Một công ty, một chính quyền

Không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, chắc chắn là như vậy. Song, ngày 2-5-1670, với việc cấp sắc lệnh trao đặc quyền vĩnh viễn cho Công ty Vịnh Hudson (Hudson's Bay Company), nhà vua Charles Đệ nhị của Anh quốc đã chính thức đưa ra một lời dự báo, hay nói đúng hơn là kiến tạo một hướng đi, khi các doanh nghiệp có thể sở hữu được quyền lực với mức độ đủ sức cản trở các quốc gia.

Là Pháp. Là Anh. Là Canada.

Sau hơn 350 năm, cho đến hiện tại, cho dù ánh hào quang quá khứ đã tàn lụi từ lâu lắm, Hudson’s Bay Company (HBC) vẫn là tập đoàn kinh doanh thương mại hàng đầu Canada. Và dĩ nhiên, HBC chính là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời nhất ở vùng đất Bắc Mỹ ấy.

Khởi thủy, HBC được thành lập bởi một nhóm các nhà thám hiểm người Pháp – những người tiên phong mở đường cho hoạt động buôn bán lông thú béo bở ở Bắc Mỹ cho các thương gia Luân Đôn. Tên gọi đầu tiên của nó là Compagnie du Nord, cái tên được lựa chọn bởi nhà thám hiểm người Pháp Pierre Esprit Radisson cùng các nhà tài chính đồng quốc Charles Aubert de La Chesnaye và Medard des Groseillier, trong buổi họp thành lập công ty tại Paris năm 1679.

Vào thời điểm đó, cuộc cạnh tranh giữa hai đại đế quốc lớn nhất thế giới là Anh và Pháp tại lục địa Bắc Mỹ đang diễn ra vô cùng gay gắt, và bởi vậy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao 21 năm sau, Compagnie du Nord lại “chuyển quốc tịch” thành HBC, để nhận một sắc lệnh đặc quyền vĩnh viễn từ vua Anh Charles II? Đó rõ ràng là một sự “đảo ngũ”, một nhát dao chí tử đâm vào những tham vọng của nước Pháp, cũng chính là nền móng để sau này nước Anh hoàn toàn thắng thế trên toàn Tân lục địa. Vì sao?

Câu trả lời cực kỳ đơn giản: Lợi ích.

Quyết định sáng suốt của Vua Anh Charles II.

Quyết định sáng suốt của Vua Anh Charles II.

Trong trường hợp cụ thể này, lợi ích của Compagnie du Nord xung đột và bị đe dọa trực tiếp bởi chính quyền đế quốc Pháp thuộc địa Hải ngoại (hay còn gọi là Tân Pháp – Nouvelle France). Ngay từ những năm 1658-1659, do lo ngại rằng những chuyến thám hiểm khám phá Vịnh Hudson có thể đẩy trung tâm thương mại Bắc Mỹ rời xa tâm điểm là sông St Lawrence, thống đốc chính quyền Tân Pháp ở Bắc Mỹ hồi ấy - Hầu tước d’Agenson - đã từ chối tạo điều kiện cho các nhà thám hiểm. Mặc kệ, Radisson vẫn dẫn người của mình lên đường, và trở về với các sản vật – bằng chứng hiển nhiên về tiềm năng của vùng Vịnh Hudson. Song, những bộ lông thú của họ bị chính quyền tịch thu, và họ bị phạt nặng.

Không bỏ cuộc, Radisson và các đồng sự tiếp xúc với một nhóm những thương nhân thuộc địa Anh tại Boston, Massachusetts, và thông qua đó, tiếp xúc được với các cấp của chính quyền thuộc địa Anh. Bắt đầu là mối quan hệ với Đại tá George Catwright, đám thương nhân Pháp – Anh gặp được Hoàng thân Rupert, rồi được ông giới thiệu với anh họ mình, chính là Vua Anh Charles Đệ nhị.

Người Anh, trong trường hợp này, đã thể hiện một tầm nhìn xa hơn người Pháp – khi chính quyền Tân Pháp vẫn luôn cố gắng áp đặt những khoản thuế mới hoặc làm khó dễ Companie du Nord. Và đến ngày 2-5-1670 ấy, vua Anh Charles II đã chính thức trao cho công ty mới đổi tên thành HBC quyền độc quyền thương mại ở vùng Vịnh Hudson, cũng như quyền kiểm soát và quản trị khu vực rộng lớn quanh vịnh. Nghĩa là, quyền buôn bán và cả quyền lực nhà nước.

Kể từ đó, thay vì một đối thủ, chính quyền Tân Pháp Bắc Mỹ đã phải đối diện tới hai.

Một dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử thuộc địa Bắc Mỹ.

Sau những cuộc biển dâu

Suốt gần 200 năm, trên thực tế, HBC hoạt động như một chính phủ đích thực được đế quốc Anh ủy quyền, ở ngay “tiền tuyến” cạnh tranh ảnh hưởng với nước Pháp tại Bắc Mỹ. Họ nắm trong tay toàn bộ hệ thống thương mại, họ chịu trách nhiệm đưa những đoàn người thực dân sang lập nghiệp ở vùng đất thuộc địa mới ấy. Họ trả lương cho người lao động, thiết lập các chuỗi giá trị. Và dĩ nhiên, HBC có quyền tuyển mộ lực lượng vũ trang của mình, cũng như xây dựng các hệ thống cầu cảng, đồn bốt thích hợp, nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Nước Anh, thua kém nhiều so với nước Pháp về nhân khẩu và do đó gặp khó khăn trong việc kiểm soát thuộc địa, đã lựa chọn HBC như một công cụ thích hợp nhất để tạo nên sự cân bằng. Trong suốt chuỗi những cuộc xung đột Anh – Pháp quanh Vịnh Hudson, các cơ sở vật chất cũng như lực lượng nhân sự của HBC luôn là mục tiêu tiến đánh của quân đội Pháp.

