Một chuyến du ngoạn Thường Xuân

Thường Xuân được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, với phong trào Cần Vương của danh nhân Cầm Bá Thước, vùng đất của phong tục tập quán độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Mường, với sản vật tiến vua nổi tiếng 'Quế ngọc châu Thường' và những món ăn dân dã, đậm đà khó quên...

Lễ hội đền Cửa Đặt thu hút đông đảo du khách.

Để phát huy lợi thế sẵn có, huyện Thường Xuân đã và đang tích cực quan tâm đầu tư nhằm biến nơi đây trở thành những khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với du lịch tâm linh thu hút du khách.

Một buổi sáng mùa thu trong trẻo, thoáng đãng, chúng tôi có chuyến du ngoạn ngược mạn rừng Thường Xuân. Chẳng hiểu vì sao khi đặt chân tới vùng đất này chúng tôi lại có cảm giác quyến luyến đến vậy. Được đắm mình trong vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, ngắm nhìn những bản làng giữa bạt ngàn cây cối, hương quế thoang thoảng bay tới khiến cho lòng thư thái vô cùng, cảm giác bình yên luôn ngự trị ở nơi này. Chiều chiều ngồi bên bờ suối nghe tiếng suối róc rách, tiếng mõ lóc cóc khi đàn trâu đi ăn trở về. Đêm xuống bên đống lửa trại cùng các chàng trai, cô gái Thái, Mường ngây ngất bên chum rượu cần, đắm say với điệu múa xòe, nhảy sạp cùng tiếng khèn, tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng, thật còn gì bằng!

Trong không khí rộn ràng ấy, chúng tôi được các già làng, trưởng bản kể cho nghe vài nét độc đáo về nơi này. Vùng đất Thường Xuân đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài, liên tục, gắn kết chặt chẽ với tiến trình và truyền thống lịch sử của tỉnh và đất nước. Trong tiến trình phát triển ấy con người nơi đây đã để lại rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, đó là những dấu tích hoạt động của người nguyên thủy được phát hiện và khai quật ở các di chỉ hang Bát Mọt (xã Bát Mọt) và hang Lù (xã Xuân Cao), Di tích Hội thề Lũng Nhai, hòn Mài Mực, Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng ngàn, Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Làng Hồ, Di tích kháng chiến hang Lãm...

Du khách đến đây được sống lại không khí của Hội thề Lũng Nhai tại xã Ngọc Phụng, trên đồi Bãi Tranh. Được nghe kể về tinh thần khí phách của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi và 18 người hiền kiệt tuyên thề trong Hội thề Lũng Nhai. Những địa danh và truyền thuyết qua tên làng, tên đất do Lê Lợi đặt cho và nhân dân dựng nên nhằm ghi nhớ những kỷ niệm về Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trên đất Thường Xuân đã góp phần cùng với các vùng miền Thanh Hóa tạo nên một bức khảm lung linh sắc màu.

Du khách đến tham quan và dâng hương tại đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn là khu di tích vừa gắn liền với tín ngưỡng tâm linh, vừa là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp. Mùa lễ hội tại di tích là một trong những nơi có thời gian dài nhất so với các di tích trong tỉnh. Hàng năm, vào dịp từ đầu tháng giêng đến tháng 3 âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn để dâng hương cầu lộc, cầu tài. Đến lễ hội, mỗi du khách dễ dàng mang về một sản vật của núi rừng mà người dân nơi đây gọi đó là “lộc”, những sản vật đơn sơ, mộc mạc, như: Cành quế, bó chè, nắm rau má, ống cơm lam...

