'Mốt' công trình xanh!

Hiện nay, xây dựng công trình xanh đang được nhiều chủ đầu tư chú ý như một trào lưu mới trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để trào lưu này thành xu thế, nỗ lực không chỉ mình chủ đầu tư, mà còn phải từ nhiều phía, cả cơ quan quản lý và khách hàng.

Người thu nhập thấp cũng cần sống “xanh”

Theo đánh giá của bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia công trình xanh đến từ Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, nhận thức về công trình xanh tại Việt Nam đã có sự tiến triển trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện trên thế giới đang có 7 hệ thống chứng nhận công trình xanh. Về cơ bản, hệ thống chứng nhận công trình xanh tương tự nhau ở các nhóm tiêu chí đánh giá chính gồm phương thức quản lý; chất lượng môi trường trong nhà; sử dụng năng lượng; hạ tầng, phương tiện giao thông trong địa bàn; sử dụng nước; sử dụng vật liệu xây dựng; sử dụng đất và hệ sinh thái; mức độ ô nhiễm môi trường.

Với yêu cầu bức thiết về biến đổi khí hậu, nhóm tiêu chí về năng lượng đang được quan tâm nhiều nhất, đó là các tiêu chí về hiệu quả năng lượng, sản xuất năng lượng tái tạo, công nghệ và kế hoạch chiếu sáng, hệ thống vận chuyển trong công trình. Trong nhóm này, hệ thống Green Mark dẫn đầu khi chiếm tỷ lệ lên đến 64%, LOTUS 28% và LEED 25%, trong khi ở hệ thống Three Star (Trung Quốc) chỉ có 16%...

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hơn cả yếu tố về bán hàng, họ coi công trình xanh là bắt buộc nhằm hướng tới cắt giảm lượng khí thải CO2 và hướng tới bảo vệ môi trường. Một số nước đã đưa ra các quy chuẩn và đưa vào luật để yêu cầu chủ đầu tư tối thiểu phải áp dụng theo, bên cạnh có những chế tài. Tuy nhiên, điều đó khó có thể áp dụng tại Việt Nam ngay lập tức, bởi có sự hạn chế về nhận thức, cũng như sự liên quan đến thu nhập bình quân đầu người.

"Nếu áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế như LEED, LOTUS, Green Building…, thì phần lớn người dân sẽ không đủ khả năng mua nhà, bởi các tiêu chuẩn này có quá nhiều yêu cầu khắt khe và việc tuân thủ theo cũng sẽ tốn kém rất nhiều chi phí", bà Diệp nói và cho biết, giá thành xây dựng các tòa nhà theo tiêu chuẩn xanh như nêu trên đắt hơn các công trình xây dựng các tòa nhà cao tầng thông thường khác ít nhất từ 10-30%. Ngoài ra, còn phải có quỹ đất lớn để có mật độ xây dựng thấp, nguyên vật liệu phải thân thiện với môi trường…

Cụ thể hơn, để đạt chứng nhận BCA Green Mark của Bộ Xây dựng Singapore, các tòa nhà mới xây dựng phải có điểm EE 79/140 và đáp ứng được tiêu chí về hiệu quả về sử dụng năng lượng, hiệu quả về sử dụng nước, quản lý và phát triển dự án, chất lượng môi trường bên trong các tòa nhà, bảo vệ môi trường... và thêm tiêu chí mang tính đổi mới trong thiết kế, xây dựng.

Dẫu vậy, điều này không có nghĩa rằng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, chung cư tại Việt Nam không thể có các dự án xanh và người mua nhà, nhất là những người có thu nhập trung bình (chiếm 70% nhu cầu ở thực hiện nay) không thể được sinh sống trong các công trình xanh.

Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn có thể có các dự án bất động sản xanh. “Xanh” ở đây không có nghĩa là cây xanh thuần túy, mà đơn giản chỉ là đem lại cuộc sống xanh, sử dụng tài nguyên (điện, nước,…) hiệu quả, hướng tới việc bảo vệ môi trường. Nếu nghĩ đơn giản như vậy, thì rõ ràng, đạt được công trình xanh không còn là yếu tố định tính nữa, mà sẽ được định lượng cụ thể bằng cách áp dụng các giải pháp tổng thể trong thiết kế, thi công, công nghệ… để đạt được hiệu quả có người sử dụng.

