Một cổ phiếu dược tăng gần 30% chỉ sau 2 phiên

Với biên độ giao dịch lên tới 15% trên thị trường UPCoM, thị giá cổ phiếu dược MKP đã tăng gần 30% chỉ sau hai phiên 18 và 21/2.

Hai phiên giao dịch chứng khoán ngày 18 và 21/2, cổ phiếu MKP của Công ty cổ phần Hóa - Dược phẩm Mekophar tăng trần ngay từ khi mở cửa với thanh khoản rất thấp. Với biên độ giao dịch lên tới 15% trên thị trường UPCoM, thị giá MKP đã tăng gần 30% chỉ sau hai phiên, tạm dừng ở mức 56.400 đồng/cp vào ngày 21/2.

Dù thanh khoản khớp lệnh trung bình chưa đến 10.000, số lượng dư mua giá trần cổ phiếu MKP lên đến hàng trăm nghìn. Đà tăng của MKP diễn ra trong bối cảnh Hóa - Dược phẩm Mekophar là 1 trong 3 công ty Việt Nam sản xuất thuốc trị COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành chiều 17/2 với thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg.

Mặc dù không tăng kịch trần, sắc xanh cũng hiện diện trên nhiều cổ phiếu dược, y tế quy mô nhỏ khác trong phiên hôm 21/2 như CDP (+7,6%), VMD (+6,2%), DDN (+5,3%), DVN (+4,1%), DP3 (+3,8%), DBT (+3,2%) hay LDP (+3%). Ngược lại, giá một số cổ phiếu dược có vốn hóa lớn như DHG, IMP, DHT vẫn giảm.

Đây có thể là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu dược, một trong các nhóm cổ phiếu phòng thủ trên thị trường, đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.

Triển vọng của nhóm cổ phiếu dược

Báo cáo triển vọng ngành dược phẩm của Chứng khoán SSI dự báo lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe có thể tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với giá các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc men dự kiến tăng nhẹ.

Nhóm phân tích nhận định nhu cầu chăm sóc sức khỏe sẽ phục hồi và tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trong năm 2022, ước tính chi tiêu y tế trong nước sẽ trở lại mức bình thường trong năm 2022, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.

"Tác động từ dịch COVID-19 sẽ ít nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí mang lại một số lợi ích tích cực. Với 70% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, trong khi các biến thể COVID-19 mới có thể ít nguy hiểm hơn với tỷ lệ nhập viện thấp hơn.

Khối phân tích SSI dự báo nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong năm 2022 sẽ sớm vượt qua mức trước dịch COVID, với số lượt đến thăm khám tại bệnh viện hồi phục về mức bình thường và nhóm dược phẩm sẽ có thêm phần doanh thu đáng kể từ các dòng thuốc hạ sốt và vitamin (được sử dụng thường xuyên để điều trị các triệu chứng COVID nhẹ).

Đặc biệt, nhiều công ty dược Việt Nam đã nhận công thức sản xuất thuốc điều trị COVID (do Pfizer và MSD chuyển giao) và có thể sớm thương mại hóa trong năm 2022.

SSI ước tính lợi nhuận của các công ty chăm sóc sức khỏe tăng 15% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng 12% và tăng giá dự kiến từ 4 - 6% đối với cả thuốc và các dịch vụ y tế. Việc tăng giá là tất yếu do các công ty dược phẩm đã phải ứng phó với việc giá nguyên liệu (API) tăng cao, trong khi các bệnh viện phải đối mặt với nhiều chi phí hoạt động đắt đỏ trong hai năm qua khi đại dịch bùng phát.

Nhóm các công ty dược phẩm có thể đạt mức tăng trưởng cao trong cả năm 2022. Kết quả kinh doanh có thể tích cực ngay trong nửa đầu năm 2022 khi người dân dự trữ thuốc cho biến thể Omicron mới.

Với mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022, nhóm phân tích của Chứng khoán SSI cho rằng ngành chăm sóc sức khỏe sẽ có cơ hội tăng giá khá tích cực. Đặc biệt, cổ phiếu dược tiếp tục là nhóm ngành phòng thủ hấp dẫn trong thời kỳ dịch bệnh bất ổn.

Thiên Uyên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/mot-co-phieu-duoc-tang-gan-30-chi-sau-2-phien-nho-tin-san-xuat-thuoc-tri-covid-19-d27731.html