Một con đường khác cho vắc-xin Covid-19

Các quốc gia phương Tây có nhiều lý do và khả năng, cả về tiềm lực kinh tế, luật pháp và đạo đức để thúc đẩy việc tăng khả năng tiếp cận vắc-xin trên toàn cầu.

Viễn cảnh của vắc-xin Covid-19 hôm nay phần nào có thể thấy được từ bức tranh bi thảm của đại dịch AIDS hồi cuối những năm 1990 và đầu năm 2000, khi các công ty dược phẩm đã phát triển được công cụ chẩn đoán và điều trị hiệu quả có thể cứu sống hàng triệu người ở nước nghèo, nhưng không hề có ý chí chia sẻ chúng.

Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc.

Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19 trên toàn quốc.

Phong trào tiếp cận thuốc ở các quốc gia như Brazil, Nam Phi, Ấn độ, Thái Lan thông qua bắt buộc chia sẻ sáng chế đối với các tập đoàn đa quốc gia đã giúp cho các loại thuốc kháng virus hạ xuống mức có thể tiếp cận, từ hơn 10.000 USD/năm xuống còn hơn 300 USD, cứu sống hàng chục triệu người và đẩy lùi sự lây lan của bệnh AIDS.

Ứng xử đạo đức

Tất nhiên, cuộc khủng hoảng vắc-xin toàn cầu hiện nay có cội nguồn từ sự khan hiếm nguồn cung. Thị trường và các bằng sáng chế là các lý do cơ bản hạn chế khả năng tiếp cận vắc-xin, và chúng có nguồn gốc sâu xa từ trật tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu, ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở mức nghiêm trọng.

Tháng 7 năm ngoái, Nam Phi, và sau đó là Ấn Độ, đã đệ trình lên Hội đồng sở hữu trí tuệ (TRIPS) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đề xuất về Sở hữu trí tuệ và Lợi ích công cộng, đề xuất sự tiếp cận toàn diện với tính linh hoạt của TRIPS, nhằm cho phép sự tiếp cận rộng rãi, linh hoạt và hợp lý với các sáng chế về vắc-xin và các giải pháp chữa bệnh trong ứng phó với đại dịch.

Báo cáo của Nam Phi cũng đề cập đến thực tế, là sáng kiến Nhóm tiếp cận công nghệ Covid-19 (C-TAP) của Tổ chức Y tế thế giới.

Sáng kiến này kêu gọi các chủ sáng chế tự nguyện cấp phép sử dụng trên cơ sở “không độc quyền và toàn cầu cho nhóm Bằng sáng chế thuốc và/hoặc thông qua các cơ chế nghiên cứu và phát triển y tế công cộng, hiệp hội hoặc các sáng kiến tạo điều kiện tiếp cận toàn cầu và minh bạch”. Nó đã không nhận được sự ủng hộ của các công ty đa quốc gia.

Không có công ty nào cam kết làm như vậy, “cấp phép tự nguyện, có giới hạn, độc quyền và không minh bạch là cách tiếp cận ưa thích của các công ty dược phẩm, và sẽ không đủ để giải quyết nhu cầu của đại dịch” - báo cáo của Nam Phi đánh giá. Nhưng những nỗ lực của Nam Phi và Ấn Độ không nhận được sự ủng hộ cần thiết của các quốc gia phát triển, cho dù nhận được sự hậu thuẫn từ 140 quốc gia khác, và bị chặn lại bởi chính các nước phát triển, nơi những chương trình tiêm chủng ích kỷ mang tính dân tộc của họ đang bắt đầu.

Nhiều tiếng nói kêu gọi sự ứng xử đạo đức đã bắt đầu từ chính các quốc gia phương Tây. Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ, lưu ý rằng, chính phủ Mỹ có thể giúp tăng cường năng lực sản xuất toàn cầu bằng cả việc can thiệp chính sách và yêu cầu sự hợp tác của phía công ty dược phẩm nhờ nới lỏng một số bằng sáng chế, cho phép triển khai vắc-xin trên toàn cầu, ở bất kỳ đâu có khả năng làm việc đó.

Các quốc gia phương Tây có nhiều lý do và khả năng, cả về tiềm lực kinh tế, luật pháp và đạo đức để thúc đẩy việc tăng khả năng tiếp cận vắc-xin trên toàn cầu thông qua việc chia sẻ sáng chế và hỗ trợ tổ chức sản xuất.

Nỗ lực hợp tác công tư

Trước hết, các thành quả của vắc-xin hôm nay là một nỗ lực hợp tác công tư, việc phát triển vắc-xin chủ yếu được tài trợ bởi ngân sách công. Mỹ và châu Âu đã đổ nhiều nguồn lực to lớn vào việc hỗ trợ nghiên cứu phát triển và đặt mua trước vắc-xin nhằm loại bỏ rủi ro cho các công ty nghiên cứu.

Mỹ đã chi 2,48 tỷ USD vào vắc-xin mới của Viện Y tế quốc gia (NIH)/Moderna, chính phủ Đức cũng đã cung cấp 445 triệu USD để phát triển vắc-xin Pfizer-BioNTech.

