Một chuyến đi nhiều ý nghĩa

Vừa qua (13/01/2018) nhằm vào dịp ngày lễ giỗ tưởng nhớ 432 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm một số cán bộ, hội viên của Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội và Hội Khoa học Xây dựng Hà Nội đã về thăm quan Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm tại huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng. Hướng dẫn đoàn là Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một nhà nghiên cứu dành khá nhiều tâm huyết của cuộc đời mình để nghiên cứu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha với chất giọng sang sảng và sự hiểu biết phong phú về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã hướng dẫn giúp đoàn chúng tôi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp, cho đến những hiện vật ở nơi đây có liên quan đến một nhân vật kiệt xuất, nhà tiên tri số một trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, một nhà nghiên cứu dành khá nhiều tâm huyết của cuộc đời mình để nghiên cứu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi, đời vua Lê Thánh Tông (tức năm Hồng Đức thứ 22 – năm 1491) tại làng Trung Anh, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương – nay là làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông sinh trưởng trong một danh gia vọng tộc, cha ông là Thái Bảo Nghiêm Quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục tinh thông lý số là con gái của quan Thượng thư Nhữ Văn Lân. Ông mất năm Ất Dậu (1585) hưởng thọ 95 tuổi.

Quang cảnh cổng khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

Năm 1986, kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Trình, người ta hay nhắc tới câu sấm tiên đoán về sự trở về của ông: "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi - Sông Hàn nối lại thì tôi lại về". Từ đấy, Trạng Trình trở về với thời đại chúng ta thực sự. Từ nhiều đời nay, những câu sấm tiên tri của Trạng Trình đã giúp cho bao chính khách biết việc mà xuất xử đúng đắn. Nhờ tài kiệt xuất này, ông thật xứng đáng với câu đối đã ghi ở đền thờ tại Bạch Vân Am: "Kế tuyệt, phù suy Chư Cát Lượng - Tri lai, tàng vãng Thiệu Nghiên Phu" (Nối được cái đã đứt, đỡ được cái đã suy như Chư Cát Lượng - Tìm hiểu việc đã qua, dự đoán việc mai sau như Thiệu Nghiên Phu).

Qua buổi giới thiệu chia sẻ của Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, tổng hợp các nguồn tư liệu từ các thành viên trong đoàn gồm các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa và các tài liệu đã được xuất bản, chúng ta bước đầu thấy một số lời Sấm ký Trạng Trình ứng nghiệm như sau:

Quảng cảnh ngôi nhà đơn sơ của nhà tiên tri số 1 Việt Nam được tái hiện lại trong khuôn viên khu di tích

Giai thoại và sự “trở lại” sau 500 năm

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là người tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn là “nhà tiên tri số 1” của Việt Nam. Người Trung Hoa thì coi ông là “An Nam lý số hữu Trình tuyền”. Thuở nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất thông minh, học đâu nhớ đó, lớn lên được theo học quan Bảng Nhãn Thượng thư Lương Đắc Bằng.

Tương truyền rằng trong một lần đi sứ, quan Thượng thư mang về bộ sách Thái Ất thần kinh, nhưng đọc cũng không hiểu hết. Thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đặc biệt thông minh hơn người, quan Thượng thư bèn trao lại cuốn sách quý ấy cho học trò. Truyền thuyết nói rằng nhờ hiểu được cuốn sách ấy mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết ra được những lời tiên tri cho hàng trăm năm sau. Những lời tiên tri cho hậu thế ấy chính là trong tập Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm mà dân gian quen gọi là Sấm Trạng Trình.

Ông Hoàng Kim Trung, Nguyên Chủ tịch Hội SVC thành phố Hà Nội chia sẻ những hiểu biết của mình về Trạng Trình

Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà tiên tri thứ hai, xuất hiện đúng 500 năm sau nhà tiên tri đầu tiên là Thiền sư Vạn Hạnh (938-1025) với những câu sấm về việc xuất hiện nhà Lý. Vô số giai thoại được dân gian truyền nhau về những lời tiên đoán của Trạng Trình trước khi sự việc xảy ra. Có giai thoại kể rằng: Tổng đốc Hải Dương có lần về thăm quê Trạng Trình. Trong lúc đi dọc sông Tuyết Giang, thấy có ngôi mộ lớn đang có nguy cơ sụp lở, quan xem xét cẩn thận mới biết là mộ của thân phụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vị quan Tổng đốc hết sức ngạc nhiên bởi Trạng Trình là thầy lý số hàng số 1 mà sao lại đặt mộ bố ở chỗ thế này, ông bèn bàn bạc với con cháu Trạng Trình và quyết định di dời lại ngôi mộ vào chỗ khác, ngầm ý muốn sửa lại lỗi xưa của Trạng Trình. Nào ngờ khi đào đến gần hộp quách, phát hiện thấy có tảng đá lớn, lật lên xem thì thấy tấm bia khắc hai dòng chữ: “Bát thập niên tiền khi chung vũ tả/Bát thập niên hậu khí nhập ư trung”, nghĩa là: Tám mươi năm trước khí tốt bên trái/Tám mươi năm sau khí tốt rời vào trong!

