Một chuyến đi săn

Sau những ngày mưa dầm dề, hôm nay mới tinh mơ trời đã tỏa những tia nắng trong veo, nắng ở miền núi thả xuống vạt rừng chỗ sáng bừng chỗ nắng không tới thì bảng lảng sương, cây cỏ xanh mướt rất dễ chịu. Mấy con chim chèo bẻo đậu trên vòm cây sau sau cổ thụ phía sau nhà thi nhau cất tiếng hót véo von, còn lũ chim sâu, chim sẻ lích rích trên tán lá bưởi trước hiên nhà nghiêng ngó cành trên, cành dưới đến là vui tai.

Minh họa: Hoàng Chinh

Minh họa: Hoàng Chinh

Phặn đặt bát cơm chan ít canh rau cho chú chó Nhúc cũng phải nheo mắt ngẩng lên tán lá, nét mặt cậu ta phấn chấn hẳn lên: “Ăn no vào Nhúc nhá hôm nay đi rừng ăn muộn mệt đấy”. Con Nhúc chừng như hiểu ý cậu chủ, nó hơi nghiêng nghiêng đầu nhìn Phặn khẽ ư ử: “Nào ăn nhanh để còn đi không ông nội quát bây giờ”. Phặn vuốt vuốt lưng con Nhúc giục nó. Con Nhúc vừa tròn hai tuổi, bộ lông màu đen tuyền, hai tai cụp xuống, Nhúc là giống chó săn nòi, mỗi khi đánh hơi thấy con mồi nó đang chạy bỗng đứng sững lại, mặt hếch lên, đầu hơi nghiêng, hai tai dỏng lên, mũi khịt khịt đánh hơi... thế rồi nó chồm lên làm sợi dây trong tay Phặn căng ra kéo nó lại. Một khi con Nhúc đã đánh hơi thì chắc chắn con mồi ở cách đó không xa, những người thợ săn dõi theo cử chỉ của con Nhúc và hướng khẩu súng kíp về nơi con Nhúc đang lao tới.
- Pa thằng Phặn đã xem lại tên và nỏ chưa? Ông nội của Phặn rít điếu thuốc lào rồi phả một hơi đầy sảng khoái nói to.
- Con chuẩn bị cẩn thận rồi pa à! pa của Phặn nói vọng lên từ dưới gầm sàn, chả là pa đang bận rộn cuộn sợi dây thừng được bện bằng vỏ cây mạy po.
- Thằng Phặn cho con Nhúc ăn no chưa hả con? Ông nội vừa vun tro lên củi than đỏ rực để ủ vừa hỏi.
- Con chăn nó rồi ông ạ! Phặn háo hức buộc mõ dao vào sau lưng trả lời.
- Ké Ho ơi đi thôi! Tốp thợ săn có chú Vực, chú Khả, anh Nông, anh Bơ lịch kịch súng kíp, nỏ, ống tên cùng chiếc túi pác mạ đeo chéo bên hông đựng cơm nắm, rượu, nước uống và cả đạn ghém nữa.
Riêng Phặn không phải mang vác gì, nhiệm vụ chính của cậu là chăn dắt, điều khiển con Nhúc. Công việc này không hề dễ dàng chút nào, đòi hỏi người cũng phải xông xáo, nhanh nhẹn, hoạt bát mới có thể theo được con Nhúc, nhất là khi nó phát hiện ra con mồi, nó lao đi rất nhanh. Năm nay Phặn cao vổng lên, dù cậu mới bước vào mười bốn mùa quả chín. Chuyến đi săn này là chuyến thứ ba Phặn được ông nội và pa cho đi săn, hơn nữa đây là dịp nghỉ hè, chứ bước vào năm học thì có nài nỉ đến mấy người lớn cũng không cho cậu theo.

