'Một cửa quốc gia' vẫn khó cho doanh nghiệp

Ngày 22-6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID TFP), đã tổ chức Hội thảo công bố 'Báo cáo đánh giá Mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia'.

Các đại biểu dự hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ báo cáo tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính - dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, bao gồm Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Y tế.

Cổng này đóng vai trò là cơ chế một cửa cho các thủ tục thông quan và dự kiến sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính xuất nhập khẩu theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế.

Kết quả khảo sát cho thấy, đa số chức năng cơ bản trên Cổng hoạt động tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”; “xem hồ sơ” lần lượt là 95%, 93%. Dù vậy, vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin, chẳng hạn như 27% doanh nghiệp chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn đinh; 20% doanh nghiệp phản ánh tốc độ xử lý tác vụ trên cổng thông tin còn chậm…

Đáng chú ý, trong các bộ ngành thực hiện một cửa quốc gia, chỉ có Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp được các doanh nghiệp đánh giá dễ sử dụng. Trong khi đó, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Khoa học- Công Nghệ bị đánh giá còn gặp nhiều khó khăn.

Nếu lấy ngưỡng 25% doanh nghiệp gặp khó khăn làm giá trị tham chiếu, 2 thủ tục của Bộ Giao thông vận tải gồm “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu” và “cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng” đều có 28% doanh nghiệp thực hiện thủ tục này gặp nhiều khó khăn. Tương tự, có tới 26% doanh nghiệp gặp trở ngại với thủ tục “kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” của Bộ Khoa học- Công nghệ.

Theo báo cáo, số ngày trung bình các doanh nghiệp phải bỏ ra khi xin “cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” vẫn lên đến 30 ngày. Không những vậy, đây còn là thủ tục hành chính duy nhất đi ngược lại xu hướng chung khi chi phí trung bình tăng 19%.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng ghi nhận đây là thủ tục vừa phải chờ đợi lâu vừa phải nộp cả hồ sơ giấy lẫn trên cổng một cửa quốc gia. Thủ tục “cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” của Bộ Y tế thậm chí còn khiến doanh nghiệp mất trung bình thêm 1 ngày (từ 13 lên 14 ngày) so với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ như trước đây.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp theo đánh giá của báo cáo chính, do hệ thống xử lý chuyên ngành chưa được số hóa hoàn toàn. Tình trạng một số doanh nghiệp bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần và thời gian các Bộ ngành xử lý hồ sơ của một doanh nghiệp còn tương đối lâu.

Về cơ bản, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ ngành.

Đề cập đến mức độ tốn kém thời gian và chi phí ở mỗi khâu thủ tục hành chính, ông Tuấn cho rằng, kết quả khảo sát đưa đến kết quả “khai báo thông tin hồ sơ trên cổng một cửa quốc gia là khâu ít tốn kém cho doanh nghiệp nhất.

Kế đến là khâu “đánh giá sự phù hợp” của Nhà nước hoặc tư nhân cung cấp, trong đó về cơ bản dịch vụ đánh giá sự phù hợp do tư nhân cung cấp có mức tốn kém chi phí thấp hơn. Đáng lưu ý trong hầu hết các thủ tục, khâu “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ” thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành vẫn là khâu gây nhiều tốn kém thời gian và chi phí cho DN.

Lưu Thủy

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/mot-cua-quoc-gia-van-kho-cho-doanh-nghiep-81445.html