Trong Sấm Ký, Trạng ghi rõ về những biến thiên trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến hôm nay. Và cả cái thời khắc “trở lại” của ông cũng được ghi rõ trong những lời sấm truyền, Trạng viết rằng tên tuổi của ông chỉ “sống lại” với hậu thế sau đúng 500 năm. Hậu vận này được chính ông viết trong lời sấm: “Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/Sông Hàn nối lại thì tôi lại về”.

Tường truyền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần gũi và yêu thương dân nghèo

Lời sấm này có nghĩa là bao giờ vùng đất Tiên Lãng bị xẻ làm đôi ra và con sông Hàn được nối lại thì tên tuổi của Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ vang dội trở lại. Quả đúng như lời sấm, vào năm 1991 Tiên Lãng bị xẻ đôi ra vì có công trình đào con sông để làm kênh thủy lợi. Thời điểm ấy cũng vào đúng 500 năm sau thời đại của ông. Cùng lúc ấy thì có cây cầu được xây dựng nối sông Hàn từ quê Vĩnh Bảo của cụ sang Thái Bình. Cũng từ năm ấy trở đi, tên tuổi, danh tiếng, tài năng kiệt xuất của cụ được sống lại, lễ kỷ niệm 500 năm ngày sinh của cụ được Nhà nước tổ chức lọng trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

“Sấm” cho nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh

Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình “cứu vãn” cho triều nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài. Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả thị lang Đông các học sĩ. Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần không được vua nghe, ông đã cáo quan về ở ẩn. Thời ấy, đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn, có tới ba triều đại cùng tồn tại là nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh. Lúc nhà Mạc sắp mất liền sai người đến hỏi ông. Ông đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Quả nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời.

Họa sĩ Văn Thơ trình bày về câu Sấm Trạng Trình có liên quan đến ý tưởng dự án hai bên Sông Hồng của ông

“An Nam lý số hữu Trình tuyền” Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra lời sấm cho nhà Nguyễn, mà nhờ đó nhà Nguyễn mới tiến vào Nam mở rộng bờ cõi để đất nước ta có hình thái như ngày hôm nay. Ấy là năm 1568, khi Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, bèn sai người đến hỏi Trạng, khi ấy đã 77 tuổi đang ở ẩn tại am Bạch Vân. Trạng Trình không nói không rằng, cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”, nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam. Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Trạng thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi nhưng quả đúng như lời sấm ban đầu của Trạng, nhà Nguyễn chỉ có thể dung thân ở dải Hoành sơn chứ không thể tồn tại mãi mãi, nên triều đại nhà Nguyễn đã chấm dứt vào năm 1945.

Còn với triều đại thứ 3 cùng tồn tại khi ấy là nhà Trịnh, thì thời điểm vua Lê Trung Tông mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông cũng không nói năng gì mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”. Rồi Trạng lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha giới thiệu một số di vật tại khu trưng bày hiện vật về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Vận nước hưng thịnh sau 500 năm…

Vận thế đất nước hưng thịnh trong lời sấm quả nhiên được ứng vào đúng 500 năm sau ngày mất của Trạng: “Hồng lam ngũ bách nghinh thiên hạ/Hưng tổ diên trường ức vạn xuân”. Có nghĩa là đất nước Hồng Lam này sau ta 500 năm sẽ đến những mùa xuân hưng thịnh vĩnh viễn. Và thực tế cho thấy, câu sấm này đã ứng nghiệm từ năm 1991, tức là đúng sau 500 năm, đất nước ta đã thực sự khai mở. Trước đó, đất nước ta đã có cuộc đổi mới tư duy từ năm 1986 nhưng đến năm 1991 mới thực sự chuyển biến mạnh.

Ngay cả sự kiện trọng đại Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng được Trạng “nhìn” thấy từ hàng trăm năm trước: “Cửu cửu càn khôn dĩ định/Thanh minh thời tiết hoa tàn/Trực đáo dương đầu mã vĩ/Hồ binh bát vạn nhập Tràng An”. Lời sấm này có nghĩa là đất nước ta phải qua 81 năm mới thoát khỏi ách nô lệ, sau đó phải qua 9 năm nữa mới được yên, thể hiện bằng câu “Thanh minh thời tiết hoa tàn”. Đó chính là trận Điện Biên Phủ lẫy lừng ngày 13/2/1954 đúng vào tiết thanh minh. “Thời tiết hoa tàn” tức là ở thời điểm thanh minh đó có một sự tàn lụi, thì chính là sự tàn lụi của ách cai trị của thực dân Pháp. “Trực đáo dương đầu mã vĩ” tức là cuối năm Ngọ, đầu năm Mùi thì mới có sự thành công. Đó chính là sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 3/1954, đến 10/10/1954 mới giải phóng Thủ đô và ngày 1/1/1955 Chính phủ mới về tiếp quản Thủ đô. Lời sấm “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” nghĩa là có lính tám Sư đoàn của vị lãnh tụ tài ba tiến vào Tràng An.