Ké Ho vốn là thợ săn nổi tiếng trong vùng, dù đã ở tuổi bảy mươi nhưng mắt ké còn sáng lắm, lớp con cháu ai cũng nể phục sự lanh lẹ, tinh tường, nhắm bách phát bách trúng con thú. Vì vậy mỗi chuyến đi săn có ké Ho thì phường thợ săn ít khi về tay không, thường thì con lợn rừng mõm dài ngoằng, khi thì con hoẵng, con cầy... Phặn dắt con Nhúc đi ngay theo sau ông nội, cậu háo hức quên cả những bụi cây, lau lách ven lối mòn ủ đầy sương quệt vào quần áo ướt như dính mưa, thậm chí cậu không cảm thấy rát mặt tẹo nào khi có cành lá táp vào mặt. Con Nhúc rất khôn, nó không bao giờ cất tiếng sủa bừa bãi như những con chó khác khi được vào rừng! Mặc dù con Nhúc cũng khá hưng phấn trong các cuộc đi săn, nó rất thận trọng đánh hơi dò tìm con mồi, chỉ khi còn cách con mồi vài chục bước chân nó mới đột ngột lao lên kéo theo cả Phặn, cũng may cậu cao lớn trước tuổi nên theo sát được con Nhúc.
Đường vào Đông Phia càng đi càng rậm rạp, heo hút, nhiều chỗ phải leo qua những tảng đá to mốc thếch chắn ngang lối mòn bị những lùm cây cao quá đầu người hai bên đường che lấp vì rất ít người qua lại nơi đây. Khi cái nắng chênh chếch lưng núi Đông Phia cũng là lúc tốp thợ săn dừng dưới chân núi. “Gâu... gâu...”, con Nhúc ngẩng đầu lên trên núi sủa vang cả cánh rừng, tiếng sủa của nó vọng vào đá dội ngược lại. Con Nhúc bám vào vách đá cao bắt đầu đi lên, lúc này thì Phặn không còn theo Nhúc được nữa vì chó leo lên rất nhanh. “Con thả nó ra”. Pa quay sang cậu con trai đang bám vào vách đá đu người lên. “Phặn à, con ở dưới này trông đồ đi!”. Ông nội nhỏ giọng mà nghiêm. Phặn đành bám đá giật lùi xuống, mặt cậu buồn rượi. Gì thì gì, kể cả pa mẹ cũng vậy, chưa ai dám trái lời ông nội bao giờ!
Phặn ngước lên: ông nội vẫn là người bám đá trèo lên đầu tiên rồi đến anh Bơ, anh Nông, Pa và chú Khả, chú Vực. “Hú... khéc... khéc”, những tiếng hú gọi bầy hoảng loạn của lũ khỉ trên đỉnh núi. “Đoàng”. “H... ú”, sau phát súng kíp là tiếng kêu thất thanh của một con khỉ. Đúng lúc ké Ho nhô đầu lên: Một con khỉ đực rất to mắt nâu vẻ đau đớn sợ hãi tột độ. Một chân nó đẫm máu. Nó đã bị thương cố cà nhắc chạy lên mỏm đá cao nơi có con khỉ cái và chú khỉ con run rẩy bám chặt lấy mẹ nó trước cửa hang. Anh Bơ giương khẩu súng kíp nhắm. “Khoan... đừng bắn”. Ông nội vội kêu lên. Mọi người tựa vào vách đá nhìn ké Ho không hiểu.
Ké Ho nhô đầu lên đỉnh núi kịp nhìn thấy con khỉ mẹ nước mắt giàn giụa, còn con khỉ đực thì chắp hai tay van xin. Ké Ho động lòng trắc ẩn. “Thôi tất cả xuống núi đi, không săn nữa”. Tốp thợ săn đang mừng thầm vì vớ được lũ khỉ này đem về lấy xương nấu cao thì tuyệt hảo bỗng tiu nghỉu, tuyệt nhiên không ai dám trái lời ké Ho. Họ lục tục xuống núi.
Từ hôm ấy về ké Ho treo súng lên vách nhà tuyên bố “từ nay ta xin thề với tổ phụ sẽ bỏ hẳn nghề đi săn”; hình ảnh con khỉ đực bị thương chắp tay van xin, còn con khỉ mẹ thì giàn giụa nước mắt ôm con cứ ám ảnh ké suốt dọc đường về.
Ngoài việc giỏi săn bắn, ké Ho còn là một thầy lang bốc thuốc chữa trị nhiều bệnh, bởi lẽ từ xa xưa gia đình ké đã có nghề gia truyền thuốc nam rất uy tín.
Dạo này chuyển mùa, người già, con trẻ trong vùng bị đau nhức, cảm cúm đến nhà ké chữa trị rất nhiều, vì ở bản đi trung tâm y tế cũng mất nửa ngày đường. Nhiều cây thuốc chữa cho bệnh nhân đã hết. Sớm nay, ngay từ khi sương còn ngủ trên nóc nhà, ké đã đeo gùi lên núi tìm cây thuốc. Từ lần đi săn cách đây không lâu ké đã phát hiện khu vực Đông Phia rất nhiều vị thuốc quý, tiếc là hôm nay pa thằng Phặn đi cày nương ngô, thằng Phặn thì đi học chứ không thì nhất định ké cho pa con nó theo sẽ kiếm được nhiều cây thuốc hơn. Mải đào rễ cây ở lưng chừng núi, ké Ho nhễ nhại mồ hôi, khuôn mặt quắc thước của ké đỏ bừng như uống đủ rượu. Một tay ké bám vách đá, tay phải ké dùng chiếc thuổng nhỏ bới đất. Chợt một con rắn hổ mang chúa mốc thếch to bằng cổ tay người lớn nhoai từ trong kẽ đá ra, không kịp nghĩ gì thêm, ké vội buông tay để tránh cú đớp của con rắn độc. Thế rồi người ké trượt theo vách núi rơi xuống...
Ké Ho tỉnh lại người đau ê ẩm, ké cố ngóc đầu lên thấy mình nằm trên đống lá tươi, vây quanh ké là bầy khỉ. To có, bé có, ké nhận ra con khỉ đực đầu đàn từ vết thương vừa kéo da non ở chân nó, vẫn con khỉ con ôm chặt khỉ mẹ, nhưng lần này ké thấy lũ khỉ bạo dạn hơn chứ không sợ hãi, hoảng loạn bỏ chạy như lần trước ké gặp.
Ké đã hiểu ra tất cả, thì ra lũ khỉ đã cứu ké, chúng hái lá thuốc rải xuống chỗ bằng phẳng chân núi để ké nằm lên đó cho đến khi ké tỉnh lại.
Trời xâm xẩm tối, cũng là lúc dân bản vào rừng tìm thấy ké nằm trên đống lá tươi. Bầy khỉ thấy động liền trốn biệt vào hang núi.

Đoàn Ngọc Minh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/mot-chuyen-di-san-73412