợp tác cùng nhau trong đại dịch Covid-19, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể, trong đó có việc phát triển và thử nghiệm vaccine đã được thực hiện trong thời gian kỷ lục.

Còn khi chúng ta không học hỏi lẫn nhau thì chúng ta đã tự kéo dài sự khốn khổ của chính mình.

Những điều này cũng đúng với BĐKH. Nếu các nước giàu chỉ chăm chăm giảm lượng khí thải nhà kính của chính mình mà không tính đến chuyện chia sẻ các công nghệ sạch cho tất cả mọi người, thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ tiến được về điểm phát thải carbon bằng 0.

Ở một đoạn khác, tỉ phú Bill Gates viết: Chúng ta cần để khoa học - thực ra là khoa học liên ngành - dẫn dắt các nỗ lực của chúng ta. Trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã trông đợi vào ngành sinh học, virus học và dược học, cũng như khoa học chính trị và kinh tế - xét cho cùng.

Và cũng giống như dịch tễ học nói cho chúng ta biết về những rủi ro của Covid-19 nhưng không nói được chúng ta phải làm thế nào để ngăn chặn nó, khoa học khí hậu cũng cho chúng ta biết tại sao chúng ta cần thay đổi hướng đi nhưng không nói được chúng ta phải làm điều đó như thế nào.

Để làm được, chúng ta phải dựa trên kỹ thuật, vật lý, khoa học môi trường, kinh tế... Và các giải pháp của chúng ta phải đáp ứng được nhu cầu của nhóm người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Với Covid-19, những người đau khổ nhất là những người có ít lựa chọn nhất - chẳng hạn như họ không thể làm việc tại nhà hoặc dành thời gian để chăm sóc cho bản thân hoặc người thân của họ. Và hầu hết họ là những người da màu, những người có thu nhập thấp.

Trong số những người phải nhập viện điều trị, tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao hơn gấp 4 lần trong nhóm người nghèo. Trên phạm vi toàn cầu, Covid-19 đã xóa đi nhiều tiến bộ sau hàng thập kỷ nỗ lực giảm thiểu đói nghèo và bệnh tật. Chúng ta đã mất 25 năm tiến bộ trong chỉ khoảng 25 tuần.

Vì thế, chúng ta cần lập kế hoạch cho một quá trình chuyển đổi chính xác để bước sang một tương lai không phát thải. Người dân ở các nước nghèo cần được giúp đỡ để thích nghi với một thế giới ấm áp hơn.

Cuối cùng, chúng ta có thể làm những điều vừa giúp giải cứu các nền kinh tế khỏi thảm họa Covid-19, vừa khơi dậy sự đổi mới để tránh thảm họa khí hậu. Bằng cách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch.

Không để “cuộc chiến” bị lãng quên

Tác động của biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy trên toàn cầu, nhưng thực tế cho thấy những người dễ chịu thiệt hại ở các nước đang phát triển phải hứng chịu hầu hết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ lụt và giai đoạn nắng nóng cực đoan, trong khi tác động của biến đổi khí hậu có thể nhìn thấy trên toàn cầu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2021 được Hà Lan đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến, người ta đã được tiếp cận với những vấn đề do Tổ chức tham vấn môi trường Germanwatch nêu ra. Tổ chức này đã nhấn mạnh tới “số phận” của những nước nghèo trong quá trình BĐKH.

Tổ chức này cũng cho rằng, con số 100 tỷ USD mỗi năm mà các quốc gia công nghiệp phát triển cam kết đóng góp để chống BĐKH sẽ không trở thành hiện thực, vì rằng chỉ một phần nhỏ trong số tiền này được sử dụng vì mục tiêu thích ứng với BĐKH. Ông David Eckstein của Tổ chức Germanwatch cũng cho biết, 8 trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ năm 2000 đến 2019 là các nước đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp hoặc thậm chí là thấp kém. “Các quốc gia nghèo hơn bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ dễ bị tổn hại hơn trước các tác động từ một mối nguy và các nước này có khả năng ứng phó kém hơn”.

Trong 20 năm qua, trên toàn cầu có gần 480.000 ca tử vong có liên quan trực tiếp đến hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Thiệt hại kinh tế lên tới khoảng 2,56 nghìn tỉ USD (tính theo sức mua tương đương.

