Một công ty Việt nghi bị lừa hơn 61.000 USD

Doanh nghiệp Việt khi kinh doanh tại Senegal; Mali, Niger... hạn chế tìm kiếm bạn hàng qua mạng Internet hoặc giao dịch với đối tác tự tìm đến mình qua website.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết đã nhận được thư từ một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tiêu của Việt Nam nhờ hỗ trợ đòi tiền hàng một công ty tại Senegal.

Công ty này được DN Việt Nam tìm qua mạng Internet có tên GSN INTERNATIONAL, địa chỉ: Lot 1TF2805 Ouest Foire, Dakar, Senegal, người đại diện là ông ELAHDJI SIDY NIANG, điện thoại di động: +221771946767, email: sidyniang1104@gmail.com.

GSN INTERNATIONAL đã mua một container tiêu đen 40 feet từ Việt Nam, trị giá 61.750 USD.

Hình thức thanh toán là CAD 100% at sight thông qua ngân hàng. Ngân hàng của người mua là VDN/BICIS, địa chỉ tại Sacré-Cœur 3 - Lot B - VDN angle Ancienne Piste BP 392 Dakar, Senegal.

Người mua đã nhận bộ chứng từ, lấy hàng ra khỏi cảng. Đến nay là hai tháng nhưng không thanh toán cho công ty Việt Nam. DN Việt Nam liên lạc với người mua nhiều lần nhưng không được…

Thương vụ Việt Nam tại Algeria đã liên lạc trực tiếp ông ELAHDJI SIDY NIANG nhưng ông này nói không có bằng chứng việc Công ty Senegal nhập khẩu hàng Việt Nam, sau đó cắt mọi liên lạc.

Thương vụ đã gửi thư kèm theo các chứng từ liên quan tới Đại sứ quán Senegal tại Algeria, Bộ Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Senegal cũng như Ngân hàng VDN/BICIS để nhờ hỗ trợ, yêu cầu khách thanh toán tiền hàng cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, phía bạn xử lý rất chậm chạp và chưa có kết quả.

Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến cáo DN Việt khi kinh doanh tại Senegal, Mali, Niger... hạn chế tìm kiếm bạn hàng qua mạng Internet hoặc giao dịch với đối tác tự tìm đến mình qua website. Cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để không phải đặt cọc tiền hoặc đặt cọc mức tối thiểu. Tránh sử dụng dịch vụ Western Union để chuyển tiền. Tốt nhất, trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu.

Đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ xác minh trước khi tiến hành giao dịch.

Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) vì khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể DN xuất khẩu sẽ bị mất hàng.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Senegal đạt 25,8 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hạt tiêu 6 triệu USD, dệt may 4,8 triệu USD... Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Senegal đạt 28 triệu USD, các mặt hàng chính là hạt điều đạt 20 triệu USD, hàng hải sản 6,7 triệu USD…

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Senegal chủ yếu là tiêu, dệt may...

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Senegal chủ yếu là tiêu, dệt may...

Tương tự, Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Morocco cho biết cũng nhận được nhiều thư của DN xuất khẩu đề nghị điều tra, xác minh danh tính các đối tác thương mại tại Cộng hòa Benin.

Qua xác minh, cho thấy có nhiều công ty "ma" với các mánh khóe nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của các công ty xuất khẩu nước ngoài.

Một số mánh khóe lừa đảo là: Các công ty này thường yêu cầu nhà xuất khẩu chuyển trước vào tài khoản bất kỳ một khoản tiền với lý do để đóng phí đăng ký sản phẩm nhập khẩu, phí xin giấy phép nhập khẩu, phí trả cho luật sư thay mặt bên bán ký hợp đồng trước sự chứng kiến của ngân hàng sở tại, phí hợp thức hóa hợp đồng…

Một số trường hợp, công ty tại Benin đề xuất mua lượng hàng lớn và giá trị cao, chấp nhận mọi điều kiện của người bán, nói nhiều về mong muốn thiết lập quan hệ lâu dài để làm đầu mối phân phối lớn… Nhưng khi yêu cầu đặt cọc, đối tượng nêu lý do nhằm thuyết phục DN xuất khẩu nước ngoài rằng đặt cọc là không cần thiết.

Để tăng niềm tin, một số công ty tại Benin chủ động cung cấp hồ sơ giấy tờ nhằm khẳng định tính pháp lý của mình như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận các loại tài khoản ngân hàng… Nhưng thường là giấy tờ và con dấu giả.

Nếu nhà xuất khẩu muốn khảo sát thị trường, các đối tượng thậm chí làm thư mời và tiếp đón. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền theo yêu cầu hoặc gửi hàng theo hợp đồng xong thì đối tượng bặt vô âm tín, cấu kết với kho cảng và giao nhận để lấy hàng không thanh toán.

Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Morocco nêu cảnh báo và thông báo danh sách một số công ty tại Benin cần đề phòng:

1. Công ty Weastlinear Holdings Ltd

Địa chỉ: 107 Missebo Avn Cotonou, Cotonou, Benin
Điện thoại: 229 97 725691
Số Fax: 229 97 725691
Hoạt động chính: Phân phối bán buôn rượu, cồn và thực phẩm

2. Công ty Festival Home Incoperated
Địa chỉ: Lot 127 rue de francophone, Cotonou,00229
Điện thoại: 229 97 725691
Số Fax: 229 97 725691
Hoạt động chính: Phân phối bán buôn đồ uống và thực phẩm

3. Công ty Mabic Import Sarl
Địa chỉ: Avenue De La Stimez Carre: 105 Cotonou, Allada - BJ, Benin
Điện thoại: 229 97 725691
Số Fax: 229 97 725691
Hoạt động chính: Nhập khẩu đồ uống

4. Công ty Benin Import Development Agency
Địa chỉ : C/7450 Zone des Ambassades Ave Cotonou Re. de Benin
Điện thoại : 229 93 43 47 45
Số Fax : 229 21 33 42 41

5. Công ty Global Link SARL Benin
Địa chỉ: 139 MISSEBO COTONOU
Điện thoại: 229.99.1378
Số Fax: 229.32.3549

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/mot-cong-ty-viet-nghi-bi-lua-hon-61000-usd-863124.html