“Khi đã hiểu rõ điều này thì sẽ xóa đi được tư duy của cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà về chi phí cho phát triển dự án bất động sản xanh tốn kém 20 - 30% chi phí như hiện nay. Thực tế, chi phí có tăng, nhưng chỉ tăng vài phần trăm, nhưng hiệu quả mang lại rõ rệt cho cả chủ đầu tư và người mua nhà”, bà Diệp nói và cho biết, trong một số trường hợp, nếu chủ đầu tư đã làm quen với công trình thì mức đầu tư cho các dự án thứ 2, thứ 3 thậm chí còn giảm nữa. Bởi lẽ, họ biết đâu mới là yếu tố xanh thực sự, chứ không phải trồng thêm cái cây, hay lắp thêm cái kính cách nhiệt gọi là giảm nhiệt, nhưng lại tăng chi phí vì kính cách nhiệt rất đắt tiền.

Cần sự vào cuộc của nhiều bên

Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc phát triển Dự án Capital House, đơn vị đang triển khai nhiều dự án xanh tại Hà Nội cho biết, lan tỏa được những hiểu biết thực sự về công trình xanh hiện nay là bài toán rất cấp thiết. Cái cần là làm sao để khách hàng sẵn lòng với công trình xanh do các chủ đầu tư làm và cũng cần họ có cái hiểu về giá trị của dự án bất động sản xanh là thế nào, bởi hiệu quả chỉ được thể hiện trong quá trình vận hành dài hạn, không phải trước mắt mà thấy được.

Vấn đề là phải giúp người mua nhà hiểu được điều đó và cảm nhận được rằng, chi phí tiết kiệm thật sự. Khi đó, khách hàng sẽ rất vui lòng trả thêm chi phí ban đầu, do những lợi ích gia tăng từ công trình xanh về sau.

Chẳng hạn, người mua nhà chỉ cần thêm 1 đồng mua nhà, nhưng trong suốt quãng thời gian dòng đời của dự án, chi phí điện nước sẽ giảm 30% so với các căn hộ thông thường. Tức là nhìn về lâu về dài, khách hàng mới chính là người được lợi chứ không phải chủ đầu tư. Chủ đầu tư và khách hàng cùng chia sẻ điều đó để hướng tới những giá trị tốt đẹp và bền vững hơn cho xã hội.

Về mặt vĩ mô, mỗi căn hộ tiết kiệm được khoảng 30% năng lượng, nhân với 1.000 căn, 1 triệu căn…, cứ như vậy, một nguồn tài nguyên rất lớn sẽ được tiết kiệm.

"Nhiều người nói rằng, tôi bỏ 2 tỷ đồng mua nhà, chẳng việc gì tôi phải tiếc mấy chục nghìn tiền điện, nước mỗi tháng. Tôi cho rằng, đó là suy nghĩ rất ích kỷ. Họ không nghĩ được rằng, ở Việt Nam có hàng trăm nghìn người chết do nguồn nước kém vệ sinh, 17 triệu người sống trong điều kiện nước không được xử lý. Việt Nam thừa nước đấy, nhưng thiếu nước sạch", ông Bách nói và cho biết thêm, 30% lượng nước mỗi công trình tiết kiệm được đó đem cống hiến cho chính đồng bào của mình là một việc làm thực sự rất có ý nghĩa.

Dẫu vậy, ông Bách cũng cho rằng, việc thúc đẩy công trình xanh tại Việt Nam hiện nay không dễ, nếu không muốn nói là khó với nhiều lý do, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó, thách thức là chi phí đầu tư lớn, chưa có hướng dẫn cụ thể từ Nhà nước, quá trình xin chứng nhận các tiêu chuẩn xanh rất khó thực hiện.

Mặt khác, các tổ chức tài trợ, trợ vấn, tổ chức khoa học khó tiếp cận. Thực tế, trên thị trường cũng không nhiều chủ đầu tư muốn làm công trình xanh, nhưng khách hàng còn nhận thức về công trình xanh còn hạn chế, không rõ ràng, nên không hiểu một cách đầy đủ về những lợi ích của công trình xanh đối với chính mình và xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm công trình xanh đang phải cạnh tranh với nhiều dự án gắn mác "xanh" trên thị trường, nhưng không rõ chất lượng như thế nào.

Do đó, rất các cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công trình xanh, xây dựng chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch…

Thêm nữa, cần sự thấu hiểu và đồng hành của các đơn vị truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công trình xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.

Theo Việt Dương Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/phongthuy-kientruc/mot-cong-trinh-xanh-205827.html