Đỉnh điểm, chúng ta có thể kể tới Cuộc thám hiểm Vịnh Hudson năm 1782, mà thực chất là cuộc hành quân đột kích do Bá tước La Perouse chỉ huy, theo một mật lệnh của Bộ trưởng Hải quân Pháp thời ấy là Hầu tước de Castries. Cuộc đột kích này là một phần trong những kế hoạch quân sự mà nước Pháp tiến hành để hỗ trợ của chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Mỹ từ tay đế quốc Anh, dưới sự chỉ huy của George Washington.

Kết thúc cuộc hành quân đó, quân đội Pháp dễ dàng đè bẹp sự kháng cự của các lực lượng dân sự do HBC quản lý, chiếm đóng toàn bộ các cơ sở quan trọng của họ, bao gồm Pháo đài Hoàng tử xứ Wales, Nhà máy York và gần như tất cả vùng đất do HBC quản trị - được gọi là Rupert Land (Vùng đất Rupert).

HBC, vào lúc đó, xem như đã mất tất cả tài sản. Tuy nhiên, chỉ một năm sau, ngày 3-9-1783, tròn 20 năm sau Hiệp ước Paris chấm dứt Chiến tranh bảy năm Anh – Pháp (năm 1763), một Hiệp ước Paris khác mang hòa bình trở lại, và đánh dấu việc nước Pháp kiệt quệ về tài chính không còn đủ sức theo đuổi các tham vọng địa chính trị ở Bắc Mỹ.

HBC hồi sinh, và thẳng tiến đến đỉnh cực thịnh của mình, khi phát triển thành một tập đoàn đa ngành nghề kiểu “buôn bán mọi thứ có thể”, từ chăn len đến dầu mỏ, từ da thú đến kho bãi, logistic…

Chiếc cầu nối giữa chính quyền và những cộng đồng dân tộc bản xứ.

Năm 1779, những thương nhân cạnh tranh với HBC thành lập North West Company (NWC, Công ty Tây Bắc) ở Montreal, và uy hiếp đáng kể đến lợi nhuận thu được của HBC. Xung đột, dĩ nhiên, không thể không nổ ra, thậm chí là còn nổ ra bằng các hình thức bạo lực, khi không bên nào chấp nhận nhân nhượng từ bỏ phần béo bở của miếng bánh. Phải đến tận năm 1821, chính quyền thuộc địa Anh ở Canada mới đưa ra một quyết định cực kỳ cứng rắn: Cưỡng ép hợp nhất HBC và NWC (vẫn dưới tên HBC), nhằm chấm dứt tình trạng cạnh tranh bằng bạo lực – điều khiến doanh thu của cả hai nói chung cũng như lợi nhuận của toàn bộ nền kinh tế Anh nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự kết hợp này tạo nên một vùng ảnh hưởng thương mại rộng lớn từ biên giới Canada – Mỹ đến tận Bắc Băng Dương.

Suốt thế kỷ XX, HBC vẫn luôn là tập đoàn kinh doanh lớn nhất và giàu truyền thống nhất Canada, bất kể mọi thăng trầm trong thời cuộc. Tuy vậy, hào quang ấy cuối cùng cũng đã đến lúc phai mờ, khi thế giới bước sang thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ XXI. Năm 2006, HBC được bán với giá 1,1 tỷ USD cho một doanh nhân người Mỹ - Jerry Zucker. Đến năm 2019, HBC đã dừng hầu hết các hoạt động kinh doanh ở châu Âu.

Mặc dù vậy, cái tên ấy vẫn sẽ còn được nhắc đến trong lịch sử, như một thiết chế kinh doanh tiên phong đảm trách vai trò của một chính quyền tại một vùng “trọng địa”, giữa gọng kìm của hai đế quốc thực dân hùng mạnh nhất đương thời…

* Thực ra sau khi Canada được trao quyền tự trị (dominion status) vào năm 1867, HBC đã không còn sở hữu vị thế độc quyền trong lĩnh vực buôn bán lông thú, nhưng họ đã kịp thời đa dạng hóa các dự án kinh doanh và vẫn là tập đoàn lớn nhất của Canada trong suốt một thời gian dài sau đó.

* Theo HBC, chỉ riêng hàng hóa bị quân Pháp cướp đi tại Pháo đài Hoàng tử xứ Wales (Prince of Wales) đã trị giá hơn 14.000 bảng Anh (theo thời giá khi ấy), và cuộc đột kích của La Pérouse đã gây thiệt hại cho tài chính của công ty đến mức nó không phải trả cổ tức cho đến tận năm 1786. Sau Hiệp ước Paris 1783, người Pháp đồng ý bồi thường thiệt hại, nhưng cuộc đột kích đã gây ra những tổn hại vĩnh viễn cho các mối quan hệ thương mại của công ty.

Thiên Thư

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/mot-cong-ty-mot-chinh-quyen-640834/