Một công trình chuyên sâu về lý thuyết liên văn bản

Từ nửa sau của thế kỷ XX, những thành tựu của khoa văn học trên phương diện lý thuyết đã đem đến nhiều thay đổi trong nhận thức của giới nghiên cứu cũng như công chúng tiếp nhận văn học.

Trong đó, đáng lưu ý là lý thuyết liên văn bản với việc mở rộng các phạm trù, khái niệm văn học vốn được định hình từ trước đó. Đã có không ít công trình diễn giải, dịch thuật, giới thiệu lý thuyết liên văn bản cùng các đại diện ưu tú của hướng nghiên cứu này tại Việt Nam (M.Bakhtin, J.Kristeva, R.Barthes, M.Foucault, U.Eco…). Điều đó mở ra những không gian đọc và nghiên cứu cũng như ứng dụng lý thuyết liên văn bản vào lĩnh vực văn hóa, văn học, ngôn ngữ… Tuy nhiên, để có cái nhìn tập trung hơn, và phần nào sáng rõ với nhiều người đọc, Giáo trình Lý thuyết liên văn bản (NXB Đại học Huế) của TS Nguyễn Văn Thuấn là một cuốn sách đáp ứng được yêu cầu đó.

Nguyễn Văn Thuấn là một nhà nghiên cứu giàu năng lực, đang đảm đương vị trí Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Sư phạm Huế, được giới nghiên cứu trong nước quý trọng… Điều đó nói lên tư cách học thuật, tư cách sư phạm của anh. Giáo trình Lý thuyết liên văn bản được hoàn thành trên cơ sở quá trình nghiên cứu lâu dài, kỹ lưỡng và chắt lọc. Bởi vậy, không chỉ sinh viên ngành văn học mà với giới nghiên cứu, đây là một công trình có ý nghĩa.

Bàn về lý thuyết liên văn bản là chạm đến một thế giới rộng lớn, đa dạng và phức tạp. Chỉ riêng mỗi đại diện của lý thuyết này, từ những manh nha khởi thủy đến khi định hình lý thuyết, đều có thể trở thành những người khổng lồ trong vương quốc học thuật. Với bạn đọc phổ thông, khái niệm liên văn bản có thể được hiểu như là sự cộng sinh, chồng gộp hay đan cài của nhiều văn bản trong một văn bản. Văn bản nào cũng là liên văn bản bởi nó được sinh ra từ các hiện diện hay trầm tích của các văn bản khác trong lịch sử văn hóa cộng đồng, trong trải nghiệm của người viết, trong kinh nghiệm của người đọc (biển văn bản). Chính vì thế, khi ta đọc một văn bản là chúng ta tiếp cận với một liên văn bản được cất giấu, đan dệt trong cấu trúc có chủ ý hay vô thức, trớ trêu của văn bản. Hình tượng được ví von nhằm làm sáng tỏ khái niệm liên văn bản chính là tấm vải dệt đan bện những sợi trích dẫn.

Về phạm vi diễn giải, liên văn bản được hình dung trên hai bình diện: Thứ nhất là trong ngôn ngữ và văn học. Thứ hai là trong văn hóa. Bình diện văn học xem xét khái niệm liên văn bản như một đặc tính bản thể của văn bản. Nghĩa là, mỗi văn bản văn học đều là một liên văn bản bởi những văn bản đã có trước đó, đồng thời là chất liệu cho các văn bản hình thành sau. Trong lĩnh vực văn hóa, liên văn bản đẩy nhận thức đi đến giới hạn của việc nhìn nhận thế giới là một văn bản. Ở đó, văn hóa là một diễn ngôn, là một hệ thống ký hiệu và nó luôn được kiến tạo, thêu dệt nên bởi cộng động xuyên qua không gian và thời gian. Liên văn bản trở thành khái niệm mô tả tình trạng kế thừa, đan dệt, học tập, mô phỏng, trích dẫn, sao chép, lắp ghép, tái diễn dịch, giễu nhại, viết lại, viết tiếp, đọc đúng, đọc sai… của các văn bản-diễn ngôn đã và đang hình thành. Dù xét trong phạm vi tự trị của văn chương hay mở rộng sang phạm trù văn hóa, liên văn bản là một cơ hội cho việc mô tả, lý giải, đánh giá các thực tại của lịch sử xã hội, văn hóa nghệ thuật. Người ta sẽ không chỉ thấy con cò là con cò, mà đó là con người; không chỉ là một cá nhân mà là cả cộng đồng; không chỉ là việc mưu sinh kiếm ăn mà là toàn bộ đời sống; không chỉ là cái nghèo khó mà là thực trạng số phận; không chỉ là chuyện của một thời mà là chuyện của nhiều thời, nhiều nơi; không chỉ là ý thức mà lặn sâu vào vô thức, tiềm thức, trở thành lịch sử, văn hóa của cả một cộng đồng… Đó chính là tấm vải liên văn bản mà chúng ta đang nói đến. Nhưng vẫn chưa hết, liên văn bản lại tiếp tục mở ra từ mô típ ấy những kiến tạo khác, giễu nhại hoặc trào tiếu, phê phán hoặc cảm thương, đọc lại hoặc viết tiếp từ hình tượng con cò trong ca dao.