“Đại dịch Covid-19 toàn cầu đã nhắc cho ta thấy một thực tế rằng các quốc gia dễ bị thiệt hại phải chịu nhiều rủi ro khác nhau - liên quan đến khí hậu, địa vật lý, kinh tế, sức khỏe và các lỗ hổng đó có tính hệ thống và đều liên kết với nhau” - bà Laura Schaefer của Tổ chức Germanwatch nói.

Cũng thật may mắn là bên cạnh cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mang tính khẩn cấp thì cuộc chiến chống BĐKH chưa bị lãng quên hoàn toàn. Một tham dò gần đây cho thấy, gần 2/3 số người được thăm dò trên thế giới hiện coi BĐKH là vấn đề đe dọa loài người. Tuy nhiên cũng chừng ấy số người được hỏi cho rằng chính phủ các quốc gia không mặn mà với việc “móc hầu bao” để chống BĐKH.

Cuộc thăm dò có tên “Thăm dò về khí hậu của người dân” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) kết hợp với Đại học Oxford tổ chức, độ bao phủ trên 50 quốc gia. Khoảng 1,22 triệu người ở mọi giới tính, lứa tuổi và trình độ học vấn tham gia cuộc thăm dò, trong đó người trẻ tuổi tham gia với số lượng đáng kể (khoảng 550.000 người từ 14-18 tuổi đã tham gia).

Từ kết quả thu được của cuộc thăm dò, Cassie Flynn - Cố vấn chiến lược của UNDP cho rằng: “Mọi người đang lo sợ, họ đang nhìn thấy những đám cháy rừng ở Úc và California, họ đang nhìn thấy những cơn bão cấp năm và ở Caribe, họ đang chứng kiến lũ lụt ở Đông Nam Á. Chúng ta phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này”.

Các tổ chức bảo vệ môi trường đã thống nhất đưa ra 4 chính sách hàng đầu, bao gồm:

1/ Bảo tồn rừng và đất (54%)

2/Sử dụng năng lượng mặt trời, gió và năng lượng tái tạo (53%)

3/Kỹ thuật canh tác thân thiện với khí hậu (52%)

4/Đầu tư nhiều tiền hơn vào các doanh nghiệp và việc làm xanh (50%).

Các lựa chọn ít được ưa chuộng nhất để đối phó với BĐKH là chế độ ăn dựa trên thực vật, với chỉ 30% số người được hỏi tin rằng đó là biện pháp tốt nhất.

Tới nay, câu hỏi thế giới đã làm gì trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, được coi là vẫn “treo lơ lửng”.

Gần 6 năm trước, cộng đồng quốc tế đã tập trung tại Paris để phát triển một cách tiếp cận chung với mục đích chống lại biến đổi khí hậu và đạt được Thỏa thuận Paris. Các quốc gia đã đồng ý đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2019, nhiệt độ toàn cầu đã vượt quá 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp, bằng hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê nhiệt độ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhiều lần nhấn mạnh rằng hành tinh của chúng ta đang trên đường trải nghiệm những năm nóng nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Ông Guterres cho rằng, để chiến thắng trong cuộc chiến BĐKH thì điều quan trọng hàng đầu là sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia. Mà ở đây, rất quan trọng là những nước giàu.

Tổng Thư ký LHQ cũng cho rằng, cộng đồng quốc tế vẫn hành động chưa đủ nhanh so với tình trạng khí thải toàn cầu đang tăng và nhiệt độ cũng vì thế mà tăng lên. “Nếu chúng ta tiếp tục hành động chậm trễ thì chắc chắn sẽ xảy ra thảm họa, sẽ làm tăng nhiệt độ toàn cầu từ 3 độ C trở lên trong thế kỷ này”- ông Guterres nói và nhấn mạnh rằng, cần phải chuyển đầu tư từ nền kinh tế xám và bẩn sang nền kinh tế xanh.

“Chúng ta có công nghệ và bây giờ chúng ta phải phổ biến công nghệ cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia. Và phải hành động ngay! Mọi yếu tố dẫn tới sự nóng lên toàn cầu đều có khả năng hiện hữu, và chúng ta càng chờ đợi lâu thì tác động tiêu cực chắc chắn sẽ càng lớn”.

Và, điều cực kỳ quan trọng là dẫu cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa kết thúc thì cũng không thể vì thế mà lãng quên cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Phan Quang Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mot-cuoc-chien-bi-lang-quen-559510.html