Từ đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn nhìn sang phía bên kia là Công trình Thủy lợi, Thủy điện Cửa Đạt hùng vĩ. Từ trên mặt đập phóng tầm mắt về bốn phía sẽ được thưởng thức bức tranh sơn thủy hữu tình, có non có nước và những dãy núi trùng điệp bốn mùa mây mù che phủ. Với mặt hồ rộng 3.300 ha, nơi sâu nhất 80m, vùng sâu trung bình 30m rất phù hợp cho dịch vụ du thuyền ngắm cảnh, câu cá và thưởng thức những món ăn dân dã trên thuyền, hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Thường Xuân còn được biết đến là nơi có lễ hội Cửa Đạt nổi tiếng thu hút hàng chục vạn lượt du khách tham quan dâng hương hàng năm. Ngoài ra còn rất nhiều lễ hội, như: Lễ hội Nàng Han, lễ hội dâng trâu trắng tế trời Pú Pen, lễ hội rước Thành Hoàng làng đình Làng Hồ (xã Thọ Thanh) cùng nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, như: Tung còn, tó lẹ... và các làng nghề truyền thống, như: Dệt thổ cẩm, đan lát, thủ công mỹ nghệ, mộc. Thường Xuân là huyện miền núi đa phần là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, do vậy ở vùng đất nơi đây gắn liền với nét sinh hoạt văn hóa và ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, như: Cơm lam, cá nướng, canh uôi, các loại chẻo, đồ chấm... được chế biến công phu từ các nguyên liệu tự nhiên sẵn có. Đặc biệt là các loại đặc sản, như: Cá mướn, cá sứt mũi, cá thiết lình, cá lăng, cá leo, lợn cỏ, gà đồi... mang lại cảm giác lạ miệng cho du khách khi đến với nơi này.

Đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ở vùng rừng thượng nguồn sông Chu, nơi đây được ví như Amazon của Việt Nam bởi có hệ động vật và thảm thực vật đa dạng, phong phú, có nhiều loại được ghi tên trong sách đỏ thế giới; có hệ thống sông suối, thác nước tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Hiện nay khu bảo tồn đã xác định các tuyến, điểm và đang triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ khai thác, phát triển du lịch sinh thái, gồm: Tuyến du lịch sinh thái trên lòng hồ Cửa Đạt gắn với điểm dừng nghỉ chân thưởng thức ẩm thực ở ngã ba Sông Khao; du lịch sinh thái thác Yên, thác Thiên Thủy; du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh và quần thể cây di sản pơmu, samu. Bên cạnh đó, khu bảo tồn còn hỗ trợ các khu, điểm du lịch trên địa bàn triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch địa phương, tham gia trong công tác bảo tồn các giá trị làng cổ, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, khôi phục các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, mây tre đan... và các lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, dân vũ, trò diễn dân gian, khặp Thái...

Nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, chạy qua con đường uốn lượn với hai bên là những cánh rừng xanh ngát, thác Thiên Thủy hiện ra trắng xóa từ trên cao đổ xuống như một dải lụa nằm vắt trên vách đá cheo leo. Cái tên Thiên Thủy bắt nguồn từ câu chuyện về tín ngưỡng của đồng bào người Thái đặt cho dòng thác này. Theo điển tích, ngày xưa thác có tên là thác Mù, do dòng thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Gió nơi bốn mùa quanh năm mây phủ, giữa sương giăng mờ ảo mây trời, một dòng thác hiện ra trắng xóa từ lưng chừng núi thác có tên Thiên Thủy (nước trời) cũng từ đó, vào những hôm trời mây mù những ai được ngắm nhìn thời khắc dòng thác hiện ra trong mờ ảo sẽ gặp được rất nhiều may mắn. Và cách đó không xa, thác Yên có vẻ đẹp hiền hòa thơ mộng ví như mái tóc dài của nàng sơn nữ hiện ra giữa đại ngàn xanh. Thác Yên nằm yên bình bên hồ Cửa Đạt, với độ cao của dòng thác hơn chục mét, xung quanh thác có quần thể thực vật nguyên sinh, phong phú, với nhiều núi đá, hang động, đẹp đến mê lòng...

Một chuyến du ngoạn Thường Xuân với biết bao điều lý thú, du khách khi về không quyến luyến sao được. Mong muốn với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Thường Xuân sẽ sớm phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đúng như chia sẻ của ông Cầm Bá Huyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân: Để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, huyện đã ban hành nghị quyết và đề án phát triển du lịch huyện Thường Xuân giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó huyện tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư các dự án cho từng thời kỳ. Huyện cũng xây dựng cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Mục tiêu đến năm 2020 phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng du lịch hiện có gắn với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/ed9if6/new-article.aspx