Một cô giáo quản 70 học sinh trong lớp là chưa phù hợp

Sở Giáo dục Hà Nội đề xuất nếu sĩ số học sinh trong một lớp học 70 học sinh thì tăng giáo viên, một cô quản lý số học sinh đông là chưa phù hợp

Chiều 28/8, thông tin về công tác chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, năm học này, Hà Nội có 2.689 trường và 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường, tăng 109.930 học sinh, trong đó bậc giáo dục tiểu học có 737 trường và 733.110 học sinh (tăng 9 trường và tăng 54.330 học sinh).

Phó Giám đốc Sở Giáo dục-ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang thông tin về công tác chuẩn bị năm học mới.

Năm học này, ngành giáo dục Thủ đô tập trung 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản. Một trong những điểm mới đáng chú ý của năm học này là tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Theo đó, nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế trong các cơ sở giáo dục là một trong những bước đột phá của ngành giáo dục Thủ đô.

Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc- Chứng chỉ A level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An từ năm học 2017 -2018; năm học 2018-2019, mô hình song bằng tiếp tục được mở rộng trên địa bàn thành phố. Cụ thể triển khai đề án thí điểm đào tạo Chương trình song bằng THCS Việt Nam-IGCSE, Cambridge ở 7 trường THCS; chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc- Chứng chỉ A Level, Cambridge tại trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam.

Trao đổi với báo chí về thí điểm song bằng ở các trường học, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, chúng ta luôn mong muốn hướng tới những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nếu không có một bộ phận tiên phong đi trước thì rất khó đáp ứng yêu cầu giáo dục chất lượng cao, rất khó hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu đổi mới cho nên cần thiết phải thực hiện việc thí điểm trên.

Ông Quang phân tích: Hệ thống các trường chuyên trong cả nước là nhà nước bỏ tiền đặt hàng với giáo dục với mong muốn có sản phẩm cao hơn mức bình thường. Vấn đề là các trường chuyên đã đáp ứng được yêu cầu theo bối cảnh hiện tại, chắc chắn là chưa. Yêu cầu đó đồng thời nhu cầu của người dân cũng chưa được đáp ứng. Nhà nước cũng không thể đủ ngân sách để đáp ứng được tất cả mọi trường có chất lượng như trường chuyên. Vì thế cần phải đa dạng hóa loại hình trường công tư, đa dạng hóa sản phẩm giáo dục chất lượng cao”.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục, mô hình giáo dục chất lượng cao phù hợp với Luật Thủ đô và được Thành ủy- HĐND thành phố thông qua. Song bằng tích hợp chính là một phần trong chương trình trong giáo dục hiện nay. Trong đó, học phí được tính toán thu đủ chi, cơ chế tài chính chủ yếu thu cho người dạy, trang thiết bị và các vấn đề khác nhà nước cung cấp. Mức học phí đó so sánh với các chương trình tương tự ở các trường tư là chưa hẳn cao. Mặt khác ngành giáo dục đang hướng tới trường công nâng mức tự chủ một phần đến tự chủ hoàn toàn về ngân sách “Nguyện vọng này xuất phát từ nhu cầu của người dân và họ tham gia rất hào hứng. Các trường tư tổ chức mô hình song ngữ ngành giáo dục cũng hoàn toàn ủng hộ, tuy nhiên chương trình chúng tôi phê duyệt”, ông Quang nói.

Liên quan đến việc một số trường có số lượng học sinh quá tải 60-70 học sinh trong một lớp học. Lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội cho hay, 10 năm qua học sinh của Hà Nội tăng (41%), phòng học tăng 39% cơ bản đáp ứng được nhưng không đều có khu vực nhiều nhà nhưng không nhiều trường.

Việc Hà Nội có tổ chức cho học sinh nghỉ 2 buổi vào ngày cuối tuần của học sinh THCS trong bối cảnh Hà Nội phòng học đang không có. Theo ông Quang, nếu như có đủ điều kiện mà tổ chức cho học sinh nghỉ 2 buổi ngày cuối tuần là rất tốt. Nhà trường sẽ phối hợp với xã hội tổ chức các hoạt động cuối tuần giáo dục học sinh. “Tuy nhiên, hiện một số trường học ở Hà Nội học sinh có xí số cao lên đến 60-70 em một lớp là một thực tế bất khả kháng. Việc xí số cao có thể một phần do phụ huynh dồn vào một khu vực nhất định.

“Chúng tôi sẽ kiểm soát câu chuyện này, qua công tác tuyển sinh trái tuyến, đúng tuyến; đồng thời bổ sung phòng học để giảm xí số cao. Chúng tôi đề xuất nếu xí số học sinh trong một lớp học 70 học sinh thì tăng giáo viên, còn một cô quản lý từng đấy số học sinh là chưa phù hợp. Đây là giải pháp tình thế nhưng dù hoàn cảnh nào thì cũng phải đảm bảo chất lượng giảng dạy học sinh, còn giảm được xí số học xuống theo đúng chuẩn của Bộ 35 học sinh/lớp là tốt nhất”, ông Quang nói./.

Đ. Hưng/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/mot-co-giao-quan-70-hoc-sinh-trong-lop-la-chua-phu-hop-805913.vov