Sự can dự này, cùng với thực tiễn từ việc cấp giấy phép cưỡng bức trong giải pháp điều trị cho thấy, phương Tây hoàn toàn có thể tạo ra áp lực buộc các công ty dược phải chia sẻ sáng chế và công nghệ thông qua hỗ trợ khoản phí chuyển giao công nghệ 1 lần và giấy phép thông qua tiền phí bản quyền trên doanh số ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Nga bắt đầu cung cấp vắc-xin Sputnik V cho châu Phi

Về mặt chính trị, các quốc gia phương Tây đã được nghe Tổng thống Pháp Macron cảnh báo ở hội nghị G7 hôm 19/2 về viễn cảnh châu Phi sẽ chuyển sang sử dụng vắc-xin của Nga và Trung Quốc. Viễn cảnh này đe dọa sự ảnh hưởng, vị thế của phương Tây và kêu gọi các quốc gia đang phát triển phân bổ tới 5% nguồn cung cho các nước nghèo nhất một cách nhanh chóng.

Cho dù chưa nhận được cam kết cụ thể từ G7, nhưng các quốc gia này cũng đã có thể cảm thấy sự nhột nhạt, khi liên minh châu Phi công bố họ sẽ nhận được 300 triệu liều vắc-xin Sputnik V từ Nga vào tháng 5. Việc mở rộng khả năng tiếp cận vắc-xin là thành tố quan trọng để củng cố địa vị của phương Tây ở các nước khác. Và Nga đã đi trước họ, trong khi phương Tây từ chối, Nga đã tiếp nhận lời đề nghị.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận để bắt đầu sản xuất Sputnik V, ngay cả khi nước này đã mua 50 triệu liều vắc-xin của Trung quốc và 4,5 triệu liều của Pfizer-BioNTech. Nga cũng đã chia sẻ sáng chế và sản xuất Sputnik V ở Brazil, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Sau khi tạp chí Lancet công bố Sputnik V có tỷ lệ thành công 91,6% trong các thử nghiệm giai đoạn cuối với 20.000 người tham gia, có vẻ sẽ có nhiều quốc gia theo chân Hungary để phê duyệt và sử dụng Sputnik V thay vì chờ đợi các ông lớn dược phẩm phương Tây.

Lợi ích cho người dân

Thúc đẩy chia sẻ sáng chế và công nghệ sản xuất vắc-xin, vì vậy, là một lợi ích chính trị đối với các quốc gia phương Tây.

Ở một khía cạnh khác, một số nhà khoa học cho rằng, dòng vắc-xin mới do Moderna, Pfizer-BioNTech và một số loại đang phát triển là vắc-xin ARN thông tin (mRNA) dễ chế tạo hơn, dễ mở rộng quy mô sản xuất. Với việc hợp tác chuyển giao công nghệ, năng lực sản xuất mới, bao gồm cả vắc-xin mRNA, có thể tăng lên trong vài tháng.

Một nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Madrid (Tây Ban Nha) được tiêm phòng Covid-19. Ảnh: Reuters

Một năm trước, chưa có công ty nào trên thế giới sản xuất vắc-xin mRNA ở quy mô lớn; bây giờ hàng trăm triệu liều đang được sản xuất. Nhiều nhà sản xuất vắc-xin đã trang bị thêm hàng chục nhà máy - hầu hết trong vòng chưa đầy 6 tháng. Ví dụ, công ty Lonza của Thụy Sĩ đã lập kế hoạch sản xuất vắc-xin Moderna trong 2 hai tháng kể từ khi nhận được các bí quyết công nghệ.

Các nước thu nhập thấp và trung bình hoàn toàn có thể đạt được tiến bộ nhanh chóng như vậy. Ví dụ, Biovac và Aspen ở Nam Phi, Viện Pasteur ở Senegal, Vacsera ở Ai Cập, Viện Huyết thanh của Ấn Độ,… có thể nhanh chóng trang bị lại các nhà máy để sản xuất vắc-xin mRNA. Và có rất nhiều cơ hội khác trên khắp thế giới.

Bài toán kinh tế cũng không phải là một thách thức. Khoản chi 12 tỷ USD nhằm tài trợ cho việc phát triển và tiếp cận vắc-xin từ Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 10 năm ngoái, trong gói tổng thể lên đến 160 tỷ USD của Nhóm Ngân hàng thế giới đến tháng 6/2021 nhằm giúp các nước đang phát triển chống lại đại dịch Covid-19, và 4 tỷ USD thông qua IFC để sản xuất, trên thực tế đã không triển khai được đáng kể, do thiếu nỗ lực chuyển giao bí quyết và công nghệ.

Mở cửa công nghệ vắc-xin và hỗ trợ để các nước trên thế giới, đặc biệt là quốc gia đang phát triển, sản xuất vắc-xin có thể giúp chấm dứt đại dịch trên toàn cầu. Đối với những nước đang phát triển, bên cạnh những nỗ lực để mua và phát triển vắc-xin, cũng cần sẵn sàng để tổ chức sản xuất khi được chia sẻ, và hơn thế, cần và nên thúc đẩy những sáng kiến để có thể sớm sản xuất vắc-xin cho chính mình và cộng đồng.

Phạm Quang Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/mot-con-duong-khac-cho-vaccine-covid-19-717034.html