Trong một diễn dịch ngắn, chúng ta chỉ hy vọng hiểu được một chút ít khái niệm liên văn bản, bởi bản thân nó là một đa hệ thống khổng lồ. Nếu hình dung về lịch sử của lý thuyết liên văn bản, như giáo trình của Nguyễn Văn Thuấn nêu lên, chúng ta buộc phải xem xét lại những thành tựu học thuật từ trường phái ngôn ngữ học cấu trúc (F. Saussurre) đến trường phái Hình thức Nga (R.Jakovson, Y.Tynyanov), qua những đóng góp khổng lồ của M.Bakhtin cùng đồng sự, đến những tên tuổi lừng danh như J.Kristeva, R.Barthes, M.Riffaterre, U.Eco, M.Foucault, J.Derrida… Trên đại thể, lý thuyết liên văn bản là sản phẩm của quá trình đi từ cấu trúc đến giải cấu trúc. Trong đó, về bản chất, giải cấu trúc chính là tái định nghĩa hoặc cấu trúc lại các phạm trù, khái niệm, nhận thức đã định hình từ chủ nghĩa cấu trúc. Với những tên tuổi vừa nêu, bản thân họ đã là một hệ thống phức tạp trong đa hệ thống kiến tạo từ quá trình giải cấu trúc. Thế nên, việc chiếm lĩnh hay thấu suốt các hệ thống này xem ra là điều không hề dễ dàng. Trong một giới thiệu ngắn, chúng tôi chỉ có thể lẩy ra một vài sắc thái, ngõ hầu có thể cung cấp một cách hiểu giản dị nhất về khái niệm phức tạp này.

Dĩ nhiên, Giáo trình Lý thuyết liên văn bản của Nguyễn Văn Thuấn đem lại cái nhìn bao quát và sâu hơn vào hệ thống lý thuyết liên văn bản. Nó có thể là câu trả lời cho nhiều thắc mắc sẽ nảy sinh khi người đọc có ý muốn thám hiểm vùng đất kỳ thú này. Chẳng hạn như: Vai trò của chủ nghĩa hình thức Nga đối với sự tiến triển của văn học và các cơ hội mở ra cho lý thuyết liên văn bản? M.Bakhtin có vai trò gì trong việc đặt nền móng cho liên văn bản? Thế nào là giải cấu trúc và các luận đề căn bản của nó? J.Kristeva là ai? M.Foucault là ai? Tác giả đã chết nghĩa là gì trong diễn giải của R.Barthes? Khi đứng trước một văn bản, chúng ta đặt ra câu hỏi: Chủ ý của tác giả là gì? Chủ ý của văn bản là gì? và Chủ ý của độc giả trong quá trình tiếp cận là gì? Những vấn đề ấy dĩ nhiên có thể được gợi dẫn từ góc nhìn của Umberto Eco. Thế rồi, câu hỏi về các thực hành văn chương, văn hóa hậu hiện đại với tính lắp ghép, phân mảnh, sáng tạo hay viết lại, giễu nhại hay phỏng nhại… đều có thể được gợi ý từ Giáo trình Lý thuyết liên văn bản của Nguyễn Văn Thuấn.

Mỗi văn bản đều là liên văn bản, và cuốn sách của Nguyễn Văn Thuấn dĩ nhiên cũng là một tấm vải đan bện dày đặc các văn bản Đông-Tây, trong và ngoài nước, từ lý thuyết đến thực hành dẫn chứng tác phẩm. Bởi thế, vọng lên từ cuốn sách là rất nhiều tiếng nói, đồng tình hoặc phản đối, tranh biện để phủ định hoặc bổ sung, tham góp, nhằm hướng tới nhận thức khoa học đầy đủ hơn.

Tiến sĩ NGUYỄN THANH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-cong-trinh-chuyen-sau-ve-ly-thuyet-lien-van-ban-624895