Một cô giáo 'phản pháo' dư luận 'chê trách chuyện khai giảng'

Tại sao lại phải giữ khai giảng, tại sao khai giảng rình rang? Tại bởi dân tộc nghèo khó đói ăn kém mặc thất học nên học là khao khát, khi được đi học là hân hoan.

Đã gần như thành thông lệ, mỗi năm cứ gần đến dịp khai giảng trên toàn quốc là lại có những ý kiến “phàn nàn” xung quanh ngày đặc biệt này. Một số người cho rằng do nhiều trường đã “bắt” học sinh đi học từ 15/8 và phải mãi đến 5/9 mới khai giảng là một sự hình thức “không cần thiết”, hoặc là khai giảng luôn hoặc bỏ hẳn ngày khai giảng, “như Tây””. Rồi những ý kiến quanh câu chuyện bắt học sinh đi tập dượt khai giảng… cũng khiến nhiều bậc phụ huynh tỏ ra bức xúc.

Vậy các thầy cô giáo và nhà trường nghĩ sao về những ý kiến này của phụ huynh? Infonet xin giới thiệu ý kiến của một giáo viên (xin được không nêu tên) đang giảng dạy tại một trường THPT trên địa bàn thủ đô Hà Nội.

Học chán chê rồi mới khai giảng

Vài năm gần đây, vì nhiều lý do khách quan như thiên tai dịch bệnh bất ngờ, phức tạp; do các kì thi tổ chức chung toàn quốc, do phụ huynh mong muốn con em được kéo dài kì nghỉ lễ tết để người làm ăn xa có thể về được quê hương... nên các Sở giáo dục cho học sinh học từ 15/8 (thêm nửa tháng), để bù vào những ngày bị “cắt xén” vì các lý do đó.

Lúc đầu, phụ huynh phàn nàn rằng “chắc (nhà trường-PV) lại bắt học sớm để nã thêm tiền”. Nhưng sự thật thì sao? Hầu hết các nhà trường phải hoạt động sớm hơn, mà nửa tháng đó không thu thêm một xu nào. Học phí vẫn chỉ thu 9 tháng. Như thế thì nhà trường có lợi hay phụ huynh có lợi?

Sau, các phụ huynh lại “chửi” là hình thức, giả dối, học chán chê rồi mới khai giảng, “lùa” các cháu đến trường chán chê rồi mới lại khai trường. Nhưng ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam mới (lời Hồ Chủ Tịch trong Thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai trường) là 5/9/1945, tức 3 ngày sau ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi trở thành truyền thống, giống như Valentine phải là 14/2, Halloween 31/10... Như vậy, thông lệ đã phải thay đổi do điều kiện chủ quan và khách quan.

Khai giảng tập dượt rình rang học sinh vất vả?

Thử nghĩ xem, trong gia đình người Việt thường chỉ có 2 đứa con mà nhiều khi cha mẹ còn phải “rát cổ bỏng họng” vẫn không “điều hành” được chúng nói gì đến chuyện vài nghìn đứa trẻ. Không hướng dẫn, tập dượt vài ba bận, không nói đi nói lại nó đâu có nhập tâm. Đến lúc tổ chức lễ khai giảng, học trò nhốn nháo các vị phụ huynh lại “chửi” là có mỗi ăn với dạy thôi mà buổi khai giảng còn làm như cái chợ.

Cũng phải thừa nhận, lúc đầu một số trường có bệnh hình thức, làm hoành tráng quá, bắt trẻ tập dượt vài ba ngày, mỗi ngày vài ba tiếng. Sau thấy rườm rà nóng bức vất vả, thì tập 1,2 buổi. Có phải chỉ trò nhễ nhãi đâu, trò tập tới đâu thì cô theo tới đó, không lúc nào rời hiện trường.

Tại sao lại phải giữ khai giảng, tại sao khai giảng rình rang? Tại bởi từ xa xưa dân tộc nghèo khó ít được học hành, nên đến lúc được đi học là khao khát, khi được đi học là hân hoan.

Còn ở một số quốc gia khác, họ sung túc đủ đầy, đi học là đương nhiên, là chuyện bình thường chả đáng coi là lễ hội, họ đến làm thủ tục 5 phút xong rồi vào học luôn. Thì kệ họ. Tại sao phải nhất thiết theo họ, khi mình vẫn đang vui?

Bọn trẻ, có cháu nào đi khai giảng mà không vui là do cháu nội tâm hơi khép kín. Còn hầu hết chúng vui. Các thầy cô già thế còn vui cơ mà. Còn chuyện khai giảng rình rang, thì hãy nhìn các trường dân lập người ta khai giảng mà phát thèm, đúng là một lễ hội hoành tráng, náo nức. Có lẽ, học sinh, cháu nào cũng mong được dự một ngày khai trường như thế.

M.H

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/mot-co-giao-phan-phao-du-luan-che-trach-chuyen-khai-giang-post273724.info