Ông Nguyễn Gia Hiền, Phó chủ tịch Hội SVC Hà Nội lưu niệm bên tấm Pano giới thiệu Lễ hội đền Trạng Trình

Một loạt các mốc lịch sử khác cũng được Trạng tiên đoán từ 500 năm trước. Tất cả các sự kiện đó đều ứng vào câu sấm: “Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh/Can qua xứ xứ khổ đao binh/Mã đề dương cước anh hùng trận/Thân dậu niên lai kiến thái bình”. Câu này dịch nôm na nghĩa là cuối năm Thìn đầu năm Tỵ sẽ khởi đầu có chiến tranh, ứng vào sự kiện từ cuối năm 1976 (Thìn), đầu năm 1977 (Tỵ) cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nước ta đã rục rịch xuất hiện; tình hình biên giới với Campuchia căng thẳng. Sau đó, là chiến tranh. Rồi đến câu “Mã đề dương cước anh hùng trận”, nghĩa là Trạng Trình tiên đoán nạn can qua phải trải qua cả năm Ngọ nữa. Quả nhiên là đúng hết năm Ngọ, đầu năm Mùi ta mới diệt được quân diệt chủng Pôn pốt, Campuchia được giải phóng. “Thân dậu niên lai kiến thái bình”, tức là chiến tranh còn xảy ra cho đến khi qua năm Thân tới năm Dậu mới có thái bình được.

Lời sấm còn ứng đúng với hai cục diện trên thế giới. Cục diện thứ nhất là cuộc Đại chiến thế giới lần thứ II. Đại chiến thế giới khởi đầu từ khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, từ năm 1940 đã bắt đầu rục rịch (cuối năm Thìn - Long vĩ) khởi đầu chiến tranh, đến năm 1941 (đầu năm Tỵ - Xà đầu) Hitler tấn công Liên Xô. Qua cuối năm 1942, giữa năm 1943 (Mã đề dương cước) thì đến năm 1944 - 1945 (Thân Dậu niên lai kiến thái bình) mới qua khỏi nạn chiến tranh. Cục diện thứ hai là cuộc chiến tranh Iraq cũng xảy ra vào cuối năm Thìn (2000), đầu năm Tỵ (2001) rồi kéo dài đến hết năm Thân - Dậu mới ổn.

Những lời sấm phần từ đầu đến khi Trạng Trình quy tiên không nhiều, chủ yếu là tiên đoán gian đoạn từ sau khi ông qua đời cho đến hôm nay. Một số ý kiến lại cho rằng đến cuối năm 2012, đầu năm 2013 sẽ lặp lại chu kỳ xảy ra loạn lạc đao binh như lời sấm: “Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh/Can qua xứ xứ khổ đao binh/Mã đề dương cước anh hùng trận/Thân dậu niên lai kiến thái bình”. Luồng ý kiến này cho rằng, cuối năm thìn 2012, đầu năm Tỵ 2013, trên thế giới sẽ xảy ra chiến tranh và qua năm Mùi, năm Ngọ đến năm Thân, năm Dậu thiên hạ mới lại thái bình.

Đoàn cán bộ, hội viên của Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội và Hội Khoa học Xây dựng Hà Nội đã về thăm quan Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm và Di t

Đoàn cán bộ, hội viên của Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội và Hội Khoa học Xây dựng Hà Nội đã về thăm quan Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm và Di t

ích

Nữ tướng Lê Chân tại TP. Hải Phòng

Những lời sấm của nhà tiên tri số 1 Việt Nam cũng vẫn quay trở về với ý nghĩa sâu xa như ngay trong lời cảm đề ông đã viết: “Bí truyền cho con cháu - Dành hậu thế xem chơi”. Mọi ý nghĩa sâu xa hơn xin để muôn dân cùng chiêm nghiệm và suy ngẫm.

Với đoàn cán bộ, hội viên của Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội và Hội Khoa học Xây dựng Hà Nội hành hương về thăm quan Khu di tích Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nữ tướng Lê Chân tại TP. Hải Phòng đã có một chuyến đi rất nhiều ý nghĩa trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc và hiểu thêm về công tích của các bậc tiên nhân một lòng với dân với nước.

Video tham khảo thêm tư liệu về cuộc trao đổi của Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha về Trạng Trình:

Xuân Nguyên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/trangtrinhnguyenbinhkhiem-59221